Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÂM SUY NGHĨ

Một định nghĩa khác của tâm là “cái tâm suy nghĩ”, bởi vì suy nghĩ là công việc của tâm. Bạn không thể buộc tâm ngừng suy nghĩ. Nếu bạn cố gắng ép tâm không suy nghĩ, bạn đang làm điều không tưởng. Đó cũng là lúc bạn bắt đầu dùng nhiều năng lượng. Hầu hết mọi người dùng rất nhiều năng lượng vì họ sợ những suy nghĩ của chính mình. Khi chúng ta lạc lối trong suy nghĩ, chúng ta bị dính chặt vào nó; sau đó nếu chú ý hoặc tập trung quá mức, chúng ta sẽ dùng quá nhiều năng lượng và trở nên giống như xác sống vậy. Chúng ta không nên ngay lập tức cho rằng tâm bị xáo động khi nhận ra có suy nghĩ. Chúng ta có chánh niệm bởi vì tâm đã đạt đến một mức độ tĩnh lặng nhất định. Chỉ khi không có chánh niệm thì mới có thể kết luận là ta đang không tĩnh tâm.

Chừng nào tâm còn nhận ra suy nghĩ, chúng ta vẫn có thể nói rằng đang có một mức độ định nào đó.

Chúng ta cần thực hành với tâm suy nghĩ. Bằng cách nào? Mỗi khi suy nghĩ sinh khởi, chúng ta nhận ra nó. Hãy lặp đi lặp lại điều này, chánh niệm trên suy nghĩ của mình. Rồi từ từ tâm sẽ hiểu rằng đó chỉ là đề mục. Một khi cái tâm đang suy nghĩ trở thành một đề mục để quan sát, bạn không thể can dự vào việc suy nghĩ nữa. Suy nghĩ có thể đến rồi đi, nhưng chánh niệm thì vẫn ở đó, nó luôn thường trực. Ngược lại, mỗi khi bạn tham dự vào việc suy nghĩ, chánh niệm sẽ biến mất. Những lúc thấy mình không đủ khéo léo để nhận ra suy nghĩ, chúng ta có thể tạm quay trở lại với các cảm giác trên thân, rồi tiếp tục, lại quay lại, tiếp tục, lại quay lại... Một lúc sau, khi nào nhận ra có suy nghĩ, thì cũng là lúc chúng ta cũng nhận ra mình đang chánh niệm, bởi vì tâm lúc này biết rằng suy nghĩ chỉ là đối tượng quan sát. Khi tâm hiểu và không tham gia vào quá trình suy nghĩ, nó sẽ giữ một khoảng cách. Do đó, hãy hành thiền trên tâm suy nghĩ bằng cách chánh niệm trên các suy nghĩ của mình và các đối tượng trên thân, luân chuyển qua lại liên tục.

Ban đầu, việc duy trì nhận biết tâm suy nghĩ có thể khó thực hiện. Nó khó bởi vì chúng ta chỉ biết tới suy nghĩ. Suy nghĩ là khái niệm bởi vì nó xuất hiện dưới dạng những hình ảnh, câu từ hoặc âm thanh trong tâm. Nhưng khi chúng ta thực hành và bắt đầu lặp đi lặp lại việc nhận biết suy nghĩ mỗi khi nó xuất hiện, thì chúng ta đồng thời nhận ra rằng vượt lên trên suy nghĩ chính là bản chất tự nhiên của tâm. Điều này phụ thuộc vào trí tuệ: nó hiểu rằng vượt lên trên các khái niệm là bản chất tự nhiên của tâm – tâm suy nghĩ.

Khi chúng ta có thể thấy được sự tách biệt giữa đối tượng và tâm biết – đó là đối tượng và đây là tâm – thì tâm có trí tuệ/hiểu biết. Nếu trí tuệ không có mặt thì đối tượng và tâm xuất hiện như một. Chừng nào hiểu biết không ở đó, thì mỗi khi có suy nghĩ bất thiện, tâm trí và trái tim chúng ta sẽ bị đốt cháy, chúng ta chìm vào đau khổ bởi vì không có sự tách biệt giữa tâm và đối tượng. Bạn sẽ nhận ra rằng một số suy nghĩ có thể gây ra sự bùng nổ trong tâm ngay lập tức và bạn sẽ cảm nhận được sức nóng cùng với sự giận dữ, sự tủi nhục, nỗi buồn, hoặc bất cứ thứ gì khác...

Nếu bạn có chút chánh niệm và trí tuệ đối với tiến trình suy nghĩ (mà không phải nội dung suy nghĩ), bạn có thể tìm hiểu, suy xét về nó một cách sáng suốt. Khi đang bị chìm trong phiền não, nếu có được chút ít chánh niệm về quá trình làm việc của tâm, ta có thể dùng tâm suy nghĩ để giải quyết tình huống. Chúng ta có thể đặt câu hỏi “Tôi có thể làm gì bây giờ?” Chính việc tìm hiểu này của tâm sẽ giúp chúng ta thoát khỏi phiền não. Tâm sau đó có thể bình tĩnh lại, cho phép chúng ta quan sát tốt hơn những phiền não và tạo đà cho trí tuệ phát triển. Trường hợp nào tốt hơn: ít suy nghĩ hay nhiều suy nghĩ? Suy nghĩ chỉ là suy nghĩ; phiền não là phiền não; tâm thiện lành là tâm thiện lành, tất cả chỉ là những đề mục, những hiện tượng tự nhiên. Khi chúng ta có thái độ như thế với suy nghĩ, chúng ta đang có chánh kiến. Khi quá tập trung vào một chuyện gì đó, chúng ta có thể làm ngưng suy nghĩ của mình – đây không phải là mục tiêu của thiền. Vì vậy, đừng sợ tâm suy nghĩ; chỉ cần biết là nó đang hiện diện. Khi nhận ra nó, hãy nhắc nhở bản thân rằng mỗi khoảnh khắc như thế chính là một khoảnh khắc nhận ra sự chánh niệm.

Tôi không yêu cầu bạn nhìn vào nội dung suy nghĩ, mà chỉ đơn giản là nhận ra tâm mình đang suy nghĩ. Nội dung suy nghĩ chỉ là ý niệm về những thứ bên ngoài. Còn cái đang thật sự xảy ra là tâm suy nghĩ. Chúng ta cần hay biết về kinh nghiệm thực, là bản chất thật sự của những gì đang diễn ra. Đây là tâm tiếp xúc với thế giới thông qua kinh nghiệm ở sáu giác quan. Vì vậy, cái chúng ta đang kinh nghiệm là tâm, tâm đang sinh khởi, tâm đang suy nghĩ. Vì vậy, chúng ta cần nhận biết và không bị dính mắc vào nội dung suy nghĩ. Chúng ta cần nhìn vào cách tâm tạo ra suy nghĩ, nhìn vào cách mà các phiền não nuôi dưỡng những suy nghĩ. Đây là công việc của chúng ta. Ban đầu, bạn sẽ thấy việc này thật khó. Thói quen của tâm là nhận biết nội dung suy nghĩ, do đó, khi bạn cố gắng nhận biết cái tâm đang suy nghĩ, tâm sẽ tự động nhảy ngược lại vào câu chuyện, rồi sau đó bạn lạc lối trong nó.

Để tâm không lạc vào nội dung suy nghĩ, bạn cần nhận ra rằng mình đang thất niệm, sau đó ghi nhận tâm suy nghĩ; chờ trong chốc lát, rồi nhẹ nhàng và bình tĩnh đưa sự chú ý của mình đến đề mục nào ổn định hơn, ví dụ như một cảm giác nổi bật trên thân, rồi sau đó quay lại với suy nghĩ lần nữa - “cái tâm đang suy nghĩ” - rồi lại quay lại với cảm giác trên thân. Càng thực hành thế này nhiều, bạn sẽ càng dễ dàng phát hiện ra suy nghĩ. Đây không phải làm cho bản thân bận rộn, mà là thực hành. Hãy giữ tâm thư giãn, thoải mái trong suốt quá trình này. Để hiểu được tâm suy nghĩ, chúng ta cần thẩm nghiệm và quan sát nó. Nhưng bằng cách nào? Có một cách là nhìn vào mối liên hệ giữa suy nghĩ và các cảm xúc. Bạn có thể xem suy nghĩ tạo ra các cảm xúc như thế nào và cảm xúc cũng tương tác ngược lại để tạo ra thêm suy nghĩ ra sao.

Đằng sau mỗi tiến trình suy nghĩ luôn ẩn giấu diễn biến tự nhiên, chính là động cơ tạo ra suy nghĩ. Có thể đó là phiền não hoặc cũng có thể là trí tuệ. Ví dụ, suy nghĩ là suy nghĩ, suy nghĩ có thể đi kèm tâm sân, nhưng tâm sân là tâm sân và suy nghĩ là suy nghĩ. Chúng là hai tiến trình tự nhiên khác nhau, nhưng cái này lại ảnh hưởng lên cái kia. Thẩm sát theo cách này rất hữu ích: hãy nhìn vào toàn bộ tiến trình suy nghĩ và mối quan hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác. Hãy quan sát chúng đồng loạt và tìm hiểu cách chúng tác động qua lại lẫn nhau, dần dần, ta sẽ thấy được mối quan hệ nhân- quả trong quá trình suy nghĩ một cách rõ ràng.

Khi có cơ hội ứng dụng chánh kiến, chúng ta thấy tâm suy nghĩ là một tiến trình liên tục bồi đắp cho chính nó. Tôi không muốn bạn tập trung quá mức bởi vì bạn cần để ý đến suy nghĩ của mình. Hãy xem tâm suy nghĩ là một đối tượng quan sát. Chúng ta cần nắm được bản chất tự nhiên của nó. Chúng ta sẽ nhận ra cách tâm làm việc khi nó suy nghĩ. Khi không hành thiền, chúng ta thường không biết mình đang suy nghĩ. Khi ngồi xuống thiền thì bất thình lình, tâm tràn ngập suy nghĩ. Đó là một dấu hiện tốt cho thấy bạn đang chánh niệm. Hãy nhớ rằng mọi thứ bạn đang trải qua đều tốt. Không có gì sai trái cả và không có gì đáng lo. Mọi thứ diễn ra là để giúp chúng ta nhận diện, giúp chúng ta ổn định và phát triển trí tuệ, đó là nếu như chúng ta có thái độ đúng. Đối tượng quan sát không bao giờ là trở ngại trong công việc tu tập của chúng ta, chúng luôn là phương tiện giúp ta trong pháp hành. Tâm chánh niệm luôn cần nhận biết thứ gì đó. Nếu không có đề mục để nhận biết, chúng ta sẽ sống trong một thế giới rất lạ. Chúng ta phụ thuộc vào các đối tượng để phát triển chánh niệm của mình. Chúng ta cần tận dụng chúng để xây dựng thói quen chánh niệm. Chúng ta cần quan sát kinh nghiệm, gạn lấy những lợi ích và gắng sức giữ lấy chúng.

Khi thực hành vipassanā, chúng ta tập chánh niệm trên nhiều đối tượng; mỗi đối tượng có tiềm năng đem lại một hạt giống trí tuệ mà chúng ta có thể gặt hái được. Do đó, chánh niệm mở trên nhiều đối tượng là tiềm năng để xây dựng trí tuệ dồi dào. Chúng ta tận dụng những gì có ích từ đối tượng quan sát và rồi để lại đó. Có thể so sánh việc này với đãi vàng: sàng ra những hạt vàng mịn rồi trả lại tất cả tạp chất khác. Chỉ có thể làm được điều này khi chúng ta có chánh kiến. Nếu không có chánh kiến, chúng ta sẽ thất vọng bởi những gì mình trải qua. Không nhất thiết phải như vậy. Chúng ta sẽ giận dữ khi có tiếng ồn; sẽ khó chịu khi có suy nghĩ hoặc bị đau. Nếu không có thái độ đúng, mọi chuyện sẽ diễn ra như thế. Rất khó để phát triển định – sự ổn định của tâm – khi có thái độ sai. Có thể bạn xây dựng được một chút định vào buổi sáng, nhưng khi có một chút căng thẳng, mọi thứ sẽ biến mất. Điều đó cho thấy phiền não mạnh đến cỡ nào. Không cần biết mức định bạn xây dựng được mạnh ra sao, một khi phiền não lao vào thì “bùm”, nó biến mất ngay. Trải qua một khóa tu mười ngày, khi quay trở về nhà, bạn cảm thấy khó chịu với ai đó, rồi bạn không còn định nữa. Vậy bạn định dùng chánh niệm như thế nào khi bạn không biết cách đối phó với phiền não (cũng đồng nghĩa với việc bạn không biết cách duy trì sự ổn định của tâm)? Thiền chánh niệm không phải để dừng một tiến trình nào đó đang diễn ra mà để hiểu được bản chất thực sự của tiến trình đó. Khi hành giả nhận ra có nhiều ý niệm ở trong tâm, họ có khuynh hướng dừng chúng lại. Trí tuệ không thể sinh khởi theo cách đó. Trí tuệ chỉ có thể xuất hiện khi có sự nhận biết rõ ràng về các tiến trình tâm đang làm nhiệm vụ của chúng, mà không kèm theo tham và sân. Xin nhớ rằng dù bao nhiêu lần tâm suy nghĩ, đi lang thang hoặc khó chịu chuyện gì thì vẫn không sao, chỉ cần bạn chánh niệm được trên nó. Bằng việc thực hành, bạn bắt đầu quan sát và theo dõi chúng: thấy được cách tâm cảm giác, phản ứng và vận hành. Khi bắt đầu thực hành, bạn có thể luân phiên nhận ra các đề mục và sau đó là tâm, rồi đến các đề mục rồi lại đến tâm, cứ như vậy. Cách bạn hành thiền phải thay đổi từ cấp độ này đến cấp độ khác, việc thực hành luôn linh động và liên tục. Bạn có dự tính vào đại học và làm cùng một bài toán với cấp tiểu học không?

Tương tự như thế, cách bạn thực hành cũng thay đổi tương ứng với mức độ trí tuệ trong tâm. Khi đã tiến bộ, bạn không cần phải đi lòng vòng nhận diện từng đề mục mà thay vào đó, bạn nhận diện mỗi đề mục rồi để nó ở đó. Tôi thấy nhiều hành giả đến khóa tu lần đầu và tập quan sát một đề mục. Trong khóa tu tiếp theo, họ vẫn quay lại với một đề mục. Có cần thiết phải quay lại mức độ này khi bạn có thể thấy được đề mục, tâm biết và các cảm giác tất cả đang cùng làm việc với nhau? Tại sao bạn không thấy được điều này? Bởi vì không có sự liên tục trong thực hành, bạn không thực hành nữa khi trở về từ khóa tu. Và mỗi lần quay trở lại khóa tu, bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Đà thực hành không được tạo ra ở đây. Bạn cần thực hành liên tục và tạo được đà nếu muốn thanh lọc tâm. Có nhiều cấp độ vi tế của suy nghĩ; ngay cả khi đang có chánh niệm sắc bén, chúng ta vẫn có thể đang suy nghĩ ở tầng mức rất vi tế. “Tôi có đang chánh niệm không? Có, tôi đang chánh niệm.” Chúng ta đang bàn luận về kinh nghiệm đang diễn ra. Sự khác biệt ở mức độ suy nghĩ vi tế này là không có nội dung suy nghĩ. Tâm suy nghĩ đang là đối tượng quan sát chứ không phải là nội dung suy nghĩ. Mức độ suy nghĩ vi tế này hoàn toàn thuần túy do chức năng, không giống như cấp độ suy nghĩ thô. Suy nghĩ ở cấp độ thô thường xuất hiện bất ngờ và rất mạnh mẽ, bạn có thể nhận diện nó và nếu không quan trọng, nó dừng lại; nếu nó thú vị và thu hút sự chú ý của bạn, nó sẽ tiếp tục diễn ra trong lúc bạn duy trì chánh niệm nhẹ nhàng hoặc thông thường là không có chánh niệm gì hết. Khi quan sát một cái tâm suy nghĩ, chúng ta cần học hỏi từ bản chất tự nhiên của nó. Nó thiện hay bất thiện? Cần thiết hay không cần thiết? Hiểu được tâm suy nghĩ ở cấp độ này tức là có một mức độ trí tuệ nhất định.

Chúng ta cần hiểu tâm suy nghĩ như một đề mục quan sát, là một hiện tượng tự nhiên. Suy nghĩ cũng chính là tâm.

Sayadaw U Tejaniya
Người dịch; Tống Dũng
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên “

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box