Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

THIỀN TÂM TỪ (mettā bhāvanā)
Thiền sinh: Hình như thầy không khuyến khích việc thực hành thiền tâm từ. Thầy có cho rằng thiền tâm từ là không thích hợp đối với các thiền sinh đang hành thiền vipassanā không?

Thiền sư: Không phải tôi nói rằng nó không thích hợp. Nhiều lúc nó rất có ích lợi đấy chứ. Thầy tôi cũng thường dạy tôi thực hành thiền tâm từ trong một số giai đoạn nhất định của pháp hành. Thực sự thì nó phụ thuộc vào cá nhân từng thiền sinh. Có rất nhiều pháp hành nhập môn lúc ban đầu cho thiền tập. Đối với một số người, Đức Phật dạy họ thiền tâm từ để bắt đầu bước vào thiền, nhưng Ngài cũng dạy những người khác bắt đầu từ thiền Tứ niệm xứ. Khi thực hành thiền Tứ niệm xứ (thiền vipassanā), bạn phải thực hành với một cách suy nghĩ rằng: mình hành thiền không phải là để cố tạo nên một cái gì cả. Đừng cố tạo nên các kinh nghiệm, hãy tiếp nhận các kinh nghiệm hay những sự việc diễn ra đó như nó đang là và hãy cố gắng học hỏi từ nó. Nhưng thiền tâm từ làm gì? Thiền tâm từ là để cố tạo ra một cảm giác từ bi. Có thể bạn đang tức giận một ai đó, nhưng bạn lại cố gắng cảm nhận và trải tâm từ bi tới người đó. Đối với một số người, hành thiền tâm từ trong lúc đang tức giận như vậy lại có thể tạo nên những xung đột tâm lý ở bên trong. Đối với những người như thế thì thiền tâm từ lại không có tác dụng. Cái thực đang có là tâm sân, và nếu chỉ cố gắng dùng tư duy tri thức để trấn áp nó thì không thể được.Tôi đã từng thử rải tâm từ đến cho những người mà tôi đang ghét, nhưng bây giờ thì trí tuệ của tôi lại không chấp nhận điều đó. Trí tuệ nói với tôi rằng: “Hãy sống thực với chính mình! Hãy quan sát cái tâm sân ấy! Hãy hiểu biết cái tâm sân ấy!”. Hình như khi cố rải tâm từ như thế, cái tâm mình nó lại đang tự lừa chính nó. Trước kia tôi đã từng thực hành thiền tâm từ rất nhiều, thậm chí hành thiền suốt cả đêm và nhập vào tầng thiền chỉ (với đề mục tâm từ), ngập tràn trong hỷ lạc suốt cả một ngày như vậy, nhưng nó chẳng làm tôi trở thành một con người ít sân hơn chút nào cả. Khi ngừng lại không thực hành tâm từ nữa, tôi lại sân trở lại y như cũ. Sau khi thực hành thiền vipassanā nhiều năm trời trong cuộc sống tại gia, liên tục quan sát tất cả các sinh hoạt của tâm mình, tôi mới bắt đầu kinh nghiệm được những khoảng thời gian mà  tâm mình thực sự không còn chút sân hận nào trong đó. Khi đó thật là dễ dàng rải tâm từ cho tất cả mọi người – không có vấn đề gì cả. Thầy tôi thường ngồi thiền cho đến khi tâm Ngài trở nên thật sự bình an và chỉ khi đó Ngài mới rải tâm từ. Bởi vì chỉ khi đó mới có được tâm từ thực sự. Chỉ khi nào có tiền trong túi thì bạn mới bố thí được cho người ...

Khi tâm không còn sân hận, nếu gặp một người ngang bằng, đồng cảnh ngộ như mình, nó sẽ cảm nhận được lòng từ (mettā). Khi gặp một người đang gặp cảnh ngộ khó khăn hơn, nó làm khởi lên lòng bi mẫn (karunā), khi gặp một người đang thuận lợi, bạn sẽ cảm nhận được tâm hỷ (muditā), còn khi ở vào hoàn cảnh mà bạn chẳng thể làm được gì hơn để giúp họ, nó sẽ là tâm xả (upekkhā). Nhưng nếu trong tâm vẫn còn lại dù chỉ một chút xíu sân thôi, thì tất cả những trạng thái tâm từ, bi, hỷ, xả ấy cũng chẳng thể nào sanh khởi lên được nữa.
Khi tâm sáng suốt và không còn sân hận, bạn cũng sẽ rất dễ thực hành được những pháp hành khác. Nếu nhìn vào một bức hình Đức Phật, bạn cũng sẽ cảm nhận được lòng kính tín đối với

Ngài, bởi vì giờ đây tâm bạn đang ở trong một trạng thái tốt đẹp. Khi đó bạn đang tự động thực hành pháp hành niệm tưởng ân đức Phật (Buddhānussati) một cách rất tự nhiên.
Có ba cách để bạn có thể nhìn thấy được Đức Phật: 1.nhìn bằng mắt; 2.nhìn bằng tâm (tưởng tượng hình ảnh của Ngài trong tâm mình); 3.nhìn bằng cách hiểu Đức Phật bằng trí tuệ của chính mình. Chính vì thế Đức Phật mới nói rằng “Người nào thấy pháp sẽ thấy ta”. Nhiều người sống cùng với Đức Phật mà chẳng hề thực sự thấy Ngài bao giờ. Có lần Đức Phật đã phải bảo một người đệ tử đi chỗ khác (để hành thiền), bởi vì ông này suốt ngày chỉ ở loanh quanh bên cạnh để nhìn ngắm Ngài cho thoả thích. Loại tâm từ tôi muốn bạn có được là loại tâm từ thực sự, chứ không phải là loại tâm từ bạn cứ phải cố nặn cho ra cho mình hay cho người khác. Khi không còn sân hận, tất cả tâm từ, bi, hỷ, xả đều có được cả, khi đó bạn có thể rải tâm từ bao nhiêu cũng được. Tâm từ khởi nguồn từ vô sân, chính vì vậy điều quan trọng hơn là hãy ghi nhận, quan sát và thấu hiểu tâm sân hơn là cố gượng ép thực hành thiền tâm từ. Tôi nhấn mạnh đến cách đối phó với tâm sân trước, bởi vì nó là thực.

Thiền sinh: Đôi khi con phải dùng đến thiền tâm từ mỗi khi mình đau khổ; khi đó con nhận ra rằng mình chẳng có chút từ bi đối với người nào cả, vì vậy con phải tự rải tâm từ cho chính mình để tâm mình trở nên thiện hơn đôi chút.

Thiền sư: Đúng, làm vậy cũng đúng. Bạn nên bắt đầu với chính mình bởi vì chỉ khi nào tự bạn cảm thấy an lạc bạn mới rải tâm từ được cho người khác. Tôi luôn luôn nhắc các thiền sinh khi rải tâm từ phải chánh niệm biết mình đang rải tâm từ ra sao. Tự quan sát chính mình khi rải tâm từ là bạn cũng đang thực hành cả thiền vipassanā rồi đấy. Hãy quan sát tâm mình đang làm việc, đang rải tâm từ; kiểm tra lại xem mình thực sự đang có tâm từ hay không. Nếu khi đó vẫn còn tâm sân thì bạn cũng nhận ra được ngay là rất khó rải tâm từ khi bạn còn đang giận dữ.
Thiền sinh: Nếu có thái độ chân chánh thì tâm từ thực sự có tự động khởi lên được không ạ?

Thiền sư: Có, nó khởi lên được mỗi khi bạn có trí tuệ – thái độ chân chánh chính là trí tuệ. Chính vì vậy tôi nhấn mạnh rất nhiều đến tầm quan trọng của trí tuệ; có trí tuệ thì mọi thứ đều có thể làm được. Tôi cố gắng đi từ chỗ quan trọng nhất đó, chứ không bắt đầu đi ngược từ dưới lên.
Trong tam học Giới-Định-Tuệ, giới là nền tảng, định cao hơn, và tuệ là cao nhất. Chỉ cố giữ giới mà không có định thì bạn cũng chẳng thể giữ được. Nhưng khi có định bạn sẽ thấy giữ giới được rất dễ dàng, và khi có tuệ thì cả giới và định cũng sẽ tự động có mặt.

Giới có hai loại. Đầu tiên chúng ta phải cố gắng thu thúc, kiềm chế không làm những hành động bất thiện. Loại giới thứ hai sanh khởi khi tâm đã hiểu ra được vấn đề, nghĩa là không cần phải cố gắng tự thu thúc, kiềm chế nữa bởi vì sự ham muốn đã không còn hay chỉ còn lại rất ít. Cả tham và sân đã bị suy yếu, và đó chính là giới như là một tâm sở – giới tâm sở. Khi trí tuệ đích thực khởi sanh lên, nghĩa là khi đắc đạo quả, ngay lập tức giới trở thành thanh tịnh và người hành giả liễu ngộ được Bát chánh đạo.

Trong thời Đức Phật một số đệ tử có được tuệ căn phát triển ở mức độ rất cao. Bởi vì tuệ quá mạnh nên đôi khi chỉ cần nghe một vài câu pháp của Đức Phật là đã đắc đạo quả liền.
Trong phương pháp thiền này, tôi ngày càng nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của tuệ. Bản thân tôi trước kia cũng đã từng thử thực hành qua rất nhiều phương pháp khác nhau. Tôi đã từng rất tinh tấn giữ giới và tu tập để phát triển định lực thâm sâu, nhưng tất cả những điều đó chẳng làm cho tôi thay đổi một cách thực sự chút nào. Chỉ khi tâm tôi bắt đầu hiểu ra được sự việc, khi trí tuệ đã lớn mạnh, chỉ khi ấy tôi mới trở thành một con người tốt đẹp. Tất nhiên, trí tuệ tăng trưởng đã giúp tôi giữ giới được ngày một tốt hơn. Một trong những pháp hành tôi thường thực hành khi còn là một cư sỹ là giữ bát quan trai giới (8 giới), không phải bát quan như các thiền sinh vẫn giữ trong thiền viện như thế này, mà là ngũ giới cộng với giới mở rộng về lời nói: cố gắng không chỉ không nói dối mà còn không nói những lời thô ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời phù phiếm vô ích. Tôi sớm nhận ra rằng mình phải cần rất nhiều chánh niệm, rất nhiều sự tự hay biết, tự soi chiếu bản thân mình để giữ được trọn vẹn những giới khẩu này, và khi ấy pháp hành của tôi mới bắt đầu có được những bước tiến vượt bậc.

Điểm xuất phát ở đây cũng lại là trí tuệ. Ở đó có trí tuệ, có sự hiểu biết rằng cách thực hành như thế này rất ích lợi. Khi có trí tuệ, tất cả mọi thứ đều biến thành chân chánh. Tôi thực sự mong muốn các thiền sinh phát triển trí tuệ của mình, bởi vì tôi biết rõ sự khác biệt do nó mang lại lớn đến mức nào.
Thực sự thì tôi không muốn nói nhiều đến tâm từ, song một khi bạn đã biết cách nhìn nhận vấn đề cho đúng thì bạn có thể thấy rõ được tâm từ ngay thôi. Nếu không có sự kiên nhẫn thực lòng, một điều rất gần gũi với từ tâm, thì chắc là tôi đã không thể cống hiến được toàn bộ thời gian và sức lực để dạy dỗ các thiền sinh mỗi ngày như thế này được. Nhưng tôi không dành tâm từ cho riêng cá nhân một ai cả, nó rộng lớn hơn, bao trùm hơn, tâm từ đó là để dành cho tất cả, tất cả mọi người

Sayadaw U Tejaniya
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box