Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Chướng ngại từ ham muốn của các giác quan

Taungpula Kaba-Aye Sayadaw Phaya

Trong năm chướng ngại của việc hành thiền, ham muốn của các giác quan là chướng ngại đầu tiên. Đức Phật dạy, “ Này các Tỷ khưu, giống như thân này phải dựa vào sự nuôi dưỡng để tồn tại, năm chướng ngại này phải dựa vào sự nuôi dưỡng. Không có sự nuôi dưỡng, chúng không thể sanh khởi và tồn tại.”

Thế thì cái gì đã nuôi dưỡng làm cho các chướng ngại sinh khởi và giúp cho chúng tiếp tục sinh khởi? Đó chính là sự suy nghĩ không có trí tuệ. Khi bạn thấy hoặc nghe điều gì, bạn thường nghĩ rằng nó thường hằng, nó sẽ đem đến hạnh phúc, và rằng có một ai đó trong bạn đang thưởng thức và nhìn ngắm nó, và nó thật đẹp.

Để tâm tham sinh khởi, một đối tượng được cho là đẹp chính là sự nuôi dưỡng. Nếu một người nào đó nghĩ về một vật cho đó là dễ thương, là đẹp, sự ham muốn đối với vật ấy sẽ sinh khởi. Nếu chúng ta cứ nghĩ hoài về những thứ dễ thương hoặc đẹp, tâm tham sẽ sinh khởi, không biết bao nhiêu lần và trở nên dai dẳng.

Ai cũng muốn thấy cái gì đó xinh đẹp, nghe một một điều gì đó hay ho hoặc thú vị, ngửi thấy mùi thơm và ăn thức ăn ngon. Chính vì lòng tham mà con người muốn những thứ này và hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nếu chúng ta có được những thứ mà chúng ta muốn và rồi lòng tham sẽ được thỏa mãn. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Càng được nhiều chừng nào, chúng ta lại càng muốn có thêm chừng ấy. Lòng tham giống như một con thú hoang. Nếu bạn cho một con thú hoang ăn, bạn sẽ không thể đuổi nó đi, cho dẫu bạn dùng gậy hoặc ném đá để đuổi nó đi.

Lòng tham cũng vậy. Nếu bạn cho con thú hoang của lòng tham “ăn” những ham muốn của giác quan, chúng sẽ không bao giờ bỏ đi, chúng sẽ trở nên ngày càng mạnh hơn. Hầu hết mọi người nghĩ rằng nếu chúng ta có những ham muốn nào đó, tốt nhất là hãy làm gì đó, hoặc đi để làm một điều gì đó để thỏa mãn ham muốn đó, nhưng không nhất thiết phải như vậy.

Thường thì khi một người muốn xem một thứ gì đó, chẳng hạn như phim ảnh hoặc TV, thì anh ta xem ngay, không chần chừ. Nếu bạn quan sát ham muốn của bạn với chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng các ham muốn cũng vô thường. Đây cũng là sự thật đối với mọi thứ khoái lạc của giác quan. Nếu bạn quan sát chúng, bạn sẽ thấy rằng chẳng có gì là thường hằng, chúng không phải là “tôi” hoặc là “của tôi”.

Phương cách tốt nhất để đối trị với tâm tham là xem nó là vô thường, thấy rằng nó thực sự không mang lại hạnh phúc, và thấy rằng khoái lạc không bao giờ đủ để thỏa mãn và nó không phải là “tôi” hay là “của tôi”. Sẽ không tốt nếu ta thỏa mãn hoặc đè nén những ham muốn. Một khi ham muốn sinh khởi, phương cách tốt nhất là quan sát và nhìn sâu vào bản chất của nó, để thấy rằng ham muốn luôn đi kèm theo khổ đau khi ta mất đi vật mà ta muốn được sở hữu.

Nếu, do vì thói quen, bạn nghĩ rằng một vật gì đó là thường hằng, mang lại sự vui thích, hoặc đẹp, thì ham muốn chưa sinh khởi ngay lập tức sẽ sinh khởi, và ham muốn đã sinh khởi này sẽ trở nên ngày càng mạnh hơn. Nhưng nếu bạn thấy rằng một vật gì đó là vô thường, và sự dính mắc vào nó có thể đem lại đau khổ, nếu bạn thấy rằng thân thể của chúng ta thật ra chỉ là một sự ô trược, thì tham ái sẽ ra đi, và ham muốn chưa sinh khởi sẽ không sinh khởi. Bằng cách thực hành chánh niệm, chúng ta sẽ không cho con thú hoang của lòng tham của chúng ta ăn, không nuôi sống nó. Những người hành thiền và giữ Giới sẽ hạn chế được tâm tham và cuối cùng bản chất muốn nắm giữ của tâm sẽ yếu dần.

Giới giống như mặt đất. Ai muốn làm việc cũng phải đứng vững trên mặt đất. Vì vậy khi bạn hành thiền, bạn phải giữ Giới. Nhờ vào việc giữ giới, tâm của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn rất nhiều và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Giữ Giới hổ trợ cho việc hành thiền của bạn được tốt đẹp và loại bỏ lòng tham. Khi bạn hành thiền, bạn phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc hổ trợ cho việc hành thiền, vì vậy bạn cần phải giữ cho Giới của bạn được trong sạch. Nếu bạn hết lòng thực tập, bạn sẽ thấy được Chân lý.

Bất cứ điều gì mà chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm – nếu chúng ta quan sát chúng thật chánh niệm, chúng ta sẽ thấy sự vô thường, khổ và vô ngã trong đó, chúng ta sẽ thấy được bản chất giả tạo của cái đẹp. Nếu chúng ta tiếp tục quan sát như vậy, lòng ham muốn đối với những gì chúng ta yêu thích sẽ ra đi. Nếu bạn hiểu được như vậy, bạn sẽ thấy lòng ham muốn và những khoái lạc của các giác quan của bạn dịu xuống. Nếu bạn không hiểu, bạn sẽ tiếp tục đau khổ.

Một con người hay một vị Trời- bất cứ ai thực hành thiền – đều có thể được gọi là Tỳ khưu. Tại sao anh ta hoặc cô ta lại được gọi là Tỳ khưu? Bởi vì người đó đang diệt si mê. Tỳ khưu nói theo cách khác là người đang diệt vô minh. Bạn có thể sống một cuộc sống thế tục, nhưng bạn vẫn có thể hành thiền để phát triển một sự hiểu biết sâu sắc về chân lý, và bạn ngay cả có thể trở nên giác ngộ.

Theo: The Hindrance of Sensual desire chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi Sayadaw U. Jotika

Nguyên tác: Blooming in the Desert

Favourite teachings of the Wildflower Monk Taungpula Kaba-Aye Sayadaw Phaya

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Pañña Dīpa Tuệ Đăng

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box