Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÀ KIẾN      Tỳ kheo Paññissara – Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

Hỏi: Xin Sư giảng rõ hơn về Tà kiến ạ?

Đáp: Tà kiến (diṭṭhi) là thấy một cách sai lạc, diễn giải một cách không đúng đắn, thấy sai khác với thực tại. Chẳng hạn khi nhìn, có một cái nhìn sanh khởi thì chúng ta cho rằng là có người nhìn, khi nghe một âm thanh thì chúng ta cho rằng đó là âm thanh của một cái gì đó (vd: tiếng xe, tiếng chim, tiếng người,…). Tiếng người, tiếng xe, tiếng chim,… là các khái niệm, chúng ta suy nghĩ về các khái niệm chứ các khái niệm này không thể nghe được. Thực tại xảy ra đối với cái nghe ở tai, đối với cái nhìn ở mắt nhưng tiến trình suy nghĩ đến khái niệm thì lại xảy ra ở ý môn. Tiến trình này xảy ra ở các satna, các khoảnh khắc khác nhau, nhưng chúng ta cũng lại không phát hiện ra được điều đó.

Đặc tính của Tà kiến là do chúng ta tác ý một cách sai lệch, hướng tâm một cách sai lệch. Chức năng của Tà kiến là làm cho các sự vật và hiện tượng bị sai lạc, xa rời bản chất thực
Chánh kiến là một chi đạo nằm trong Chánh đạo. Tà kiến cũng là một chi đạo nhưng nó là một chi của Tà đạo. Chừng nào chúng ta còn nắm giữ một quan điểm, một ý tưởng cho rằng đây là con đường để dẫn tới một nơi an vui, hạnh phúc, một sự tự do, giải thoát thì nghĩa là Tà kiến đang dẫn ta đi sai chệch, đi về các mục tiêu sai lệch ra khỏi mục tiêu chân chánh.
Dưới thời Đức Phât, người ta cũng tin tưởng là có nhiều cách thực hành khác nhau để đạt tới sự thanh tịnh, giải thoát. Họ cho rằng là cứ phải khổ hạnh thì sẽ tẩy rửa được nghiệp, rồi người ta thực hành hạnh của con vật như là hạnh con chó hay là hạnh con bò. Ngày nay, chúng ta cũng có thể rơi vào tà kiến mà không biết: chẳng hạn, ăn uống đúng để giải thoát cũng là một dạng tà kiến.

Khi có kiến điên đảo (diṭṭhi-vipallāsa) thì chúng ta không biết đúng sai. Mặc dù đã biết Chánh đạo là như vậy nhưng chừng nào ta chưa thực sự thấy thì vẫn có thể rơi vào tà kiến.
Thông thường có thể chia tà kiến ra làm 3 loại khác nhau:

Natthika-diṭṭhi: Cho rằng không có kết quả của nghiệp, chủ trương rằng chết là hết.

Ahetuka-diṭṭhi: Cho rằng các hiện tượng là không có nhân, không có căn nguyên, chúng sinh có số phần và không có cái gì có thể thay đổi được.

Akiriya- dịtthi: Tà kiến không tin tưởng vào Nghiệp (Kamma), phủ nhận tất cả hành động thiện hay bất thiện, nghĩa là dù hành động thiện hay bất thiện thì đều giống nhau không để lại nghiệp quả gì hết.

Cũng có thể chia theo Thường kiến (Sassata-diṭṭhi) hoặc Đoạn kiến (Uccheda-diṭṭhi) hoặc là một phần Thường kiến, một phần Đoạn kiến.
Về văn tuệ, chúng ta có thể hiểu được khi nghe các thông tin nhưng chỉ khi thấy được rõ ràng sự sanh khởi và diệt tận của các pháp thì lúc đó chánh kiến mới được xác lập một cách chắc chắn. Thấy được sự sanh khởi thì người ta sẽ không còn tin tưởng vào Đoạn kiến và thấy được diệt tận thì người ta cũng không còn tin tưởng vào Thường kiến. Nếu không thấy được nghiệp và các nhân duyên thì cũng sẽ không thấy được kết quả của nghiệp và ngược lại.

Chúng ta cũng có những tà kiến về Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành thức), cho rằng sắc là ngã, ngã là có sắc; rồi sắc có trong ngã, rồi ngã có trong sắc; sắc trong ngã thì sắc nhỏ hơn và ngã trong sắc thì ngã nhỏ hơn. Tương tự như vậy cho các danh uẩn còn lại.

Hỏi: Con biết rằng do có tà kiến nên ta nắm vào các khái niệm. Con muốn hỏi là bắt vào các khái niệm có phải là tà kiến không?

Đáp: Thường thường mọi người để ý cho sư một chút có những điều đúng chiều xuôi thì cũng đúng cho chiều ngược nhưng có những điều đúng theo chiều xuôi nhưng không đúng theo chiều ngược, có những điều đúng theo chiều ngược nhưng không đúng theo chiều xuôi. Như Đức Phật vẫn nói “La Hầu La lại đây”, “Xá Lợi Phật lại đây” thì Ngài bắt vào cái gì? Ngài vẫn bắt vào khái niệm. Ngài vẫn bắt vào khái niệm con người, chúng sinh, người này, người khác,.. nhưng không bao giờ Ngài có hiểu biết sai lầm đó là một con người thực sự, một chúng sinh thực sự. Trong Tứ vô lượng tâm liên quan đến các đối tượng là chúng sinh, nó là khái niệm. Từ, Bi, Hỉ, Xả thì đối tượng của nó là các khái niệm.

Trong tất cả các pháp bất thiện thì Tà kiến là cái tệ hại nhất. Từ Tà kiến nảy sinh ra các bất thiện pháp khác. Do vậy, việc thực hành là để xác lập sự hiểu biết rõ ràng hay nói cách khác là có được Chánh kiến.

Chánh kiến hay hiểu biết có mặt nghĩa là thấy được tam tướng: Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chánh kiến có mặt còn giúp cho chúng ta hiểu được về nhân duyên của các pháp hữu vi.
Chánh kiến là đối lập với Tà kiến. Nhờ có chánh kiến, ta hiểu rõ được về Niết bàn, ở đây là sự diệt khổ. Khi chánh kiến có mặt, chúng ta sẽ thấy đúng với thực tánh pháp, với bản chất của các hiện tượng. Tà kiến cũng là thấy nhưng là thấy sai. Nhờ hiểu đúng chúng ta mới thực hành đúng.

Quan kiến mà sai thì có nghĩa là 7 yếu tố còn lại trong Bát Chánh Đạo cũng sai hết, trở thành Tà đạo. Chánh kiến sẽ quyết định cái sau có đúng hay là không. Có Chánh kiến thì những cái sau nó mới là Chánh, Tà kiến thì cái những cái đi sau nó là Tà. Tà ở đây tức là sai, không đúng với Chánh đạo

Hỏi: Thưa Sư, trong kinh hay nói tới việc Đức Phật thuyết kinh dành cho người biết, người thấy không phải là dành cho người không biết, không thấy. Xin Sư giải thích thêm ạ?

Đáp: Người biết là người có thể khơi dậy tác ý chân chánh hay là như lý tác ý. Tác ý chân chánh hay như lý tác ý là điều kiện, nhân duyên để Chánh kiến sanh khởi. Như lý tác ý có nghĩa là hướng tâm đúng đắn.

Cái kim đặt ngang trên tờ giấy thì không thể nào đâm toạc được tờ giấy. Cần phải dựng để cho kim vuông góc với tờ giấy đã, sau đó chỉ cần dùng một lực rất nhẹ thì nó cũng có thể đâm thủng tờ giấy. Cây kim để ngang thì cho dù ta có ấn mãi, ấn rất mạnh đi chăng nữa thì cũng không thể nào đâm thủng được. Phải định hướng cho đúng, đó là người biết.

Người thấy là thấy theo cách không để cho tác ý không chân chánh khởi lên. Nguyên nhân để cho chánh kiến sanh khởi đó là có tác ý chân chánh, như ý tác ý.

Một yếu tố khác nữa là: tiếng nói của người khác. Chúng ta phải thân cận với những bậc trí để có được những thông tin đúng. Không có Đức Phật thì không có được những thông tin đúng, nhất là trong Pháp hành Vipassana, chỉ có Đức Phật thuyết giảng mà thôi.

Những thông tin đúng đắn sẽ giúp chúng ta hiểu đúng, từ đó thực hành đúng. Chính vì vậy chúng ta nên nghe pháp nhiều. Chúng ta nghe pháp nhiều đến khi có cảm giác như đã nằm lòng rồi, tức là lời nói, suy nghĩ và hành động đã hợp nhất rồi, lúc ấy thì yên tâm hơn. Ngược lại, nếu còn hồ nghi, phân vân không chắc chắn, tức là chúng ta đã nghe, đã áp dụng nhưng chưa triệt để. Cần hiểu một cách rõ ràng thấu đáo sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng.

 

Hỏi: Thưa Sư, con có nên cố gắng để có chánh niệm suốt cả ngày không?

Đáp: Khi có chánh niệm thì chúng ta ghi nhận và biết mình có chánh niệm; khi thất niệm, ta cũng biết rõ rằng là mình thất niệm. Từ đó, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa những khoảnh khắc chánh niệm và thất niệm; đó mới là điểm mấu chốt, chứ không phải là việc cố gắng là có chánh niệm suốt.

Việc phát hiện ra được các khoảnh khắc, các satna mà thất niệm rất có giá trị. Chúng ta không thể cầu toàn được và nên hiểu rằng các pháp sinh khởi có cả tốt xấu, có cả trắng cả đen, có cả thiện và bất thiện. Vấn đề là chúng ta có biết khi nó có mặt hay không? Khi nó có mặt ta biết nó có mặt, khi nó không còn nữa thì ta biết là nó không còn nữa; đó là mới điều quan trọng chứ không phải ta bắt buộc phải luôn có chánh niệm, luôn có pháp thiện.

Tỳ kheo Paññissara – Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box