Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Những lời dạy vượt thời gian của Ajahn Chah

Mọi người đều biết khổ - nhưng họ không thực sự hiểu nó. Nếu chúng ta thực sự hiểu khổ thì sự hiểu biết này sẽ chấm dứt khổ của chúng ta.

Những người người phương Tây nói chung thì lúc nào cũng tất bật, vì vậy hạnh phúc và đau khổ ở mức độ hai cực đoan của họ lớn hơn chúng ta. Sự thật là việc có nhiều kisela (phiền não) của họ sẽ giúp dùng để làm đối tượng quán chiếu nhằm đạt được nguồn trí tuệ về sau.

Để sống cuộc đời của một cư sĩ và thực hành Pháp/ Chân lý (Dhamma), chúng ta phải ở trong thế gian nhưng lại vượt lên trên nó. Giới (Sīla) - bắt đầu với 5 giới căn bản – là cha mẹ của tất cả mọi thiện pháp. Giới giúp loại bỏ mọi sai trái ra khỏi tâm, loại bỏ những gì gây nên sầu muộn và âu lo. Khi những bất thiện pháp cơ bản này bị loại bỏ, tâm sẽ luôn luôn ở trong trạng thái vắng lặng (samādhi). Việc căn bản trước tiên hết là phải làm cho sīla thực sự vững chắc. Hãy hành thiền theo thời khóa mỗi khi có cơ hội. Đôi khi việc thực hành của các ông tốt, đôi khi không. Đừng bận tâm về chuyện ấy, cứ hãy tiếp tục. Nếu hoài nghi sinh khởi, chỉ cần hiểu rằng hoài nghi – cũng giống như mọi thứ khác trong tâm – đều vô thường.

Từ nền tảng đó, định (samādhi) sẽ sinh khởi, nhưng tuệ thì chưa. Chúng ta phải canh chừng tâm khi nó đang sinh hoạt - để nhìn thấy sự thích và không thích sinh khởi khi các giác quan tiếp xúc với cảnh mà không dính mắc với chúng. Đừng nôn nóng đạt được kết quả hay muốn có sự tiến bộ nhanh chóng. Một đứa bé trước tiên phải bò đã, rồi mới học để đi, để chạy và rồi khi trưởng thành, có thể đi nữa vòng trái đất để đến Thái Lan.

Dāna (bố thí hay thực hành sự rộng lượng) - nếu việc cho đi được thực hiện với một ý định tốt đẹp – có thể mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Nhưng chỉ cho đến khi việc giữ giới của chúng ta được tròn đủ thì việc bố thí mới trong sạch, bằng không chúng ta có thể ăn cắp từ người này để đem cho người khác.

Đi tìm sự khoái lạc và niềm vui là một việc không có hồi kết bởi vì chúng ta không bao giờ có được sự thỏa mãn. Nó giống như một bình nước có một lỗ rò trên đó. Chúng ta cố gắng đổ nước cho đầy bình nhưng nước vẫn tiếp tục rò rỉ ra ngoài. Sự an bình có được từ cuộc sống tâm linh đưa đến một sự chấm dứt hoàn toàn, nó đặt dấu chấm hết cho việc đi lòng vòng bất tận để tìm kiếm. Nó giống như bít cái lỗ của bình nước.

 

 

Sống trong thế gian và thực hành thiền, người khác sẽ nhìn thấy các ông giống như một cái chiêng mà không được đánh, không tạo ra một âm thanh nào cả. Họ sẽ coi các ông như là đồ vô dụng, khùng điên hoặc thất bại, nhưng thật ra thì ngược lại.

Bản thân mình, tôi chưa bao giờ đặt nhiều câu hỏi với các vị thầy của mình. Tôi luôn luôn làm một người lắng nghe. Tôi thường lắng nghe những gì các vị ấy nói, cho dẫu đúng hay sai không thành vấn đề, và rồi tôi thực hành. Tương tự cũng như các ông đang thực hành ở đây. Các ông không nên đặt nhiều câu hỏi như vậy. Nếu chúng ta duy trì chánh niệm một cách liên tục thì chúng ta có thể xem xét cẩn thận các trạng thái tâm của mình – chúng ta không cần bất kỳ một ai khác để xem xét các tâm trạng của chúng ta.

Lần nọ khi tôi đang sống với một vị thầy, tôi phải tự may cho mình một cái y. Vào thời đó chẳng có chiếc máy may nào cả, người ta phải may bằng tay và đó là một kinh nghiệm thật là gay go. Vải rất dày mà kim thì lụt, tôi cứ bị kim đâm vào tay mãi. Tay tôi đau nhức và máu nhỏ từng giọt trên tấm vải. Do công việc may y này quá khó nên tôi cứ nóng lòng làm nó cho xong. Tôi bị cuốn hút vào công việc và thậm chí không nhận ra mình đang ngồi ở chỗ nắng gắt, người ướt đẫm cả mồ hôi.

Vị thầy đến bên tôi và hỏi tại sao tôi lại ngồi ở ngoài nắng như vậy mà không đi vào trong chỗ mát mà ngồi. Tôi nói với ngài rằng tôi thực sự nóng lòng muốn công việc xong cho rồi. Ngài hỏi: “Con vội vàng để đi đâu?”

Ngài lại hỏi: “Công việc của chúng ta khi nào thì xong chứ?” Ồ…! câu nói của ngài rốt cuộc làm cho tôi bừng tỉnh.

“Công việc thế gian của chúng ta không bao giờ chấm dứt” ngài giải thích. “Con nên dùng những cơ hội như thế này, xem chúng như các bài tập để thực hành chánh niệm, và rồi khi con đã làm việc đủ lâu rồi thì hãy dừng tay. Hãy gác nó qua một bên và tiếp tục ngồi thiền hoặc thiền hành”.

Lúc đó tôi mới bắt đầu hiểu lời dạy của thầy của mình. Trước đó, khi tôi may, tâm của tôi cũng may và ngay cả khi tôi đặt công việc may xuống, tâm của tôi vẫn tiếp tục may. Khi tôi hiểu lời dạy của thầy của mình, tôi có thể thực sự đặt công việc may xuống. Khi tôi may, tâm của tôi may. Khi tôi đặt công việc may xuống, tâm của tôi cũng đặt công việc này xuống. Khi tôi ngừng may, tâm của tôi cũng ngừng may.

Hãy biết được điều gì là tốt và điều gì là xấu khi làm một du tăng hoặc định cư tại một chỗ. Các ông không thể tìm thấy sự an bình ở trên một ngọn đồi hay trong một hang động đâu, các ông có thể đi đến nơi Đức Phật giác ngộ mà chẳng đến gần sự giác ngộ hơn một chút nào cả. Vấn đề quan trọng là hãy tự biết chính mình bất kỳ các ông đang ở nơi đâu, các ông đang làm điều gì. Viriya, tinh tấn, không phải là sự thắc mắc về những gì các ông đang làm bên ngoài, mà là duy trì cái biết liên tục và sự tự chế bên trong.

Điều quan trọng là không nên chằm hăm vào người khác để tìm lỗi của họ. Nếu họ hành xử không tốt, các ông không cần dính mắc vào đó để tự làm khổ mình. Nếu các ông chỉ cho họ điều gì đúng và họ không thực hành theo, thì hãy cứ để như thế. Khi Đức Phật tu học với những vị thầy dạy những phương pháp thực hành khác nhau, Ngài nhận thấy rằng phương pháp của họ có sự thiếu sót, nhưng Ngài không xem thường họ. Ngài đã học hỏi với sự khiêm tốn và kính trọng đối với các vị thầy, Ngài đã thực hành hết sức nghiêm túc và nhận ra rằng phương pháp của họ chưa hoàn thiện nhưng vì Ngài chưa đạt được sự giác ngộ nên Ngài không chỉ trích hay cố gắng để dạy họ. Sau khi đã giác ngộ, Ngài nhớ đến những người Ngài đã cùng tu học và muốn chia sẻ cái kiến thức mà Ngài vừa mới tìm ra với họ.

Chúng ta thực hành để thoát khổ, nhưng thoát khổ không có nghĩa là phải có mọi thứ theo ý mình muốn, buộc mọi người phải hành xử như mình muốn, nói những điều vừa lòng mình. Đừng tin vào những suy nghĩ đó của các ông trong những chuyện như vậy. Thường thường thì sự thật là một việc còn suy nghĩ của chúng ta lại là một việc khác. Chúng ta nên dùng trí tuệ để xem xét việc suy nghĩ quá nhiều, và rồi sẽ không có vấn đề. Khi suy nghĩ vượt quá trí tuệ, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng rối rắm. Tham ái (Tanhā) trong việc thực hành có thể là bạn hay thù. Trước tiên thì nó thúc đẩy chúng ta đến đây thực hành – chúng ta muốn thay đổi sự việc, muốn chấm dứt khổ. Nhưng nếu chúng ta lúc nào cũng muốn một điều gì đó mà nó chưa (đủ điều kiên để) sinh khởi, nếu chúng ta muốn sự việc phải khác đi so với bản chất của chúng, thì điều này chỉ tạo đau khổ nhiều hơn mà thôi.

 

 

Đôi khi chúng ta muốn bắt tâm phải im lặng, nhưng nỗ lực này chỉ làm nó thêm bất an. Rồi chúng ta ngưng thúc ép nó thì định lại sinh khởi. Và rồi trong trạng thái vắng lặng và yên tĩnh đó chúng ta lại bắt đầu tự hỏi – Chuyện gì vậy đang diễn ra vậy? Ý nghĩa của nó là gì vậy?... Và chúng ta lại trở nên bối rối!

Vào ngày trước cuộc tập kết tập Kinh điển (sanghāyanā) lần thứ nhất, một trong những vị đệ tử của Đức Phật đã đến để thông báo với Đại đức Ananda rằng: “Ngày mai là ngày đại hội kết tập, chỉ có những vị A-la-hán mới được phép tham dự ”. Đại đức Ananda vào thời điểm đó vẫn chưa đạt được giác ngộ, vì thế ngài hạ quyết tâm: “Tối nay ta phải làm được điều đó.” Ngài thực hành miên mật suốt đêm, tìm cách trở thành một bậc giác ngộ. Nhưng ngài chỉ tự làm cho bản thân mình mệt mỏi. Vì vậy, ngài quyết định buông bỏ, nghỉ ngơi một chút bởi ngài thấy mọi nỗ lực của ngài chẳng đi đến đâu cả. Do đã buông bỏ, khi ngài vừa nằm xuống, đầu chạm vào chiếc gối, ngài đạt được sự giác ngộ.

Những điều kiện ở bên ngoài không làm cho các ông khổ, khổ sinh khởi là do tà tư duy. Các cảm giác vui thích hay khổ, thích hay không thích, sinh khởi từ sự tiếp xúc giữa các giác quan với cảnh – các ông phải chụp ngay lấy chúng khi chúng sinh khởi, không chạy theo chúng, không tạo cơ hội cho tham ái và chấp thủ sinh khởi vì những thứ này đến lượt nó sẽ đưa đến sinh và hữu (nghiệp). Các ông nghe người khác trò chuyện, nếu các ông chấp vào đó, nó sẽ làm cho các ông bực bội - Các ông nghĩ rằng nó phá hỏng sự tĩnh lặng, phá hỏng thời thiền của các ông, nhưng nếu các ông nghe tiếng chim hót thì các ông chẳng nghĩ gì về việc đó cả, các ông buông bỏ nó, xem âm thanh chỉ là âm thanh, không dành cho nó bất cứ ý nghĩa hay giá trị gì.

Các ông không nên vội vã hay gấp gáp trong việc thực hành của mình mà phải nghĩ đến chuyện về lâu về dài… Ngay bây giờ đây, chúng ta có những người mới bước chân vào việc hành thiền. Nếu chúng ta hành thiền lâu năm, chúng ta có thể hành thiền trong mọi hoàn cảnh, cho dẫu là đang tụng kinh, đang làm việc hay đang ngồi trong cốc thiền của chúng ta. Chúng ta không cần phải đi tìm những nơi đặc biệt nào để thực hành. Nếu các ông muốn tu độc cư, việc ấy chỉ đúng phân nửa mà cũng sai phân nửa. Không phải là tôi không ủng hộ các ông trong việc tu tập miên mật để huân tập định (samādhi), nhưng các ông phải biết khi nào phải ra khỏi nó – sau bảy ngày, hai tuần, một tháng, hai tháng – rồi sau đó trở về với mối quan hệ với con người và hoàn cảnh trở lại. Đây là nơi mà chúng ta có được trí tuệ; thực hành định quá nhiều chẳng có lợi gì mà nó lại có thể làm cho chúng ta trở nên điên khùng. Nhiều nhà sư muốn sống một mình đã bỏ đi và rồi để chết một mình!

Những người quan niệm rằng thực hành miên mật là một phương cách hoàn hảo và cũng là phương cách duy nhất để thực hành, chẳng đếm xỉa gì đến hoàn cảnh trong cuộc sống bình thường của mình là như thế nào, những người này được gọi là những kẻ say sưa với thiền.

Hành thiền là để trí tuệ sinh khởi trong tâm. Việc này chúng ta có thể thực hành ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và trong bất cứ tư thế nào.

Những phản tĩnh trên Pháp/ Chân lý (Dhamma) này được ấn tống để kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 5 sau khi Ajahn Chah qua đời. Chúng được rút ra từ bộ sưu tập những lời dạy của ngài do Paul Breiter cóp nhặt trong suốt những năm 70. Chúng được ấn tống như một sự thể hiện lòng tôn kính và biết ơn.
Trích: Recollections of Ajahn Chah

Theo: Timeless Teachings of Ajahn Chah

Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box