THÁI ĐỘ ĐÚNG ĐẮN
(Yoniso manāsikāra-Như lý tác ý)
Thư giãn và chánh niệm là những điểm cốt yếu, song có thái độ hành thiền đúng đắn
Tất cả chúng ta đều có những thái độ sai lầm; bởi chúng ta không thể không có chúng. Vì vậy, đừng cố để có được thái độ đúng đắn ngay lập tức, mà thay vào đó bạn hãy cố gắng nhìn nhận rõ xem: mình đang có thái độ đúng đắn hay sai lầm. Biết mình đang có thái độ đúng đắn là điều quan trọng, song nhận rõ và thẩm ngiệm, xem xét những thái độ sai lầm của mình còn quan trọng hơn. Hãy cố gắng hiểu rõ hơn về những thái độ sai lầm của mình; phát hiện xem chúng ảnh hưởng đến sự thực hành của mình như thế nào, chúng khiến mình cảm nhận ra sao. Do vậy, bạn hãy luôn quan sát bản thân mình, luôn nhìn lại và kiểm tra xem mình đang thực hành với thái độ như thế nào.
Có thái độ đúng sẽ giúp bạn chấp nhận, hay biết và quan sát bất cứ điều gì đang diễn ra, một cách thư giãn và tỉnh thức - dù nó là dễ chịu hay khó chịu. Bạn phải chấp nhận và quan sát cả kinh nghiệm tốt lẫn kinh nghiệm xấu. Mọi đối tượng, mọi kinh nghiệm dù tốt hay xấu, đều đem lại cho bạn cơ hội học hỏi, để biết tâm mình có chấp nhận được mọi việc như chúng đang là hay không, hay là nó vẫn quanh quẩn, vương vấn với thích hoặc không thích, vẫn còn tiếp tục phản ứng hay đánh giá, phán xét.
Thích một điều gì có nghĩa là bạn đang khao khát, mong cầu điều đó (tham); không thích nghĩa là bạn đang muốn chối bỏ nó (sân). Tham và sân là những phiền não bắt nguồn từ si ám, vô minh - vô minh cũng là một loại phiền não. Vì vậy, đừng cố tạo ra một điều gì cả; bởi cố tạo ra điều gì là tham. Đừng chối bỏ những gì đang diễn ra; bởi chối bỏ điều đang diễn ra là sân. Không biết điều gì đó đang diễn ra hay đã chấm dứt không còn diễn ra nữa, đó là si.
Bạn đừng cố gắng bắt buộc mọi thứ phải xảy đến như mình mong muốn, mà hãy cố gắng hay biết những gì đang diễn ra như nó đang là. Nghĩ rằng mọi thứ nhất định phải như thế này thế kia, mong muốn điều này điều nọ phải xảy ra hoặc không được xảy ra, đó là chính mong cầu, mong đợi. Mong cầu sẽ tạo ra lo lắng, bất an và có thể dẫn đến sân. Điều quan trọng là bạn phải ý thức được thái độ của mình như thế nào!
Đánh giá, phán xét về pháp hành của mình rồi trở nên bất mãn, không hài lòng với cách thực hành của mình, đó chính là thái độ sai lầm. Sự bất mãn sanh khởi khi bạn cho rằng mọi thứ đã không diễn ra như mình nghĩ; hoặc do bạn mong muốn nó phải khác đi chứ không phải như thế này, hoặc do bắt nguồn từ sự ngu dốt, thiếu hiểu biết về một pháp hành chân chánh. Những thái độ này sẽ đóng chặt tâm bạn và cản trở pháp hành của bạn. Hãy cố gắng nhận rõ sự bất mãn này, chấp nhận nó một cách hoàn toàn và quan sát nó một cách thật tỉnh táo. Trong quá trình quan sát và khám phá, những nguyên nhân của nó sẽ dần dần bộc lộ rõ ràng. Hiểu được nguyên nhân sẽ làm tan biến sự bất mãn và giúp bạn nhận diện rõ ràng mỗi khi chúng quay trở lại. Bạn sẽ ngày càng thấy rõ hơn những tác hại sự bất mãn gây ra cho thân, tâm mình. Bạn sẽ chánh niệm hơn về những thái độ đánh giá, phán xét của mình và sẽ dần dần từ bỏ chúng. Bằng cách này, bạn sẽ phát triển được những kỹ năng cần thiết để ứng phó với phiền não.
Thái độ sai lầm bắt nguồn từ vô minh. Chúng có mặt ở trong tâm của tất cả chúng ta. Tất cả thái độ sai lầm đều là những phiền não tham và sân, hoặc là bà con, họ hàng của chúng như là: mừng vui, sung sướng hay lo lắng, buồn khổ. Không chấp nhận phiền não thì chỉ làm cho chúng gia tăng thêm sức mạnh mà thôi. Các loại phiền não sẽ cản trở sự tiến bộ của bạn và không cho bạn sống cuộc đời mình một cách hoàn toàn. Chúng cũng gây trở ngại cho bạn trên con đường đi tìm giải thoát và sự bình an đích thực. Đừng coi thường phiền não, chúng sẽ cười vào mũi bạn đấy!
Hãy nhìn cho rõ những loại phiền não đang có trong mình. Cố gắng hay biết những phiền não đang sanh khởi trong tâm. Hãy quan sát và cố gắng thấu hiểu chúng. Đừng dính mắc vào chúng, đừng chối bỏ hay làm ngơ, bỏ qua và cũng đừng tự đồng hoá mình với chúng (nhận chúng là mình). Khi bạn không còn dính mắc hoặc tự đồng hoá với chúng, thì chúng sẽ dần dần mất sức mạnh. Bạn phải luôn kiểm tra lại xem mình đang hành thiền với thái độ như thế nào.
Luôn ghi nhớ rằng, thiền chánh niệm là một quá trình học hỏi để thấy rõ mối liên hệ giữa thân và tâm của mình. Hãy thật tự nhiên và đơn giản; bạn không cần phải làm mọi việc thật chậm chạp một cách gượng ép, thiếu tự nhiên. Bạn chỉ đơn giản nhìn mọi việc như chúng đang là.
Bạn không cần phải gắng sức, gồng người lên để chú tâm. Khả năng chú tâm sẽ phát triển một cách tự nhiên nhờ sự thực hành đều đặn, kiên trì. Mục đích của chúng ta là để có chánh niệm ngày càng miên mật, ngày càng thường xuyên hơn. Chánh niệm càng liên tục thì tâm càng nhạy bén và tiếp nhận đối tượng trung thực hơn.
Đừng quên: đề mục không quan trọng, tâm quan sát đang làm việc ở phía sau hay biết đề mục đó mới thực sự quan trọng. Nếu bạn quan sát với một thái độ đúng đắn, thì bất cứ đề mục nào cũng là đề mục đúng đắn cả. Bạn có thái độ đúng đắn
*Thiền sinh: Thưa thầy, con nghĩ là con không thực sự hiểu thái độ hành thiền nghĩa là gì. Có phải thầy muốn nói đến trạng thái tâm hay là việc xem mình có bị sân hay không?
Thiền sư: Bạn có thể gọi nó là trạng thái tâm hay thái độ đều được cả. Nó chính là những lời bình luận tích cực hay tiêu cực trong tâm bạn, nó đánh giá phán xét bất cứ cái gì bạn đang liên hệ đến. Chẳng hạn, nhìn thấy đồ ăn trên bàn, tâm phản ứng một cách tự động liền "Ồ...". Thái độ đằng sau sự phản ứng đó là gì? Nó rất rõ, đúng không? Trong những lúc như thế, bạn đã bộc lộ thái độ của mình rất rõ. Thái độ của chúng ta luôn tự thể hiện ra bằng cách này hay cách khác.
Thiền sinh: Như vậy thì suy nghĩ khác thái độ phải không ạ?
Thiền sư: Đúng, nhưng suy nghĩ có thể phản bội lại thái độ; nó cũng có thể là sự thể hiện của thái độ. Cũng y như vậy, các hình ảnh, cảm giác, những lựa chọn, quyết định và một số biểu hiện về thân, khẩu khác cũng có thể cho thấy thái độ của bạn.
Thiền sinh: Bình thường thì con dễ thấy được các thái độ tiêu cực của mình, thư giãn thoải mái và buông bỏ chúng. Nhưng đôi khi tâm con cảm thấy rất rối trí, lẫn lộn và không biết phải làm gì cả.
Thiền sư: Chỉ cần nhìn sự rối loạn ấy. Mỗi khi tâm tôi rối loạn, mờ mịt, thì tôi dừng lại, không làm gì cả, tự nhìn lại mình và đợi cho đến khi tâm đã định tĩnh trở lại. Khi tâm bạn còn rối loạn sẽ không thể có trí tuệ. Nếu cố nghĩ giải pháp, hay câu trả lời cho một vấn đề trong trạng thái tâm rối loạn, lẫn lộn, bạn sẽ chỉ có được những câu trả lời cũng mê mờ, lẫn lộn. Đừng cố làm gì lúc ấy, thậm chí cũng đừng cố hành thiền nữa.
Khi tâm bạn đang ở trạng thái tiêu cực cũng áp dụng nguyên tắc ấy. Đừng làm gì hết. Bất cứ việc gì bạn làm, nghĩ hay nói cũng đều là tiêu cực, không cách này thì cách khác. Chỉ cần quan sát trạng thái tâm tiêu cực đó cho đến khi nó hạ xuống. Nếu có thái độ hành thiền đúng đắn, bạn sẽ dễ làm điều đó hơn. Khi tâm đã dịu xuống và định tĩnh trở lại, bạn sẽ có được những quyết định khôn ngoan.
Vì vậy, hãy quan sát sự rối trí đó. Đừng cố đẩy đuổi hay lờ tịt nó đi mà hãy tạo thói quen quan sát nó một cách tách rời (như một người từ bên ngoài quan sát). Mỗi khi rối trí về một vấn đề nào đó, tôi đều dừng lại không suy nghĩ nữa. Lý do gây ra rối trí, lẫn lộn là do mình không có sự sáng suốt, không có trí tuệ về vấn đề đó. Cố gắng nghĩ trong trạng thái tâm như thế chỉ làm mình thêm rối. Quan sát các cảm giác và cảm xúc đang có mặt lúc đó sẽ giúp bạn định tĩnh trở lại. Khi tâm đã lắng đọng, nó mới có thể xem xét và đánh giá được tình huống.
Sayadaw U Tejaniya
Trích “Đừng Coi Thường Phiền Não “
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “
Người dịch; Sư Tâm Pháp