Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Sợ Thằn Lằn

Thiền Sinh: Con thằn lằn, chuột nhắt không làm gì mình nhưng nhưng nhìn thấy sợ, tại sao?

Thiền Sư: Những vật hay con gì mình sợ lúc còn nhỏ, bây giờ nên đến gần quan sát rồi coi tâm mình.
Quan sát liên tục sự sợ hãi trong tâm chúng ta sẽ thấy rõ tại sao mình sợ. Ví dụ: con thằn lằn. Người ta sợ con thằn lằn vì mình nó mềm, trơn. Trơn mềm chỉ là cảm giác, có gì sai trái đâu. Có lẽ lúc ban đầu khi đụng vào thân nó, cảm giác trơn mềm làm tâm không ưa, rồi dính mắc vào ý nghĩ đó (ghê quá, ớn quá) và cứ tiếp tục nghĩ như vậy cho đến khi lớn. Khi nhìn vào vật mìnhkhông ưa và nhìn tâm thấy sợ, quan sát sợ. Khi sợ mất rồi sẽ thấy không có chi đáng gớm hết.

Khi còn là cư sĩ tôi thích uống rượu mạnh dù không thèm, uống vì thói quen. Tôi tự tập bỏ rượu bằng cách: để chai rượu trên bàn, nhìn rượu rồi nhìn tâm, cho đến lúc nào tâm muốn uống hạ xuống. Tôi ý thức rằng, ủa tại sao mình uống, mình đâu có thích chi. Vị có chi ngon, uống vào chỉ làm say sưa be bét, mất hết phương cách, uống vô thêm hại bao tử, cháy gan, cháy ruột, mình đâu có muốn những chuyện này rồi bỏ rượu luôn.

*Nếu là người mới bắt đầu hành thiền, bạn phải thường xuyên tự nhắc nhở mình chánh niệm. Lúc đầu thì bạn nhận ra mình mất chánh niệm hơi chậm và có thể nghĩ rằng chánh niệm của mình như thế là đã tương đối liên tục. Song khi chánh niệm đã trở nên sắc bén hơn, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng thực ra mình thường xuyên bị mất chánh niệm. Thậm chí bạn còn có cảm tưởng là chánh niệm của mình ngày càng kém đi, song thực ra đó là vì bạn đã thường xuyên ý thức được mỗi khi mình bị mất chánh niệm. Đây là một bước tiến đúng hướng. Nó cho thấy chánh niệm của bạn đã tốt hơn trước. Do đó, đừng bao giờ tự dằn vặt mình như vậy, chỉ đơn giản chấp nhận mức trình độ đang có của mình và tiếp tục tự nhắc nhở mình chánh niệm.

Tuy nhiên, chỉ tự nhắc mình chánh niệm thì cũng chưa đủ. Để chánh niệm trở nên mạnh hơn, bạn cần phải có thái độ hành thiền đúng đắn, có một cái tâm quan sát không bị phiền não chi phối. Sự quan sát sẽ trở nên khó khăn hơn khi bạn cứ mải bận tâm, lo lắng về sự tiến bộ của mình. Trước hết, bạn phải ý thức được rằng đó chính là phiền não, và rồi lấy chính nó làm đối tượng để quan sát. Mỗi khi bạn có những trạng thái như phân vân, nghi ngờ, không thoải mái, bất mãn, căng thẳng, cáu gắt, bực bội hay vui mừng, hãy nhìn kỹ chúng. Tìm hiểu, xem xét chúng và tự hỏi mình xem: "Tâm mình đang suy nghĩ điều gì?" "Thái độ của mình ra sao?". Việc này sẽ giúp bạn hiểu được tác động của phiền não đến mình thế nào. Bạn cần phải kiên nhẫn, có sự hứng thú, say mê và một cảm giác tò mò muốn làm, muốn khám phá, tìm hiểu. Dần dần, khi bạn đã trở nên thiện xảo, khéo léo hơn trong việc quan sát với thái độ đúng đắn, chánh niệm sẽ mạnh mẽ và liên tục hơn. Chính điều này sẽ giúp bạn thêm tự tin trong pháp hành của mình.

Ở thời điểm này bạn sẽ bắt đầu thấy được lợi ích của thiền và lúc đó hành thiền không còn là một "công việc" nữa, mà bạn sẽ có thêm nhiều hứng thú trong pháp hành. Bạn tự nhắc mình chánh niệm dễ dàng hơn và dễ nhận diện phiền não hơn. Kết quả là chánh niệm sẽ trở nên ngày càng liên tục, và cùng với thời gian, khi pháp hành đã chín muồi, chánh niệm sẽ đạt được đà quán tính.

Một khi đã có đà quán tính, bạn sẽ giữ chánh niệm một cách tự nhiên. Loại chánh niệm tự nhiên hầu như có thể cảm nhận rõ rệt được này sẽ mang lại cho bạn cảm giác giải thoát chưa từng thấy. Bạn chỉ đơn giản luôn luôn hay biết mỗi khi nó có mặt, và trên thực tế hầu như nó có mặt trong mọi lúc. Nói cách khác, bạn biết là mình đang có chánh niệm, khi đó tâm đã trở thành đề mục để quan sát. Khi đã có được đà chánh niệm như thế, tâm bạn sẽ trở nên ngày càng quân bình, buông xả.

Chánh niệm lúc này sẽ rất mạnh và bạn chỉ cần rất ít cố gắng để duy trì đà quán tính của nó. Bạn sẽ luôn luôn hay biết nhiều đề mục khác nhau, mà không cần cố gắng dụng công. Khi rửa tay chẳng hạn, bạn nhận biết được các cử động, xúc chạm, mùi xà phòng, cảm giác và cả tiếng nước chảy…Trong khi hay biết tất cả những điều này, bạn có thể hay biết được cả cảm giác chân đang xúc chạm với sàn nhà, nghe được tiếng loa vẳng lại từ ngôi chùa bên kia cánh đồng, hay nhìn thấy vết bẩn trên tường và cảm thấy ý muốn rửa sạch nó đi. Trong khi tất cả những điều này diễn ra, bạn cũng có thể hay biết được tâm mình có thích hay không thích. Tất nhiên, mỗi lần rửa tay bạn lại hay biết những đối tượng khác nhau. Chánh niệm tự nhiên thì đề mục luôn thay đổi, chuyển dịch liên tục, buông bỏ đề mục này để nắm bắt đề mục kia, chuyển từ một tổ hợp đề mục này sang tổ hợp đề mục khác.

Khi đã có chánh niệm tự nhiên, dường như mọi việc đều chậm lại bởi vì giờ đây bạn nhận biết được rất nhiều đề mục khác nhau, trong khi lúc mới thực hành bạn vẫn phải cố vật lộn để giữ chánh niệm trên một, hai đề mục chính mà thôi. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đột nhiên bị mất thăng bằng khi bất ngờ chạm trán với những loại phiền não tham, sân thật mạnh. Điều khác biệt là giờ đây tâm bạn phát hiện ra các phiền não loại thô hay những thái độ sai lầm của mình một cách rất nhanh chóng, rồi hoặc là chúng sẽ tan biến ngay tức khắc, hoặc là ít nhất cũng bị mất sức mạnh. Bạn vẫn có thể bị thất niệm, tâm vẫn có thể lang thang đây đó hay có lúc chánh niệm suy yếu, nhạt nhoà đi, song sẽ lấy lại chánh niệm tương đối nhanh, chánh niệm tự nhiên sẽ nhanh chóng trở lại làm công tác của mình.

Tuy nhiên, trước khi quá phấn khởi với thành tích đó, xin cảnh báo bạn một điều rằng: để đạt được đà quán tính này không phải là chuyện dễ. Bạn không thể bắt nó phải xảy ra được. Phải thật kiên nhẫn. Có thể bạn sẽ đạt được đà chánh niệm này sau một vài tuần dành trọn thời gian hành thiền, song nó cũng không kéo dài được lâu. Để duy trì được nó, cần phải có sự khéo léo và quá trình thực hành. Lần đầu tiên đạt được chánh niệm tự nhiên, bạn sẽ nhanh chóng đánh mất nó trong vòng một vài giờ hay thậm chí chỉ trong vài phút. Đừng bao giờ cố gắng để lấy lại trạng thái đó; nó chỉ có thể xảy đến một cách tự nhiên và đơn giản thông qua quá trình thực hành bền bỉ, liên tục. Hầu hết tất cả các thiền sinh phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để nắm vững kỹ năng và hiểu biết cần thiết, để duy trì được chánh niệm tự nhiên trong suốt cả ngày.

Khi pháp hành của bạn đã có đà quán tính, định tâm sẽ phát triển một cách tự nhiên, tâm bạn sẽ ngày càng ổn định hơn. Tâm trở nên sắc bén hơn, biết bằng lòng-tri túc, đơn giản và chân thực, nhu nhuyễn và nhạy cảm hơn. Nó có thể nhận diện được những loại phiền não vi tế một cách dễ dàng trong khi vẫn chánh niệm, hay biết được các đề mục khác. Chánh niệm tự nhiên không những giúp bạn có khả năng chánh niệm được trên nhiều đối tượng mà còn giúp bạn hiểu được nhân-quả, quan sát mọi chi tiết và xử lý hiệu quả các loại phiền não vi tế.
Chẳng hạn, bạn đang cảm thấy rất thư giãn và tĩnh lặng khi đi kinh hành trong thiền đường, rồi khi vào ngồi thiền, bạn chợt nhận thấy có một sự xáo động, bất an rất vi tế ở trong tâm. Lúc này tâm bạn đã nhận biết được phiền não, chấp nhận nó và bắt đầu cảm thấy hứng thú với công việc đó. Có thể bạn sẽ tự hỏi "Tại sao có sự bất an này?". Tâm bạn sẽ xoay quanh câu hỏi đó. Cùng lúc, bạn cũng khám phá ra rằng thân mình đang bị căng thẳng, có thể đó là một cảm giác căng cứng nơi bụng chẳng hạn. Rồi, bất chợt bạn hiểu rằng đó chính là do sự tích tụ của những trạng thái stress, bực bội, bất mãn hay phấn khích nào đó núp sau những bất an và căng thẳng thể lý này. Nói cách khác, trí tuệ bắt đầu phân loại, chọn lọc mọi thứ. Khi tâm đã hiểu nguyên nhân của cảm giác xáo động, bất an, ngay lập tức sự bất an sẽ giảm cường độ và những căng thẳng trên thân cũng nhẹ dần.

Nếu tiếp tục quan sát, bạn sẽ phát hiện ra rằng một số bất an và căng thẳng vẫn còn dư sót lại ở bên trong. Tâm bạn sẽ khởi lên câu hỏi "Tại sao có sự việc này?"; câu hỏi đó sẽ dẫn bạn tiến lên một trình độ cao hơn. Bạn sẽ phát hiện ra những mong cầu, chống đối, những quan kiến và hy vọng còn giấu mặt bên trong, chính chúng là thủ phạm gây ra những căng thẳng đó. Bởi vì giờ đây bạn đã thấy được nguyên nhân "gốc" của sự bất an, nên tâm bạn mới có thể hoàn toàn buông bỏ được.

Vì đã biết rõ nguyên nhân, nên tâm bạn sẽ để ý, canh chừng, đề phòng những tình huống tương tự có thể gây ra stress, bực bội hay phấn khích nổi lên. Mỗi khi chúng xuất đầu lộ diện, trí tuệ sẽ vạch mặt những loại phiền não giấu mặt đằng sau chúng. Theo cách này, chánh niệm sẽ ngày càng miên mật và tâm sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Bấy giờ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, Pháp sẽ tự vận hành.

Tuy nhiên, ngay cả chánh niệm tự nhiên cũng không thể luôn luôn phát hiện được mọi phiền não. Tất cả chúng ta đều có những "vùng mù", những cố tật thâm căn cố đế chưa ý thức được. Chánh niệm tự nhiên không thể thấy được những "vùng mù" này. Chúng còn tiềm ẩn sâu trong tâm thức, sự quan sát trực tiếp không thể tiếp cận đến. Cái mà chánh niệm có thể thấy được là những phản ứng cảm tính của người ngoài. Vì vậy, mỗi khi bạn nhận thấy những người xung quanh mình bỗng nhiên trở nên bảo thủ-tự vệ theo một cách nào đó, hãy nhìn lại cách cư xử và thái độ của mình. Tuy nhiên, thường thì bạn không thấy rõ được mình đã chọc giận hoặc làm tổn thương đến người khác như thế nào. Nếu bạn cảm thấy thân mật, thoả mái với người mình đã lỡ chọc giận, thì có thể hỏi xem ý kiến người ấy thế nào hay có điều gì không vừa lòng về mình không. Nếu không thì tốt nhất là nên kể toàn bộ sự việc lại cho một người bạn tốt, để người ấy xem mình sai chỗ nào. Một khi bạn đã thấy ra được vấn đề của mình, thì có thể trình bày điều đó lên trong buổi trình pháp. Điều quan trọng là phải phát hiện và khám phá ra những thói quen và cố tật tiềm ẩn đó của mình. Chỉ khi bạn ý thức được những thái độ sai lầm, vốn là thủ phạm của những cố tật "mù" đó, thì trí tuệ mới có thể để ý canh chừng chúng được.

Nếu là người mới tập thiền, bạn phải cố gắng để cho trí tuệ hoạt động, thể hiện chức năng của nó. Bạn phải sử dụng chánh niệm của mình một cách thông minh và khôn khéo để thực hành một cách hiệu quả. Nhất là khi phải đối mặt với khó khăn, bạn phải vận dụng tư duy để tìm ra cách thức giải quyết tình huống đó. Theo thời gian, khi chánh niệm trở nên miên mật hơn, trí tuệ sẽ đến và nhanh chóng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nó. Trí tuệ biết rõ sự khác biệt giữa thái độ sai lầm và thái độ chân chánh, trí tuệ sẽ xua tan phiền não. Khi pháp hành của bạn đã có đà tiến, chánh niệm và trí tuệ sẽ bắt đầu làm việc cùng nhau. Khi chánh niệm đã được tự nhiên, trí tuệ có được sẽ luôn luôn sẵn sàng hoạt động.

Mặc dù vẫn còn thất niệm, nhưng bạn hãy luôn kiên nhẫn và nhẹ nhàng đưa tâm mình về với hiện tại. Liên tục tự nhắc nhở mình, nhưng đừng tham lam, ham tiến bộ quá mức. Cũng đừng bận lòng khi thấy người khác tiến nhanh hơn mình nhiều; bạn đang bước đi trên con đường riêng của mình với tốc độ riêng của mình. Tất cả những điều bạn cần làm là duy trì chánh niệm, không sớm thì muộn, chánh niệm sẽ có được đà tiến một cách tự nhiên.

Sayadaw U Tejaniya
Trích “ Trình pháp tại khoá tu mùa đông 2018 tại Malaysia “
“ Đừng Coi Thường Phiền Não “
Người dịch: Sư Tâm Pháp

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box