BĂNG QUA NHỮNG CHƯỚNG NGẠI
Trong đời sống thường nhật, luôn sẽ có những thử thách khởi sinh và bạn có thể phản ứng lại với những thử thách này theo nhiều cách.
Bạn có thể xử lý vấn đề trong tích tắc làm bản thân tạm thời thấy ổn hơn, nhưng cách đó không thể nào làm lộ diện được Thánh Đế thứ 2 về Nguyên nhân sự khổ. Hãy nhớ rằng, không hề có một cách nào có thể bay qua hay xuyên qua trên con đường Thánh Đạo, bạn phải tự đi qua dù có bất cứ chuyện gì xảy ra đi nữa. Những bài học được thiết lập cho bạn, và bạn phải tự mình nhận ra kinh nghiệm để học hỏi, nhận ra cơ hội ứng xử với trở ngại và đi đến cấp độ hiểu biết đủ để làm bạn được giải thoát. Lợi ích thực tế nhất của Dhamma là khi nhìn vào phiền não và hiểu chúng, thì đó cũng là cách để bạn tiếp cận với trí tuệ. Chúng ta không kết thúc mối liên hệ với những vấn đề của cuộc sống. Khitâm thực sự đạt đến cấp độ hiểu biết về việc nào đó là sai thì nó sẽ không lặp lại lỗi lầm nữa. Hiểu biết sẽ được tăng trưởng và bạn có thể xử lý những vấn đề cuộc sống một cách có trí tuệ.
Chúng ta muốn nhận ra rằng Đây là tâm, và cách thức vận hành của nó đã khiến chúng ta không vui. Một số thiền sinh nói tôi rằng, họ thực hành Tâm Từ (Mettā) để đối trị lại với việc đánh giá và so sánh nhưng mà việc thực hành này không nhổ được gốc rễ của Nguyên nhân sanh khổ. Mettā giống như một loại dầu không thể làm làm tiêu trừ hết vết thương được. Nó chỉ hữu ích khi nào bạn nhận ra cơn đau đang ở mức độ nào để đánh giá nó thôi. Mục đích của việc sống với chánh niệm là để thực sự biết rõ cách mọi thứ thực tế là như thế nào và hiểu rõ chúng. Hy vọng rằng, việc hiểu biết này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những phiền não. Vì vậy, lần tới hãy đừng dùng tâm từ (mettā) như là thuốc giải cho điều đó, vì như vậy bạn sẽ không thấy rõ được điều gì thực sự đang diễn ra.
Chúng ta nên thích thú trong những đối tượng về các mối quan hệ tự trong thân chúng ta: Những tác động qua lại của các đối tượng, trạng thái tâm, trí tuệ, phiền não, và chánh niệm. Chúng là những mối quan hệ mà chúng ta cần phải chăm sóc. Ngoài kia, Con người và những gì họ đang làm chỉ là các khái niệm. Hơn nữa, những đối tượng ngoài kia không làm gì ngoài việc lo việc của họ. Nhưng tâm này lại không lo việc của nó mà lại đi nhào vào trộn lẫn cùng các thể loại vấn đề. Đây là mối quan hệ mà chúng ta cần phải có sự quan tâm và đây chính là toàn bộ vấn đề về sự thực hành.
Kể cả khi chúng ta ngồi ở đâu đó, và không nói chuyện hay không muốn nói với ai, chúng ta vẫn đang có sự liên hệ với môi trường xung quanh. Chánh niệm sẽ quan sát mối quan hệ này. Không cần phải cố định mối quan hệ đã diễn ra mà chúng ta nên chuyển ý muốn chánh niệm sang điều đang diễn ra. Có một sự chấm dứt tạm thời khổ đau và có một sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Chúng ta phải trả giá tương ứng với mỗi loại mình lựa chọn. Có vài thứ chúng ta có một cách dễ dàng và rẻ mạt. Còn chúng ta sẽ phải trả giá cao hơn cho những thứ đáng giá hơn.
Chúng ta nên quan tâm vào những mối quan hệ trong thân tâm mình: Sự tương tác giữa các đối tượng,
Trạng thái tâm,trí tuệ, phiền não,Và chánh niệm, đó là những mối quan hệ mà chúng ta cần phải chăm sóc.
Trí tuệ giúp tăng trưởng niềm tin, bất cứ ai hiểu được giá trị của chánh niệm đều được hưởng lợi khi áp dụng chánh niệm vào đời sống cũng đều thấy niềm tin tăng trưởng. Điều quan trọng nhất của niềm tin là niềm tin vào tự thân chúng ta và vào năng lực có thể áp dụng chính mình vào sự thực hành. Tâm thiện hỗ trợ lẫn nhau và các tâm bất thiện cũng hỗ trợ cho nhau. Khi có nhiều nước đổ vào, thì lửa sẽ dần tắt, còn khi lửa được thêm củi thì lửa càng cháy.
Tự cân nhắc, học hỏi, tiếp tục thực hành. Đời sống thường nhật có rất nhiều điều vui buồn xảy ra khi tham, sân, và si cùng thân quyến của chúng trở nên mạnh mẽ. Trí tuệ mà bạn có được có thể sẽ không đủ để ngăn bước chân của chúng. Vậy bạn sẽ tiếp cận tình huống ấy như thế nào? Bước đầu tiên là chấp nhận bất cứ điều gì diễn ra trong tâm như nó là. Chấp nhận rằng đó chỉ là bản chất của tâm. Nếu bạn không chấp nhận điều đó, bạn sẽ luôn dùng phiền não đối trị với phiền não. Tôi lấy một ví dụ tương đồng là khi bạn cố gắng tăng tốc xe nhưng chân lại đạp vào bên phanh! Chiếc xe sẽ không thể di chuyển. Vì vậy, khi bạn bắt đầu, không cần thiết là tâm phải hoàn toàn đón nhận với tiến trình này. Điều đó không sao cả. Đây là cách bạn bắt đầu khi bạn phát triển các kỹ năng thực hành của mình. Học từ những tình huống khó. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu ghi nhận nguyên nhân & kết quả. Hiểu rõ được nguyên nhân đưa đến trớn mạnh hơn trong thực hành sẽ giúp bạn cải thiện được sự thực hành của mình một cách tự nhiên.
Trong khi có điều gì đó xảy ra, chánh niệm sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu từng chút một ở sau màn và khi gom đủ dữ liệu rồi, trí tuệ sẽ bước lên sân khấu. Khi trí tuệ có mặt, bạn sẽ không cần phải tiếp tục với những hành động thiếu kỹ năng nữa. Ghi nhận và làm việc thông qua những tình huống thử thách hay vì tránh mặt chúng. Khi tâm đã hiểu biết điều gì là sai thì nó sẽ không lặp lại hành động đó nữa. Những bài học đều ở đó chờ bạn tới xử lý.
Bạn có thể thu thập được loại hiểu biết nào thông qua việc hay biết điều gì đang diễn ra? Bạn có thể bắt đầu bằng cách có sự quan tâm. Sau đó, thẩm sát. Bạn sẽ trở nên chánh niệm về rất nhiều thứ khác nhau nhưng hay biết rằng chúng chỉ là đối tượng hay kinh nghiệm mà thôi. Hãy bắt đầu đặt thêm nhiều câu hỏi: Cái gì là khái niệm? Cái gì là thực tế? Hãy liên tục quan sát và học hỏi.
Hãy nuôi dưỡng tò mò và hứng thú – chúng là những yếu tố quan trọng. Đừng sợ phạm lỗi, và không bao giờ nên cảm thấy tệ hại về việc mình đã gây nên lỗi lầm. Những bước đi sai lầm này chính là những viên đá lót đường trên lộ trình của chúng ta, và chúng là một phần của tiến trình đó. Chúng ta không thể nào tránh được sai lầm. Việc hay biết, quan sát kỹ càng, và học hỏi từ sai lầm đó chính là khi trí tuệ đang làm việc! Khi chúng ta học hỏi từ những sai lầm, trí tuệ sẽ bắt đầu có mặt một cách tự nhiên, ngày càng tự nhiên. Theo tháng năm, khi sự thực hành của chúng ta tiến triển, chúng ta sẽ ngày một chánh niệm hơn, và hiểu biết cùng nhận thức mà chúng ta gom góp được sẽ đến một cách tự nhiên và nhanh chóng hơn. Trí tuệ và sự chánh niệm sẽ bắt đầu cùng nhau làm việc theo nhóm.
Sayadaw U Tejaniya
Trích “Thu Nhặt Bụi Vàng”
Người dịch; Pháp Hỷ