Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HỎI ĐÁP:

Thiền sinh: Thưa thầy, thời gian này con thấy mình khó hành thiền quá. Mấy hôm nay con đang bận rộn dọn dẹp đồ đạc để rời đi nên rất hay quên chánh niệm.

Thiền sư: Một trong những lý do chính khiến chúng ta quên chánh niệm và không thể thực hành được trong cuộc sống không phải là vì những việc chúng ta đang làm mà chính là ở cách chúng ta làm những công việc đó như thế nào. Đó là vì chúng ta cứ tham muốn phải làm cho xong công việc đó, bởi vì chúng ta hay vội vàng muốn hoàn thành ngay công việc đang dang dở. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thực sự cần phải quan sát kỹ tâm mình, phải luôn kiểm tra xem mình đang làm việc với trạng thái tâm như thế nào.Làm thế nào để học được cách gìn giữ chánh niệm và tâm định (sự ổn định, vững vàng của tâm) trong cuộc sống hàng ngày?

 

Thiền sinh: Con hy vọng là sẽ tìm được một công việc phù hợp không có quá nhiều sức ép. Nhưng con cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục thực hành hết sức trong cuộc sống hàng ngày.

Thiền sư: Đúng vậy, khi có quá nhiều sức ép, quá nhiều căng thẳng thì sẽ rất khó để thực hành. Hãy cố gắng học hỏi từ những khó khăn ở chính ngay trong công việc. Cái gì làm tâm mình lo lắng bất an? Tại sao bạn mất chánh niệm? Tại sao tâm ham muốn thế? Có cần thiết phải vội vàng như vậy không? Quán chiếu theo cách đó sẽ giúp bạn đối phó với mọi khó khăn một cách khéo léo hơn, và ngăn chặn không cho những trạng thái tâm bất thiện làm chủ mình.

 

Thiền sinh: Vâng, nhưng con phải làm thế nào để giữ chánh niệm được trong một công việc mà luôn đòi hỏi mình phải làm nhanh, làm đúng và làm hiệu quả để hoàn thành đúng thời hạn?

Thiền sư: Hãy làm hết sức mình có thể làm được. Hãy biết tận dụng và quý trọng từng giây phút, từng cơ hội để thực hành chánh niệm. Trong khi làm việc, hãy cố gắng hay biết xem mình đang cảm thấy ra sao, mình đang có những trạng thái tâm như thế nào. Nhưng đừng cố tập trung quá mức, hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng, buông xả. Nếu bạn dồn sức cố gắng quá mức để thực hành chánh niệm thì sẽ không thể làm việc hiệu quả được đâu. Nếu bạn tập trung quá mức cho công việc thì bạn cũng không thể thực hành chánh niệm được. Bạn cần phải tìm ra được mức độ nào là hợp lý cho mình nhất.

 

Thiền sinh: Vâng ạ, con sẽ cố gắng thực hành theo. Xin thầy cho con lời khuyên làm thế nào để thực hành chánh niệm trong lúc nói chuyện. Công việc văn phòng luôn đòi hỏi phải nói chuyện trên điện thoại rất nhiều và con cũng thường xuyên phải trao đổi với đồng nghiệp nữa.

Thiền sư: Điều đó cần phải có quá trình thực hành rất nhiều mới được. Mỗi khi nói chuyện điện thoại hay khi có ai đó đang tiến tới gần bạn để bắt chuyện, hãy cố gắng nhớ kiểm tra lại xem mình đang cảm thấy như thế nào. Bạn nghĩ thế nào về người đó hay cảm nhận như thế nào về họ? Trong suốt cả ngày, dù là bạn có làm việc hay không, cũng phải tập một thói quen thường xuyên kiểm tra lại xem mình đang phản ứng, đang ứng xử với trạng thái tâm như thế nào mỗi khi bạn giao tiếp với người khác. Khi chuông điện thoại kêu bạn cảm thấy như thế nào? (bực bội vì bị ngắt quãng công việc, hay vui mừng chờ mong, hay hồi hộp lo lắng, hay mệt mỏi thờ ơ?). Bạn có nóng lòng muốn chộp ngay lấy điện thoại nghe không? Bạn cần phải tập thói quen nhận biết tất cả những việc như thế.

 

Thiền sinh: Trong công việc của con, con thường xuyên phải tiếp xúc với những khách hàng rất khó tính, hay giận dữ. Xin thầy cho con một vài lời khuyên làm thế nào để ứng xử trong những trường hợp như thế.

Thiền sư: Mỗi khi bạn tiếp xúc với một khách hàng khó tính và hay giận dữ như thế, hãy kiểm tra lại xem tâm mình đang cảm thấy như thế nào. Tham hay sân là vấn đề của họ, vấn đề của mình là phải nhìn xem tâm mình có tham có sân hay không.

 

Thiền sinh: Vâng, nhưng vấn đề là ở chỗ khi đối diện với những con người tham sân quá mạnh như vậy, thì tham sân của họ cũng làm kích hoạt những trạng thái tâm như vậy trong mình lên một cách tự động. Cũng giống như khi con được gặp những người thầy lớn, sự tĩnh lặng và bình an trong tâm các ngài cũng tác động đến tâm con ngay lập tức như vậy.

Thiền sư: Tất nhiên là ở đây đều có quan hệ nhân quả giữa tâm và đối tượng của nó, khi đối tượng tích cực thì tâm cũng thường có phản ứng tích cực, khi đối tượng là tiêu cực thì tâm cũng hay phản ứng lại một cách tiêu cực. Phải có một quá trình thực hành quan sát tâm thì mới hiểu ra được những tiến trình này. Nhờ sự hiểu biết (trí tuệ), thì tâm mới có được một mức độ ổn định nào đó và mới không còn bị tác động mạnh, không còn bị chao đảo bởi những đối tượng hay sự việc tích cực hoặc tiêu cực như vậy nữa. Khi sự hiểu biết và trí tuệ ngày càng chín muồi và trưởng thành, tâm sẽ ngày càng trở nên ít phản ứng hơn, ít bị kích động hơn. Tâm bạn cũng sẽ tự nhận ra rằng mỗi khi nó phản ứng một cách mù quáng như trước, nó bị trói buộc rất nhiều.

Chính vì vậy, tâm sẽ ngày càng trở nên hứng thú hơn với những gì đang diễn ra “bên trong” nó và sẽ dành thêm nhiều công sức hơn để tìm hiểu chính bản thân mình.

Mỗi lúc yêu ghét sanh khởi, tâm không chỉ hay biết điều đó mà còn tự hỏi xem tại sao yêu ghét khởi sanh như vậy. Nó sẽ nhận ra rằng tự thân đề mục không phải là tích cực mà cũng chẳng tiêu cực, chỉ bởi tâm đánh giá phán xét và những quan kiến của mình mới làm cho nó trở thành tích cực hay tiêu cực mà thôi. Mỗi khi tâm quyết định rằng một đối tượng, một sự việc hay một con người nhất định nào đó là không tốt thì ngay lập tức nó sẽ phản ứng một cách tiêu cực, còn khi nó cho là tốt thì nó sẽ phản ứng theo cách tích cực. Khi đã nhìn thấy được những sự đánh giá phán xét của tâm mình, bạn cần phải tiếp tục tìm hiểu thêm xem: sự đánh giá này là dựa trên trí tuệ hay dựa vào tâm si? Nếu là tâm si, tâm sẽ phản ứng với tham hoặc sân; nếu là trí tuệ, tâm sẽ chỉ thấy sự việc như nó đang là và sẽ không phản ứng, không yêu ghét.

Bằng cách quan sát cơn sân của chính mình, chúng ta sẽ thực sự hiểu được nỗi khổ nó mang lại cho mình như thế nào, khi đó chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được tình thương và lòng bi mẫn khởi lên trong tâm khi đối diện với một con người đang sân hận. Chúng ta hiểu được họ đang cảm thấy ra sao trong người, chúng ta dễ dàng thông cảm với họ và vì vậy chúng ta cũng không còn sân hận nữa.

 

Thiền Sư U Tejaniya
Trích “ Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box