Kinh Tứ Niệm Xứ
Muốn hiểu rõ hơn về công hiệu của pháp Thiền nói trên thì cần hiểu rõ Satipatthana Sutta, thường được gọi là kinh Niệm Xứ hoặc Tứ Niệm Xứ. Kinh này được coi là căn bản của Thiền Nguyên thủy, dù là Anapanasati hoặc Vipassana. Kinh khá dài nên không thể trình bầy nơi đây.
Sati có nghĩa là tâm niệm, chú niệm (mindfulness), còn patthana là căn bản, như vậy kinh này chỉ dẫn về căn bản của sự chú niệm. Chú niệm về bốn đề tài nên cũng được gọi là Tứ Niệm Xứ. Cũng nên chú ý là có năm kinh nói về đề tài Tứ Niệm Xứ : Maha Satipatthana Sutta, Satipatthana Sutta, Satipatthana Samyutta, Augutta Nikaya và Sutta Vibhanga (theo Trevor Ling trong cuốn The Buddha's Philosophy of Man). Vì vậy khi đọc các bài trích dẫn có khi chúng ta thấy cách trình bày hơi khác nhau. Câu mở đầu mà đức Phật nói trong kinh là: "Có một con đường duy nhất để thanh lọc bản thân, diệt trừ phiền não, diệt trừ ưu khổ, đạt tới trí huệ và chứng ngộ Niết Bàn: đó là con đường Tứ Niệm Xứ". Bốn pháp quán niệm được chỉ dẫn ở trong kinh này là:
- Quán niệm thân trong thân bằng cách quán niệm: hơi thở, vị thế của thân như đang đi, đứng, nằm, ngồi, hoạt động của thân như nhìn, co tay, duỗi chân, mặc áo, ăn, uống, nhai ..., suy nghĩ về tính cách ô trược của thân như nước mắt, nước mũi, đờm, mồ hôi, nước tiểu, phân, mủ ..., suy nghĩ về những thành phần vật chất cấu tạo thân này như đất, nước, gió và lửa, suy tưởng đến chín loại tử thi tan rã.