CÁC OAI NGHI, TƯ THẾ/ĂN UỐNG/SINH HOẠT HÀNG NGÀY
Đừng quên luôn nhìn lại mình, từ lúc bạn thức dậy cho đến khi lên giường đi ngủ. Bất cứ khi nào bạn phát hiện mình thất niệm, hãy kiểm tra lại trạng thái tâm của mình khi đó;
cố gắng cảm nhận được tâm mình đang như thế nào, có thư giãn, thoải mái hay không? Rồi sau đó quan sát những cảm giác nào rõ nhất ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Tâm thiền phải thật đơn giản, không được phức tạp. Bạn có thể sử dụng bất cứ cảm giác nào làm đề mục chính để đưa tâm về với hiện tại. Đề mục chính giúp bạn duy trì được tâm hay biết, trong khoảnh khắc hiện tại. Đó là chỗ cho bạn quay về mỗi khi bạn phân vân không biết nên quan sát cái gì. Tuy nhiên, không nhất thiết là lúc nào bạn cũng phải giữ tâm trên đề mục đó. Nếu sự chú ý chuyển sang các đề mục khác như cảm giác, tiếng động, và thậm chí cả là sự phóng tâm thì cũng không sao, miễn là bạn luôn ý thức được rằng mình vẫn đang hay biết các đề mục đó là được. Nếu bạn hay biết được nhiều đề mục cùng một lúc thì rất tốt.
Khi ngồi thiền, thân và tâm cần phải thật thỏa mái. Luôn kiểm tra lại xem mình có thư giãn, thoải mái hay không. Nếu bị căng thẳng, trước hết bạn phải thư giãn, thả lỏng ra, sau đó kiểm tra lại thái độ của mình có đúng đắn hay không. Nếu tâm có sự chống đối, hãy cảm nhận sự chống đối đó và quan sát nó. Hãy giữ tâm thật đơn giản và chỉ đơn thuần quan sát những gì đang diễn ra. Quan sát, theo dõi bất cứ đối tượng gì tâm đang hay biết: tư thế-oai nghi, các cảm giác trên thân, hơi thở, các tình cảm và cảm xúc, phóng tâm hay suy nghĩ, âm thanh hay mùi vị. Nếu bạn ngồi thật thỏa mái trên đệm êm gối ấm mà bận rộn suy nghĩ đến một việc rất quan trọng nào đó, đến mức cũng chẳng nhận ra được là mình đang suy nghĩ nữa, lúc đó thì không phải là bạn đang hành thiền! Khi bạn chợt nhận ra điều đó, cũng đừng bận tâm, lo lắng; hãy thư giãn ra và kiểm tra lại thái độ hành thiền của mình, rồi lại bắt đầu lại từ đầu.
Luôn luôn chánh niệm, hay biết mình đang đi, bất cứ khi nào bạn đi và bất cứ chỗ nào bạn đến. Bạn không cần thiết phải đi nhanh hay đi chậm, mà chỉ cần đi hết sức tự nhiên. Bạn có thể theo dõi xem tâm mình đang chú ý vào cái gì, hay chỉ cần cảm nhận tổng quát toàn bộ các cảm giác trên thân khi bước đi như thế nào. Nếu tâm an trụ trên một cảm giác cụ thể nào đó hay trên sự di chuyển của thân, thì cũng được. Nhưng nên nhớ là bạn không nhất thiết phải tập trung liên tục trên một đề mục nhất định, mà thực ra bạn cần tránh làm điều này nếu như nó làm cho bạn bị căng thẳng. Bạn cũng cần nhận biết các tiếng động và cả việc nhìn quanh để xem đang đi đến chỗ nào. Cố gắng đừng nhìn lung tung bởi nó sẽ làm bạn bị xao lãng. Tuy nhiên, khi chánh niệm của bạn đã được liên tục, bạn cần phải học cách chánh niệm mỗi khi nhìn bất cứ cái gì. Khả năng chánh niệm về cái nhìn này sẽ đến trong quá trình thực hành. Khi bạn còn chưa khéo léo, thuần thục, thì nhìn ngó lung tung vẫn có xu hướng làm bạn bị xao lãng và mất chánh niệm.
Khi hành thiền trong tư thế đứng, bạn cũng có thể thực hành theo những nguyên tắc cơ bản như khi ngồi và đi kinh hành. Luôn luôn kiểm tra xem mình có bị căng thẳng hay không!
Đừng vội vàng trong khi ăn uống. Khi ham ăn ham uống bạn sẽ mất chánh niệm. Nếu bạn chánh niệm biết là mình đang ăn nhanh thì hãy dừng lại và nhìn cảm giác tham muốn đó một lúc. Bạn cần phải trầm tĩnh để thấy ra được khi mình ăn uống trông như thế nào. Cảm nhận các cảm giác, mùi vị, các trạng thái tâm của mình khi ăn uống ra sao, cái gì mình thích, cái gì không thích. Và cũng cần phải nhận biết mọi động tác của mình khi ăn uống. Đừng quá quan tâm đến việc quan sát đầy đủ mọi chi tiết, chỉ cần luôn hay biết những điều mình cảm nhận và kinh nghiệm được là đủ.
Khoảng thời gian riêng tư và những sinh hoạt cá nhân cũng là lúc rất quan trọng để chánh niệm. Khi ở một mình là lúc chúng ta thường dễ mất chánh niệm nhất. Bạn có chánh niệm khi đóng cửa, khi đánh răng, mặc quần áo, tắm rửa và đi vệ sinh không? Khi làm những công việc này bạn cảm thấy ra sao? Bạn có nhận ra được những cái thích và không thích của mình không? Khi nhìn một cái gì đó bạn có chánh niệm không? Bạn có chánh niệm khi nghe không? Bạn có chánh niệm khi đánh giá, phê phán về những thứ mình nghe, nhìn, nếm, ngửi, xúc chạm, suy nghĩ hay cảm nhận không? Khi nói chuyện bạn có chánh niệm không? Bạn có hay biết được âm điệu và âm lượng của giọng nói mình hay không?
Điều quan trọng là bạn phải thường xuyên kiểm tra lại xem mình đang thư giãn, thoải mái hay đang bị căng thẳng; nếu không tự kiểm tra như vậy, bạn sẽ không ý thức được mình đang bị căng thẳng đâu. Khi bạn thấy mình bị căng thẳng thì hãy quan sát chính sự căng thẳng đó. Bạn không thể hành thiền được khi tâm bị căng thẳng. Điều đó cho thấy bạn đã không thực hành đúng cách. Hãy xem xét cách thức tâm mình đang hoạt động ra sao. Nếu bạn làm điều này một cách thường xuyên trong ngày thì sẽ có thể ngăn chặn đuợc không để cho căng thẳng tích tụ lại. Nhờ thực hành, bạn cũng sẽ hiểu được nguyên nhân gây ra sự căng thẳng đó. Đừng quên quan sát nó! Nếu bạn dễ bị căng thẳng thì hãy thực hành thiền trong tư thế nằm mỗi ngày một lần. Điều này cũng giúp bạn thực hành chánh niệm được trong bất cứ tư thế nào.