Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hậu quả của các hình thức giải trí hiện đại

Có bao nhiêu thủ đoạn vô luân trong cái gọi là giải trí hiện đại? Khi bạn đi vào một nơi trình diễn những loại hình giải trí như vậy, bạn có thể tự nhận thấy những người tổ chức các loại hình giải trí đó đã tìm cách tác động đến tâm của bạn như thế nào. Mục đích chính của họ, dĩ nhiên, là để kiếm được tiền một cách dễ dàng.
Họ chẳng màng bận tâm đến những hậu quả tai hại mà những màn trình diễn ấy đem lại cho nhân phẩm, tôn giáo và văn hóa. Đó là lý do tại sao một số người nói rằng thật khó để thực hành Phật pháp giữa xã hội hiện đại của chúng ta vì lẽ Phật Giáo không đồng tình và cũng không khuyến khích bất kỳ loại giải trí nào.

Như đã vạch ra trước đó, điều này hoàn toàn không đúng. Phật Giáo khuyến khích văn hóa và nghệ thuật, nhưng nó không khuyến khích bất cứ hoạt động nào làm mất phẩm giá của con người. Trong quá khứ xa xôi, khi chúng ta sống như những người tiền sử, chúng ta có rất ít vấn đề. Những vấn đề đó chỉ liên quan đến việc kiếm thực phẩm, nơi ẩn trú và sự sống còn của cộng đồng. Ngay cả đến quần áo chủ yếu chỉ là để che thân, không phải là tô điểm cho cơ thể. Ngày nay chúng ta có khuynh hướng xem những người nguyên thủy như là những kẻ không may mắn hoặc không văn minh khi chúng ta so sánh tiêu chuẩn sống của họ với chúng ta. Nhưng trong xã hội hiện đại, có bao nhiêu triệu triệu vấn đề? Hầu hết tất cả những vấn đề này đúng ra là do chính chúng ta tạo nên. Vì chúng do chính chúng ta tạo nên nên chúng ta không có được sự yên ổn, không ngủ được, ăn không ngon và chúng ta gặp khó khăn trong việc quản lý cuộc sống của chúng ta trong bối cảnh rối loạn toàn cầu xảy ra ở mọi nơi. Ðó là bản chất của xã hội hiện đại, nhưng trong thời cổ xưa, con người có một cuộc sống thanh bình. Họ được nghỉ ngơi và có đủ thời gian để ăn uống. Không có sự cạnh tranh khốc liệt.

Người ta có thể lập luận rằng nếu nói người nguyên thủy có hạnh phúc trong khi chúng ta thì không hạnh phúc thì đơn giản quá. Nhưng vấn đề mà chúng ta đang nêu ra là cái văn minh hiện đại không nhất thiết phải phức tạp, tạo ra những vấn đề không cần thiết chút nào nếu chúng ta có thể học để làm giảm thiểu những ham muốn của chúng ta và sống như tổ tiên của chúng ta với một số ít nhu cầu căn bản. Nhiều vĩ nhân như (Thánh) Gandhi và Albert Schweitzer đã chứng minh rằng ngay cả trong thời hiện đại, những người hạnh phúc nhất là những người có ít nhu cầu nhất.

Theo Ðức Phật, sự giàu có nhất của một người là sự mãn nguyện. Mặc dù người nguyên thủy phải đi ra ngoài săn thú để có thực phẩm, người ấy, tuy vậy, rất mãn nguyện và thoả mãn với cách sống của mình, mặc dù có thể là sơ khai. Ngày nay chúng ta xây những tòa nhà cao lớn để sống một cách tiện nghi nhưng bên trong không có an ninh. Có bao nhiêu cổng và cửa sắt tất cả đều được bảo vệ an toàn và được cài đặt hệ thống báo động chống trộm điện tử? Tại sao chúng ta phải cần có những món đồ điện tử thêm này? Có phải đây là sự phát triển hiện đại không?

 

 

Những người ở trong những tòa nhà cao sừng sững đó sống trong sự sợ hãi triền miên vì không có an ninh. Trong quá khứ, con người, tuy vậy, lại có thể ngủ yên dưới một gốc cây, trong các hang động hoặc bất cứ ở đâu mà không phải chịu sự sợ hãi và lo lắng như vậy. Chắc chắn họ cũng có các vấn đề- mọi sự tồn sinh của con người đều có những vấn đề của nó, nhưng con người hiện đại đã làm tăng và làm phức tạp hóa các vấn đề ấy lên gấp cả ngàn lần, tất cả đều không cần thiết và do chính con người tự tạo ra.

Đức Phật dạy theo kinh nghiệm của chính Ngài

Ðức Phật đã giới thiệu một con đường chân chính của cuộc đời cho chúng ta để đi theo, sau khi Ngài đã tự thân chứng nghiệm những điểm yếu, điểm mạnh về mặt tâm linh của con người. Trong giai đoạn đầu của cuộc đời, lúc còn là một thanh niên trai trẻ, Ngài đã trải nghiệm những thú vui trần tục giống như bao người khác. Ngài là một hoàng tử, một người chồng, một người cha và là con của vị vua trị vì vương quốc. Ngài có một người vợ đẹp và con ngoan. Ngài thương vợ con nhưng Ngài có lòng từ bi hơn đối với nhân loại đang khổ đau. Lòng từ bi của Ngài không chỉ giới hạn trong gia đình mình mà còn mở rộng đến từng mỗi chúng sanh. Ngài đủ can đảm tự giải thoát mình khỏi những luyến ái đối với gia đình để tìm ra giải pháp cho sự khổ đau của con người.
Ngài đã từ bỏ cuộc sống thế tục và đạt được sự giác ngộ. Sau khi đạt được trí tuệ tối thượng, Ngài trở về nhà và giảng dạy cho tất cả mọi người những gì mà Ngài đã chứng nghiệm được. Ngài nói với họ rằng nếu họ cũng muốn được chia sẻ niềm tin, sự giải thoát và sự cứu rỗi ấy cùng Ngài, Ngài sẽ dạy cho các họ phương pháp. Ngài cũng khuyên mọi người không nên tin tưởng vào những gì Ngài đã dạy chỉ vì Ngài là một con người vĩ đại. Ngài nói thêm rằng, nếu chỉ lễ bái và cầu nguyện Ngài không thôi thì không thể đạt được sự cứu rỗi.
Làm thế nào để thực hành theo lời dạy của Đức Phật
Ðức Phật khuyên con người thực hành theo lời dạy của Ngài và thực hành chúng một cách tinh tấn để đạt được sự giác ngộ. Trên thực tế, chúng ta không thể tự gọi chúng ta là những đệ tử của Ðức Phật nếu chúng ta thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài một cách mù quáng bằng cách xem Ngài như một vị thầy đầy quyền uy. Cái mà Ðức Phật kỳ vọng nơi chúng ta là sống đúng với Pháp. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thực sự nói với mọi người rằng chúng ta thực hành theo lời dạy của Ðức Phật. Ðức Phật có lần nói: "Có thể có nhiều đệ tử sống với Ta, đi theo Ta bằng cách nắm tay Ta hoặc níu lấy chéo y của Ta và nghĩ rằng làm như thế là gần gũi Ta. Trái lại, có thể có nhiều đệ tử khác sống rất xa Ta hoặc chưa bao giờ thấy Ta, nhưng tâm của họ thanh tịnh. Mặc dù họ ở cách xa Ta, nhưng những người này thực sự vẫn rất gần với Ta. Những người gần Ta nhưng đầu óc bị ô nhiễm, thực ra chẳng gần Ta chút nào cả". Đây là thái độ của Ðức Phật.

Có một nhà sư luôn luôn say mê chiêm ngưỡng vẻ thanh tịnh của Ðức Phật. Một hôm, Ðức Phật hỏi nhà sư này rằng ông nhìn cái gì vậy?Nhà sư trả lời là ông cảm thấy hạnh phúc vô vàn mỗi khi ngắm nhìn làn da và nét mặt của Ngài. Ðức Phật liền hỏi: "Ông hy vọng đạt được gì khi ngắm nhìn cái xác thân uế trược này? Như Lai không ở trong cái xác thân vật chất đó. Chỉ những ai hiểu được Pháp do Ta giảng dạy mới thấy nhìn thấy Như Lai. Như Lai chỉ có thể được nhìn thấy qua Pháp!"

Nhiều người ngồi trước hình ảnh của Ðức Phật và cầu nguyện, nghĩ rằng dù sao Ðức Phật cũng "sống" trong bức tượng. Nhưng hình ảnh Đức Phật mà các bạn thường nhìn thấy chỉ là biểu hiện bên ngoài của nghệ thuật nhằm thể hiện phẩm chất tuyệt vời của một con người thánh thiện. Những người mộ đạo đã làm một biểu tượng hữu hình để thờ phượng nhằm bày tỏ lòng tịnh tín cuả mình với vị Thầy vĩ đại của mình. Việc này dẫn đến sự phát triển của một thứ nghệ thuật, loại nghệ thuật đẻ non ra khái niệm về Đức Phật và những lời dạy của Ngài về định luật Vũ trụ, nhằm tạo ra một hình ảnh Đức Phật ngồi trầm tư với dáng vóc hình hài cụ thể từ một cảnh giới trừu tượng. Nhìn vào hình ảnh Ðức Phật như vậy, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng rằng Ðức Phật chắc trông cũng giống như vậy.

 

 

Ðức Phật là hiện thân của trí tuệ, sự toàn hảo, sự thánh thiện, lòng từ bi và sự thanh tịnh. Hình ảnh của Ðức Phật chủ yếu chỉ là một biểu tượng, một thứ gì đó lấp đầy một nơi với sự thanh tịnh, giống như sự hiện diện của một người thánh thiện soi sáng một ngôi nhà về mặt tâm linh. Không nghi ngờ gì sự có mặt của hình ảnh thanh tịnh của Ðức Phật làm cho tâm của chúng ta thanh tịnh. Nhưng Ðức Phật mà bạn "nhìn" thấy qua sự hiểu biết về Pháp mới thật đúng là hình ảnh thực sự của Ðức Phật.

Khi bạn nghĩ đến Đức Phật giảng dạy như thế nào, giảng dạy những gì, nơi Ngài tỏa ra sự khoan dung, nhẹ nhàng, phẩm cách, lòng từ bi và sự ân cần như thế nào đối với mọi chúng sanh; và bạn cũng nghĩ đến bản chất của sự giác ngộ hay trí tuệ tối thượng của Ngài, chỉ lúc đó, rồi bạn mới có thể thấy Ðức Phật là hiện thân của tất cả các đức tính tuyệt vời và trí tuệ như vậy. Vì vậy không có kiến thức và sự thực hành Pháp, bạn không thể thực sự “thấy” Ðức Phật.

Phát triển dần lối sống theo Phật giáo
(Truyền thống, văn hóa, đạo đức, trí tuệ và tâm linh)

Có năm phương pháp để thực hành Phật Pháp. Những phương pháp đã được giới thiệu và thực hành bởi người dân tại nhiều đất nước khác nhau trên thế giới tùy vào cách sống, nhu cầu và giáo dục của riêng họ. Chúng có thể được phân loại thành năm nhóm như đã nói trên.

1. Truyền thống
Khía cạnh truyền thống trong tôn giáo được tổ tiên của chúng ta giới thiệu theo niềm tin của họ. Do vì sự thiếu hiểu biết, nhiều trong số niềm tin này dựa trên sợ hãi, tưởng tượng và hoài nghi; và quả thực, những niềm tin này được thực hành nhằm mục đích tự bảo vệ họ cũng như cầu để có được của cải sung túc. Tuy nhiên, chúng ta không nên gạt bỏ tất cả những truyền thống và phong tục vì một lý do đơn giản là chúng được xây dựng dựa trên sự mê tín dị đoan. Một số truyền thống và phong tục thực sự có ý nghĩa. Chúng phát triển để giúp các thành viên trong cộng đồng xua tan sợ hãi và bất an, đồng thời thực hiện các hoạt động một cách có tổ chức để duy trì chủ nghĩa nhân văn.
Từ thời xa xưa, một số các tập tục này đã được kết hợp với việc thực hành tôn giáo. Những ai không quen với những lời dạy thực sự của Ðức Phật có thể có một ấn tượng sai lầm là những tập tục theo truyền thống chính là cách sống theo Phật giáo. Truyền thống và tập quán thì dị biệt giữa các quốc gia, giữa những nhóm dân tộc thiểu số khác nhau từ thời điểm này sang thời điểm khác. Vì vậy, chúng ta không nên nghĩ rằng truyền thống riêng của chúng ta thì siêu việt hơn của người khác.

Chúng ta phải hiểu rằng Phật giáo không phải là một khái niệm bất biến hay một khái niệm tôn giáo được làm sẵn với các giáo điều, được truyền xuống bởi các người có thẩm quyền trong tôn giáo. Phật giáo là một cách sống được phát triển theo hoàn cảnh chung tại từng giai đoạn khác nhau. Nhưng Pháp hay Chân lý dạy bởi Ðức Phật chẳng bao giờ thay đổi. Chúng ta cũng phải học để phân biệt giữa Chân lý Tuyệt đối dạy bởi Ðức Phật và Chân lý Tương đối thay đổi theo hoàn cảnh.

Thái độ của Ðức Phật đối với truyền thống và tập quán là chúng ta không bao giờ nên chấp nhận hay loại bỏ chúng ngay mà không suy xét một cách thận trọng. Lời khuyên của Ngài là không nên theo các truyền thống và tập quán nếu thấy chúng vô ích, có hại cho chúng sanh cho dù chúng là những truyền thống, tập quán cổ truyền. Mặt khác, nếu chúng thực sự có ý nghĩa ý nghĩa và lợi lạc cho tất cả, bằng mọi cách chúng ta nên theo chúng. Một số trong những truyền thống đó rất cần thiết để truyền cảm hứng và lòng tịnh tín cho những ai thực hiện những nghi lễ tôn giáo, đặc biệt là trong một cộng đồng. Không có một số nghi lễ theo truyền thống nào đó, tôn giáo tự nó sẽ bị cô lập và lòng tịnh tín cá nhân sẽ bị yếu đi. Một số người thậm chí còn duy trì các hoạt động tôn giáo theo truyền thống và bảo tồn chúng như là "di sản" của họ để tìm cảm hứng cho tôn giáo của họ.
2. Văn hóa
Văn hóa và tôn giáo đan xen chặt chẽ với nhau trong mọi xã hội. Văn hóa là một phần thiết yếu của đời sống con người. Nhân phẩm, kỹ năng, trí thông minh và vẻ đẹp thẩm mỹ có thể nhìn thấy qua các các hoạt động văn hóa. Văn hóa là sự biểu hiện đẹp và tinh tế của các truyền thống. Nó được sửa đổi cho phù hợp hoặc với mục đích gây ảnh hưởng hoặc thúc đẩy nghệ thuật như một phương tiện để giải trí. Các hoạt động văn hóa truyền cảm hứng cho tâm trí của con người. Các hoạt động văn hóa làm dịu, thỏa mãn niềm đam mê của con người hoặc làm cho niềm đam mê trở nên cao thượng hơn. Vinh quang của Á Châu tùy thuộc rất nhiều vào nền văn hóa của nó và trong phương diện đó, văn hóa Phật giáo đóng một vai trò nổi bật. Văn hóa cũng có thể giúp bảo vệ và phát triển tôn giáo.
Khi chúng ta giới thiệu tôn giáo qua các hoạt động văn hóa của chúng ta, những hoạt động tôn giáo càng ngày sẽ hấp dẫn hơn và chúng ta có thể tác động đến người khác để họ theo tôn giáo của chúng ta vì họ thấy nó sống động. Chúng ta có thể nói rằng những hoạt động văn hóa mang tính tôn giáo về mặt bản chất chính là bàn đạp để giúp chúng ta hiểu đời sống đạo giáo. Những người lúc đầu có đầu óc phi tôn giáo, cuối cùng quen với việc tham dự và đánh giá cao các hoạt động tôn giáo. Bằng cách tham dự các hoạt động như vậy, người ta sẽ dần dần có cơ hội để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết đúng đắn của họ về tôn giáo. Nếu không, họ sẽ có khuynh hướng tránh xa hẳn mọi tôn giáo. Nếu dân chúng được giáo dục tốt, đã được nâng cao trình độ hiểu biết và và có tư cách cao thượng thì việc họ tham gia các hoạt động truyền thống hay văn hóa mang tính tôn giáo không còn là một việc quan trọng

 

 

Tôn giáo có thể đóng góp rất nhiều cho việc làm giàu nền văn hóa. Sự thật khi nói rằng tại các nước châu Á nói chung, việc thực hành tôn giáo có sự liên kết rõ ràng với các hoạt động văn hóa. Những điệu múa, các bài hát, nghệ thuật và các vở kịch phần lớn đều lấy cảm hứng của những đề tài tôn giáo. Không văn hóa, các hoạt động tôn giáo có thể trở nên rất khô khan và kém thú vị. Ðồng thời, khi chúng ta thực hành Phật giáo mà không làm phiền các truyền thống hoặc những tín đồ của các tôn giáo khác, hình thức chung sống trong sự khoan dung và hòa bình cùng với cách cư xử đáng kính và thái độ lịch sự của chúng ta cũng có thể được coi như một khía cạnh văn hóa.

3. Lòng tịnh tín
Khía cạnh tịnh tín rất quan trọng trong một tôn giáo. Bất cứ điều gì chúng ta tin vào hay thực hành mà không có lòng tịnh tín, niềm tin đó chỉ được coi như là một loại lý thuyết suông. Vì lòng tịnh tín liên quan đến sự xúc cảm của con người nên chúng ta phải có kiến thức đúng đắn về tôn giáo là việc cần thiết phải có. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào niềm tin không thôi thì có thể trở thành mê tín. Các hoạt động xuất phát từ lòng tịnh tín trong một tôn giáo làm dịu tâm trí và tạo nguồn cảm hứng cho con người một cách tự nhiên. Khi tâm được truyền cảm hứng như vậy, sợ hãi, căng thẳng, sân hận và những rối loạn tinh thần khác sẽ dịu xuống, hoặc thậm chí bị diệt trừ. Và lòng tịnh tín như vậy có thể được cũng cố thêm để nâng cao hơn nữa niềm tin của chúng ta; giúp chúng ta sống đời sống đạo với niềm tin. Các hoạt động xuất phát từ lòng tịnh tín được xếp vào nhóm Giới (Sila) mà chúng ta đã đề cấp đến trước đây. Việc giữ Giới nghiêm túc mở đường cho việc thanh tịnh hóa tâm, và trí tuệ là giai đoạn cao hơn trong việc phát triển tâm linh. Chỉ niềm tin và lòng tịnh tín không thôi mà không có sự hiểu biết có thể đưa một người đến sự cuồng tín trong tôn giáo.
Tôn kính Ðức Phật, dâng hoa, v.v… tụng kinh, thuật lại những câu chuyện đạo, nghi lễ, biểu diễn nghệ thuật liên quan đến tôn giáo, hát những bài đạo ca, và thực hành những việc tương tự sẽ truyền cảm hứng và làm dịu tâm. Những người có lòng tịnh tín có thể phát triển niềm tin của mình qua việc thực hành như vậy. Lòng tịnh tín sâu sắc sẽ làm mạnh thêm đức tính nhẫn nại hầu giúp cho chúng ta có khả năng chịu đựng được bất cứ hình thức đau khổ nào. Lòng tịnh tín giúp cho tâm thêm dũng mãnh để đương đầu với những khó khăn.
4. Trí tuệ
Trí tuệ lại là một phương pháp khác để hiểu và thực hành tôn giáo. Ðã trải qua các phương pháp thực hành về truyền thống, văn hóa và lòng tịnh tín, nhiều người "tốt nghiệp" về mặt trí tuệ. Điều này có nghĩa là qua sự tập trung nghiên cứu và thực hành siêng năng, họ có thể đạt nhiều kiến thức hơn và hiểu biết hơn để làm sáng tỏ những hoài nghi của họ về tầm quan trọng của niềm tin cũng như việc thực hành theo tôn giáo, về ý nghĩa chính xác và mục đích của đời sống, bản chất của những điều kiện và sự bất toại nguyện của thế gian, cũng như những hiện tượng và bản chất vô thường của vũ trụ.

Qua nghiên cứu, quan sát và sự định tâm, họ có thể đạt được một cái thấy biết rõ ràng về thực tại, một sự hiểu biết về hiện tượng phổ quát và lòng tin nơi tôn giáo. Lòng tin mà họ đạt được qua hiểu biết sẽ không bao giờ bị lay chuyển. Nhưng có nhiều người chẳng màng bận tâm đến việc thực hành nhằm đạt được một sự hiểu biết rõ ràng về những lời dạy của Ðức Phật. Trước nhất chúng ta phải học đã. Sau khi học xong, chúng ta phải thực hành những gì chúng ta đã học, và cuối cùng, chỉ sau khi thực hành chúng ta mới chứng nghiệm được những kết quả lợi lạc. Bất cứ ai cũng có thể thực hành phương pháp đó mà không cần phải tùy thuộc vào các lý thuyết, triết lý và niềm tin truyền thống. Chúng ta cũng không được lệ thuộc vào sự sùng bái cá nhân - nói một cách khác là dựa vào người khác để được cứu rỗi. Một số người chấp nhận thực hành đã đạt được sự hiểu biết tốt đẹp về Pháp.

Quả thực, nếu họ không thực hành theo những nguyên tắc đạo lý để trau dồi đạo đức của họ, họ cũng chỉ như là cái muỗng, múc canh hoài nhưng không biết mùi vị của canh. Kiến thức trong sách không thôi không đóng góp gì cho việc cải thiện đời sống của họ. Tâm không thanh tịnh, chỉ kiến thức không thôi thì cuối cùng có thể trở thành hoài nghi.

5. Tâm linh
Phương pháp cuối cùng liên quan đến khía cạnh tâm linh và đó là để đạt được sự thanh tịnh, trí tuệ, và hạnh phúc vĩnh viễn. Tóm lại, bất cứ kiến thức đạo lý nào chúng ta đạt được, bất cứ cái gì chúng ta thực hành dưới danh nghĩa của một tôn giáo nào, chúng ta không bao giờ có thể đạt được đến mức toàn hảo hay giải thoát mà không có sự thanh tịnh tâm. Đúng là không có sự loại trừ các ô nhiễm trong tâm thì cho dẫu chúng ta làm nhiều việc tốt, việc làm đó tự thân nó vẫn chưa đủ.

 

 

Chúng ta cũng phải cố gắng là người có đạo đức tốt, nếu không, vị kỷ, tham lam, ganh ghét, sân hận và ích kỷ làm xáo trộn tâm trí của chúng ta. Vì tâm trí không được huấn luyện là một công cụ rất tinh tế và luôn luôn ở trong trạng thái dễ bị tấn công, bất kỳ một sự cám dỗ hoặc sự khó chịu nào cũng dễ dàng tác động đến tâm, xui nó thực hiện các việc ác. Việc phát triển tâm linh chỉ có thể đạt được qua việc huấn luyện tâm một cách đúng đắn. Đó là lý do tại sao hành thiền là phương pháp duy nhất đã được chứng minh dùng để thanh lọc tâm.
Mục đích chính việc thực hành Phật pháp là:
- để đạt được sự an bình và hạnh phúc ngay trong cuộc sống này.
- để có một cuộc sống mãn nguyện và có phước báu trong kiếp sau và mãi mãi.
- để đạt được mục đích cuối cùng của cuộc sống: Hạnh phúc vĩnh cửu hay hạnh phúc tối thượng.
Một số phương pháp đã được nêu ra nơi đây để nói cho bạn biết làm thế nào để thực hành Phật pháp. Vì vậy, nếu bạn thực sự tmuốn thấy kết quả tốt đẹp và muốn biết Ðức Phật dạy những gì, hãy cố gắng nghiên cứu và thực hành theo những lời dạy căn bản dạy của Ðức Phật mà không cần lệ thuộc vào các lý thuyết hay tông phái khác nhau của Phật giáo.
Theo: How to practise the Buddha's teachings
Chuyền ngữ sang tiếng Việt: Panna Dipa Tuệ Đăng

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box