Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Ajahn Jagaro

Chúng ta hành thiền để nuôi dưỡng sự an bình, an bình trong tâm của chúng ta, an bình trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể thấy rằng thật không dễ dàng gì để giữ cho chúng ta luôn

được bình yên, ngay cả trong những điều kiện bình dị nhất.

Chắc chắn sẽ có những xung đột - thường là những xung đột bên trong- phá vỡ sự an bình của tâm. Những sự xung đột này rất đa dạng. Tuy nhiên ác ý, ác cảm, giận dữ, oán thù là những xung đột phá hủy sự an bình của tâm nhanh nhất, không chỉ trong lúc hành thiền, mà còn trong quá trình sinh sống hàng ngày. Bất cứ khi nào giận dữ, ác ý, hoặc khó chịu sinh khởi, chúng phá hủy sự an bình nội tại, phá vỡ trạng thái tinh thần lành mạnh của chúng ta ngay lập tức. Có rất nhiều thứ, nhiều người, nhiều tình huống có thể gây ra loại phản ứng tiêu cực này trong tâm, nhưng chúng ta phải hiểu thật rõ rằng vấn đề là ở bên trong chúng ta chứ không phải ở “ngoài kia.”

Hầu như lúc nào chúng ta cũng tìm cách bào chữa lý do tại sao chúng ta đang tức giận, hoặc đang bị quấy rầy, nhưng điều đó không giúp chúng ta tìm thấy sự yên tĩnh và an bình trong cuộc sống. Thật ra, chúng ta càng bào chữa cho sự giận dữ của chúng ta nhiều chừng nào, chúng ta lại càng dễ bị vướng sâu vào sự sân hận, và giận dữ sẽ dần dần trở thành một thói quen và do vậy nó càng thường xuyên đến với chúng ta hơn.

 

 

Trong nhiều dịp, Đức Phật đã dạy về sự nguy hiểm của việc vướng vào những suy nghĩ mang tính ác ý, giận dữ và ác cảm. Ngài khuyến khích các môn đệ của mình rèn luyện bằng nhiều cách khác nhau để làm giảm sức mạnh của những cảm xúc tiêu cực này, để chinh phục kẻ thù này, để giải thoát mình khỏi cái vòng kềm tỏa của cái được mệnh danh là sân hận này. Quán chiếu về những khuyết điểm của sự sân hận, thấy nó chính là một nhược điểm, thấy nó là một kẻ gây rối trong cuộc sống của chúng ta là một điều rất quan trọng. Bước đầu tiên là thường xuyên quán chiếu để thấy kết quả của sự sân hận đem lại sẽ là những gì, ảnh hưởng của cái được gọi là ác ý, giận dữ đối với cuộc sống của chúng ta về mặt thể chất, tinh thần và xã hội là ra sao.

Đức Phật đã chỉ ra một số khuyết điểm do từ sự sân hận mà ra. Ngài đã so sánh ác ý, giận dữ và oán ghét như là một kẻ thù. Kẻ thù thường chỉ muốn những điều có hại sẽ xảy ra với đối với người mình ghét và sẽ vui mừng khi những điều có hại đó xảy ra, và sân hận cũng muốn chúng ta y hệt như vậy. Kẻ thù sẽ không muốn bạn đẹp hay hấp dẫn, chúng muốn bạn trông xấu xí và khốn khổ. Đức Phật nói rằng sân hận cũng làm cho bạn trông xấu xí và khốn khổ. Nếu chúng ta ở trong trạng thái giận dữ, và chúng ta ở trong trạng thái này thường xuyên, diện mạo của chúng ta sẽ không còn khả ái. Giận dữ, oán thù, ác ý và ác cảm làm cho ngoại hình của chúng ta trở nên khó ưa, chúng làm giảm sự hấp dẫn, lôi cuốn của chúng ta. Khi bạn tức giận, khi bạn đầy hận thù và tức giận, mặt mũi của bạn không còn dễ thương, hấp dẫn, vui vẻ hoặc không thể nào gọi là đẹp được. Vì sao? Vì hình tướng thể hiện trạng thái của tinh thần. Khi tâm bị kích động, bị xáo trộn hoặc ở trong trạng thái tiêu cực, hình tướng sẽ bị méo mó. Đây là khiếm khuyết đầu tiên, khuyết điểm đầu tiên của việc vướng vào một trong bất kỳ trạng thái sân hận nào của tâm – hình tướng sẽ không còn đẹp đẽ.

Bất lợi thứ hai là, giống như một kẻ thù thường không muốn bạn được được hạnh phúc, cũng như không muốn để cho bạn được nghỉ ngơi trong sự thanh thản, yên bình và thoải mái, mà muốn bạn phải đau khổ, khó chịu và đau đớn, sân hận cũng muốn bạn như vậy. Khi bạn tức giận, khi bạn khó chịu, bực bội, bạn không thể nghỉ ngơi, bạn không thể ngủ, bạn không thể ăn. Bạn bị thiếu ngủ, suy dinh dưỡng, bạn bị viêm loét và gặp đủ vấn đề về sức khỏe thể chất do kết quả của sự sân hận.
Bất lợi thứ ba, Đức Phật nói, giống như kẻ thù thường không muốn bạn được thịnh vượng và thành công, tức giận làm cho bạn khó được thịnh vượng và thành công. Nếu bạn đang giận dữ, nếu tâm đang cáu giận, bạn sẽ không có sự phán đoán tốt. Khi chúng ta đang bị tức giận, ác ý, và ác cảm chi phối, chúng ta sẽ làm nhiều việc sai lầm trong đời của chúng ta: Kinh doanh, công việc, học tập. Như là một kết quả của sự sân hận, chúng ta mắc sai lầm. Nếu chúng ta thường xuyên chìm đắm trong sự sân hận, thể hiện thường xuyên sự sân hận, có khuynh hướng sân hận, chúng ta sẽ có danh tiếng, nhưng không phải là tiếng tốt. Chúng ta sẽ không được tiếng như là một người có trách nhiệm, một người bình tĩnh, điềm đạm, một người được mọi người tôn trọng. Mà chúng ta sẽ được biết đến như một kẻ không thể kiểm soát cảm xúc của mình, nóng tính. Chỉ có kẻ thù là không muốn chúng ta có bạn bè và bạn đồng hành, nếu chúng ta trút nỗi giận dữ của chúng ta, ôm ấp sự giận dữ và hận thù, chúng ta sẽ không có nhiều bạn bè và bạn đồng hành. Thật không dễ khi phải sống với một người nào đó luôn luôn tức giận, khó chịu hoặc dễ cáu giận.

 

 

Nếu chúng ta luôn để cho sự giận dữ xảy ra và làm cho nó thành một thói quen, một thói quen thực sự mạnh mẽ, hậu quả của nó sẽ đi xa hơn cuộc sống hiện tại này, vì nó sẽ là một cái nhân và duyên cho một sự tái sinh bất hạnh. Do một trạng thái tiêu cực của tâm mà chúng ta hành động bất thiện về thân và khẩu, đó là bất thiện nghiệp, nếu nó trở thành thói quen, nó sẽ dẫn đến một sự tái sinh bất hạnh trong một kiếp sống của tương lai.

Vì vậy, Đức Phật đã chỉ ra những điểm bất lợi của của ác ý, giận dữ và lòng thù hận. Chúng ta phải đối phó với sân hận như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để làm giảm sức mạnh của nó, để tránh những cạm bẫy, để tránh những hậu quả, và để tránh sự đau khổ này? Đức Phật đã đưa ra các nhiều minh họa, nhiều phương tiện thiện xảo mà chúng ta có thể dùng nó để đối phó với sự sân hận. Trong một bài Pháp đặc biệt, Ðức Phật đưa ra năm cách. Ngài nói rằng hãy thử những cách này, phát triển năm cách này, chọn một trong những cách này để vô hiệu hóa sự giận dữ và ác ý, để cố gắng làm giảm sức mạnh của sự giận dữ và ác ý.

Cách đầu tiên, cách này hoàn toàn trái ngược với sự giận dữ và ác ý, đó là sử dụng tâm từ. Để trau dồi thiện ý, để xây dựng lòng từ ái , metta (tâm từ) là một phương thuốc hiệu quả tuyệt vời có thể làm mất tác dụng của sân hận. Đây là một loại thiền làm yếu đi khuynh hướng suy nghĩ, hành động với sự ác tâm của chúng ta, cũng như làm yếu đi khuynh hướng nhận thức tiêu cực của chúng ta. Tâm từ nuôi dưỡng một nhận thức tích cực hơn. Nếu chúng ta có nguyện vọng hoặc mong muốn sống một cuộc sống với thiện tâm, sống một cuộc sống đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình cũng như cho những người chung quanh, ta có thể thực hành thiền tâm từ. Ác ý và sân hận sẽ không thể sinh khởi, không thể đến để làm phiền nhiễu và quấy rầy - ngay cả trong những tình huống khó khăn- một cái tâm đã tu dưỡng tốt để có thể nhận thức được những lợi lạc do lòng từ ái đem lại. Để vô hiệu hóa sức mạnh của ác ý và sân hận và để phát triển thiện tâm, chúng ta được khuyến khích không để cho tâm mình chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của một cá nhân, một vấn đề, chỉ nhìn vào những gì là sai trái, lỗi lầm không thôi, mà chúng ta phải nỗ lực một cách cố ý, một cách có ý thức để nhìn thấy cả mặt tốt của cá nhân, của vấn đề đó nữa. Thiền tâm từ là một phương pháp tốt để thực tập. Rất quan trọng để thực tập nó thường xuyên, vì nó giúp đưa các nhận thức tích cực vào tâm và duy trì chúng trong tâm.

Cách thứ hai là phát triển của tâm bi . Tâm bi là sự nhận ra sự đau khổ và muốn làm giảm nhẹ sự đau khổ trong chính mình và trong những người khác. Khi chúng ta đối mặt với đau khổ, hầu hết chúng ta sẽ phản ứng lại và muốn làm cho nó nguôi ngoai. Khi bạn có ác ý, ác cảm đối với người khác, bạn thường không nhận ra rằng người đó đang đau khổ. Đau khổ có nhiều dạng. Khi một người nào đó là tỏ ra khó chịu, hung hăng thay vì chỉ phản ứng với họ, đã bao giờ bạn dừng lại để hỏi lý do tại sao họ là đang khó chịu, hung hăng như vậy? Hoặc tại sao họ lại đang xử sự không biết phải trái như vậy ? Một người đang hạnh phúc, một người vui vẻ sẽ không hành xử như vậy. Khi một người đang hành động một cách đáng ghét, nếu chúng ta chánh niệm, chúng ta có thể nhớ ra và nói: "Vâng, có lẽ họ đang trong thời gian khó khăn. Có lẽ họ đang thực sự gặp một vấn đề gì đó ." Một khi bạn thấy rằng họ đang đau khổ, bạn sẽ khởi lòng bi mẫn và bạn không còn muốn để ác ý và sân hận dẫn dắt phản ứng của mình. Bạn sẽ có lòng tha thứ nhiều hơn. Hãy nhớ chú ý đến sự đau khổ, khi bạn nhận ra được sự đau khổ bạn sẽ muốn làm giảm nó và bạn sẽ không phản ứng theo một cách nào đó để làm cho nó trở nên tồi tệ hơn. Rồi kẻ thù bất ngờ sẽ trở thành người mà bạn quan tâm. Tâm bi là một phẩm chất rất tuyệt vời của tâm, và chúng ta có thể khơi dậy nó khá dễ dàng, miễn là chúng ta phải có cách nào đó nhắc mình để nhớ, và nhận ra những đau khổ hiện diện cuộc sống cũng như trong trái tim của tất cả chúng sinh. Điều đó sẽ giúp thay đổi nhận thức của chúng ta. Nhận thức là rất quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng, cách chúng ta hành động.

 

 

Một phương tiện thiện xảo khác là để giữ tâm bình thản, không-phản ứng (xả). Nếu bạn không có thể phát triển tâm từ, bạn không thể có tâm bi và tâm xả. Chúng ta không thể làm cho mọi thứ trở nên giống như ý chúng ta muốn. Điều đó không thể được. Hãy để cho tâm hiểu rằng, chấp nhận rằng mọi thứ có cách riêng, có đường lối riêng của chúng. Mọi người có cách riêng của họ. Có rất nhiều thứ mà chúng ta có thể làm và cũng có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vượt quá những gì chúng ta có thể sắp xếp. Xả là một phần thiết yếu của cuộc sống nếu bạn muốn giữ tâm luôn ở trong trạng thái an ổn, lành mạnh. Bằng không, bạn sẽ nổi điên, hoặc cuối cùng bạn chỉ là một người dễ bị khích động, liên tục bị khích động bởi một thế giới mà nó sẽ chẳng làm những gì mà bạn muốn nó phải làm. Xả có nghĩa là sự nhận thức sâu sắc, sự hiểu biết, sự chấp nhận, sống thuận thảo với, sống bình an với thực tế rằng có một giới hạn đối với những gì ta có thể làm và có thể đạt được. Ta chấp nhận rằng con người là như thế đó và sau đó đứng sang một bên, để yên cho sự việc diễn ra theo cách của nó. Giữ cho tâm ta được bình an.

Một gợi ý khác của Đức Phật là ý tưởng thực sự tránh, không tiến gần tới tình huống, không tham gia vào tình huống. Nếu bạn thực sự không thể đối phó với một tình huống hoặc với một người cụ thể nào đó, vậy thì hãy tránh nó đi. Đôi khi đó là điều duy nhất mà chúng ta có thể làm. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ tránh gặp mặt, mà phải tránh luôn cả phương diện tinh thần. Đôi khi bạn tránh mặt một người nào đó, nhưng họ vẫn hiện diện rất rõ trong tâm trí của bạn, phải không? Tâm chúng ta khởi lên một việc gì đó, và nó cứ tới lui liên tục trong tâm của chúng ta, nó đi với cuộc đời của chúng ta, chúng ta sống với nó. Điều này thật không lành mạnh. Hãy để nó sang một bên, quên nó đi. Hãy để nó yên.

Phương cách cuối cùng mà Đức Phật khuyến khích chúng ta áp dụng là suy niệm về luật nhân quả. Có công lý. Luôn luôn có sự công bằng. Không ai có thể trốn thoát bất cứ điều gì. Không ai có thể trốn thoát quả của nghiệp của họ. Khi bất cứ ai làm việc bất thiện hoặc bất thiện nghiệp, khi họ cướp giật, khi họ gian lận, khi họ lạm dụng, cho dẫu bạn có đưa họ ra tòa hay không, cho dẫu bạn có đánh đập họ hay không, họ không thể thoát khỏi nghiệp của họ. Mọi người đều thừa kế nghiệp của mình. Quán chiếu luật nhân quả đôi khi rất tốt để giúp chúng ta vươn lên và chấp nhận những chuyện bất công quá rõ ràng trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta không nên làm gì để bảo vệ chính mình, hoặc cố gắng sửa đổi những bất công, nhưng lắm khi chúng ta không thể làm được gì. Và để làm giảm cảm giác của sự bất công, sự phẫn nộ chính đáng, từ việc chúng ta chẳng thể làm gì để thay đổi tình thế, ngoài việc nói một cách vinh quang rằng "Tôi cảm thấy tức giận, bực bội", hãy quán chiếu về luật nhân quả.

Đây là những phương tiện thiện xảo rất hữu ích, chúng ta có thể sử dụng chúng để làm giảm sức mạnh của ác ý và sân hận. Nếu chúng ta có thể làm giảm những cảm xúc tiêu cực này, có nghĩa là chúng ta đang làm giảm sự tự dày vò bản thân. Nếu chúng ta loại bỏ được chúng, chúng ta sẽ loại bỏ được một kẻ thù, kẻ thù bên trong tự thân.

Đó là lý do tại sao Đức Phật nói: "Một người có thể chinh phục hàng ngàn kẻ thù trên chiến trường, không nhờ vào sự giúp đỡ của ai khác, và có thể chinh phục kẻ thù như vậy hơn một ngàn lần, nhưng người vĩ đại hơn là người tự chiến thắng chính mình."

Chinh phục chính mình có nghĩa là chinh phục phiền não của chính mình, và trong trường hợp này, có nghĩa là chinh phục ác ý và sân hận. Tôi khuyến khích tất cả các bạn suy niệm về bản chất của ác ý và sân hận, để bắt đầu nhận ra những khiếm khuyết, những bất lợi của chúng và nỗ lực để nuôi dưỡng những phương tiện thiện xảo: Tâm từ , tâm bi, tâm xả, tránh không tham gia vào tình huống gây cho ta phiền não, và quán chiếu về nghiệp, để chúng ta có thể giải thoát khỏi những bất lợi và đau khổ do sân hận mang lại.

Theo: Skillfuls means to reduce the power of ill-will

Người dịch: Supañña Thiện Trí

 

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box