Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Sự quan trọng của quân bình của các căn trong thiền tập:

Chủ đề của bài Pháp ngày hôm nay là “ Sự quan trọng của quân bình của các căn trong thiền tập”. Năm căn chính là niệm căn, định căn, tấn căn, tín căn và tuệ căn.

Trong số năm căn này, định căn và tấn căn phải cân bằng với nhau, tín căn và tuệ căn phải cân bằng với nhau. Không nên thực hành quá chú trọng về tín (saddhā), hay tấn (viriya) hoặc định (samādhi). Với chánh niệm (sati) thì không bao giờ coi là đủ, càng chánh niệm nhiều chừng nào thì việc thực hành càng tốt chừng ấy.

Trong thiền tập, có bốn tư thế của thân. Bốn tư thế này, là đứng, đi, ngồi và nằm. Trong số bốn tư thế này, đứng và ngồi thuận cho việc phát triển hay xây dựng tinh tấn vì trong khi đứng, hành giả phải nỗ lực giữ vững thân để không cho bị ngã; hoặc khi đi, hành giả cũng phải nỗ lực một cách đặc biệt để bước từng bước nối tiếp nhau nhằm giữ cho thân thẳng. Vì vậy, chúng ta xem thiền đứng và thiền đi thì thuận cho việc phát triển tinh tấn.

Trong khi đó, thực hành thiền ngồi và thiền nằm thì lại thuận hơn cho việc phát triển định. Tinh tấn cũng có mặt trong đó nhưng nó chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Trong việc thực hành thiền nằm, hành giả nằm yên và mắt nhắm lại, tư thế này của thân rất thuận cho việc xây dựng định tâm. Vì vậy, chúng ta phải xem các tư thế ngồi và nằm là quan trọng hơn hai tư thế đứng và đi trong việc phát triển định.

Vì vậy Kinh điển thường đặc biệt nói rằng các bậc Thánh khen ngợi những hành giả mà sự thực hành của mình có sự quân bình giữa định và tinh tấn cũng như giữa tín và tuệ. Và sự tiến bộ trong việc thực hành Vipassana chỉ đạt được một cách nhanh chóng khi định và tinh tấn, tín và tuệ được phát triển một cách quân bình với nhau.

Hãy quan sát chiếc xe đạp, chúng ta sẽ thấy rằng muốn di chuyển êm và tốt, hai bánh xe phải được bơm đều nhau. Nếu một bánh bị xẹp, xe sẽ không còn chạy tốt. Với con người cũng tương tự như vậy. Một người chỉ được coi là bình thường nếu hai mắt và và hai tai thực hiện chức năng của chúng tốt đẹp như nhau. Nếu một mắt và một tai bị khiếm khuyết, người ấy cũng có thể thấy nhưng không thể thấy rõ được như người có hai mắt tốt. Người ấy cũng có thể nghe nhưng không thể nghe rõ được như người có hai tai tốt. Cũng tương tự như vậy với hai tay và hai chân. Nếu một trong hai tay hoặc hai chân của người ấy bị khuyết tật, người ấy không thể thực hiện các hành động như những người có đủ hai tay và hai chân.

 

 

Đối với các hành giả, sự tiến bộ trong việc thực hành tuệ quán sẽ vững vàng và nhanh chóng nếu định và tinh tấn, tín và tuệ có sự quân bình. Nếu chúng không quân bình, trong Kinh điển nói rằng, những ai có đức tin mạnh nhưng tuệ yếu thường có khuynh hướng tin vào những điều tà vạy. Saddhā là đức tin và tin vào một điều gì đó cũng là đức tin. Có đức tin là tốt nhưng tin một cách mù quáng là điều không được khuyến khích. Những người có đức tin một cách mù quáng thường nhận những người xấu là những người thánh thiện. Trong thời Đức Phật còn tại thế, có những người thờ phượng những người lõa thể tin rằng những vị này đã gột sạch tham và sân qua việc không mặc áo quần. Một số người thờ phượng những người bắt chước các thói quen của chó hoặc bò. Một số người thờ phượng những người mặc áo quần làm từ tóc hoặc mặc áo quần theo kiểu quái đản. Nguyên nhân của sự tin tưởng mù quáng của họ là do mặc dù họ có đức tin nhưng họ không có trí tuệ để phân biệt giữa đúng và sai. Họ không có quan kiến đúng đắn để thấy rằng con người đang đi trong sự trần truồng đó là một người không biết mắc cỡ, vậy thì làm sao mà họ có thể xem những người đó như là những người có giá trị, đáng để cho những con người đàng hoàng và có đầu óc sáng suốt tôn kính.

Một số người còn không thể phân biệt đâu là những ai có thể dạy một thứ Giáo pháp (Dhamma) chân chánh và ai là những là những bậc đạo sư mạo nhận và do vậy họ đã mặc tình để cho ma đưa lối quỷ đưa đường, và một số người thậm chí đã mất mạng do đặt lòng tin vào các đấng thần linh giả mạo.

Những loại rủi ro như vậy có thể xảy đến cho những người chỉ có lòng tin nồng nhiệt nhưng không có trí tuệ để có thể phân biệt đâu là chánh, đâu là tà. Họ có thể trở thành môn đồ của những vị Phật giả danh, Pháp bịa đặt và Tăng đoàn dỏm một cách dễ dàng.

Ở Myanmar có một câu nói rằng “ Những ai chỉ có đức tin mù quáng mà không có trí tuệ có thể sa chân vào con đường tà vạy”. Mặt khác, một người tuy sắc sảo và thông minh nhưng không có đức tin vững chắc và lòng chân thật có thể trở nên xảo quyệt và độc ác. Hành giả chúng ta có thể tìm thấy một số người có kiến thức uyên thâm về mặt sách vở nhưng thiếu đức tin nên thiếu sự rộng lượng trong việc thực hành bố thí, cúng dường; những người này không có ý định thực hành giữ giới cũng như không sẵn sàng để thực hành Vipassana.

Không những họ không mặn mà với việc thực hành bố thí, giữ giới và hành thiền, họ còn cản trở con đường tu tập của những người có lòng tịnh tín – những người đang thực hành bố thí, cúng dường và trì giới- bằng cách nói những lời ngược ngạo như: “Đừng bố thí, nó chỉ kéo dài sự đau khổ của vòng luân hồi.” Họ bình phẩm rằng bố thí, là một việc dễ làm, rằng nếu bạn rửa chán bát và quăng bỏ những thức ăn thừa, côn trùng có thể ăn những thức ăn thừa này và đây cũng là một hình thức bố thí. Dĩ nhiên đây cũng là một hình thức bố thí, nhưng loại bố thí này chỉ là một loại bố thí hạ liệt chỉ tạo được những phước báu nhỏ mà thôi.

Những lời bình phẩm ngược ngạo như vậy được nói bởi những con người xảo quyệt và độc ác để cản trở những người có lòng tịnh tín và rộng lượng trong việc thực hành thiện pháp. Họ cũng làm cho những người này nhụt chí không muốn đi đến chùa và các thiền viện để tu tập giữ giới theo sự hướng dẫn của các nhà sư có giới hạnh. Họ chế giễu những người có đức tin nơi Giáo pháp, bằng cách bình phẩm không cần phải đến chùa mới giữ giới được, rằng người ta có thể ở nhà để thực hành việc thanh lọc tâm.

 

 

Thậm chí ngay cả khi chúng ta đã phát nguyện giữ giới trước sự chứng giám của một vị trụ trì đạo cao đức trọng vậy mà cũng lắm khi chúng ta vẫn còn phạm giới, việc ở nhà tự mình giữ giới theo kiểu hời hợt như vậy liệu chúng ta có thể giữ được lời phát nguyện của mình hay không? Hay chúng ta có thể dễ dàng phạm vào sự giết hại hoặc ăn sái giờ mà không có một sự tự chế nào cả? Vì vậy, phát nguyện giữ giới long trọng, trang nghiêm trước một vị thầy đáng kính thì đáng tin cậy, nghiêm túc và có lợi lạc hơn.

Một số người được gọi là các nhà học giả uyên bác vẫn thường có những lời bình phẩm châm biếm như vậy đối với những người thực hành Vipassana. Họ hay nói với giọng điệu: “ Tại sao phải đi đến các trung tâm thiền? Chẳng phải là Đức Phật đã dạy rằng tự quán chiếu thân của chính mình chính là pháp (dhamma) đó sao? Và việc này có thể tự mình thực hành lấy trong chính ngôi nhà của mình.”

Mọi sự thực hành đều cần một phương pháp có hệ thống và vị thầy giỏi - người có thể chỉ ra các phương pháp hoặc kỹ thuật đúng đắn để thực hành. Thiền Vipassana là một phương pháp đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và hướng dẫn đúng đắn nhất. Ngoài những điều này ra, nó còn đòi hỏi phải một nơi thích hợp cho việc thực hành để các hành giả có thể truyền cảm hứng và động viên lẫn nhau.

Môi trường cũng rất quan trọng. Trong thiền viện, không gian thật yên tĩnh và thời biểu để ngồi thiền và thiền hành đã được quy định rõ ràng. Môi trường, không gian, sự truyền cảm hứng và sự yên lặng cao thượng của một trung tâm thiền không thể tìm thấy trong ngôi nhà của chính mình. Các hoạt động mang tính thế tục là điều không thể tránh khỏi trong các ngôi nhà và chúng ta sẽ dễ dàng vướng vào đủ loại công việc hàng ngày khác nhau của sinh hoạt đời thường của con người.

Các nhà học giả uyên bác thường có những lời bình phẩm như vậy tạo sự bất lợi cho việc hành thiền, một việc mà bản thân họ không có ý định để thực hành. Các hành giả chúng ta ở đây đang thực hành theo lời dạy của Đức Phật bằng cách quán chiếu các hiện tượng sinh khởi trong thân và tâm một cách liên tục trừ 4 giờ đồng hồ dành cho việc ngủ nghỉ mỗi ngày.

Tại Myanmar chúng ta có một câu nói: “Những người học rộng nhưng thiếu đức tin hoặc không biết ghê sợ tội lỗi thường trở nên xảo quyệt và độc ác”. Vì vậy, đức tin và trí tuệ cần phải cân bằng với nhau trong khi hành thiền để tránh những hậu quả không mong muốn và đồng thời giúp đạt được sự tiến bộ từng bước một. Chúng ta phải tin vào những điều hợp lý và thực tiễn. Điều duy nhất mà chúng ta không nên tin theo là những học thuyết mù quáng. Chúng ta phải cân nhắc thận trọng trước khi tin vào bất cứ điều gì.

 

 

Những người có trí và có lòng tin đúng đắn sẽ là một tài sản quý giá cho cộng đồng của mình. Họ sẽ là một người bạn tốt đối với những người sống chung quanh, một công dân tốt của xã hội. Đây là kết quả có được từ sự lợi lạc của sự quân bình giữa trí tuệ và đức tin. Định và tinh tấn cũng phải cân bằng với nhau. Định là sự nhất tâm và tinh tấn và năng lực của sự thực hành bền bỉ.

Như đã giải thích trong phần đầu của bài Pháp, tư thế của thiền ngồi và thiền nằm hỗ trợ cho việc phát triển định tâm, trong khi tư thế đứng và đi hỗ trợ cho việc nâng tinh tinh tấn. Vì vậy, thời biểu của các khóa thiền ở đây bố trí thiền tọa một tiếng và thiền hành một tiếng xen kẽ nhau. Nếu chỉ ngồi thiền không thôi mà có lợi cho sự tiến bộ của việc thực hành thì thiền sư sẽ hướng dẫn các thiền sinh lúc nào cũng ngồi thiền, nhưng không phải như vậy. Nếu quá chú trọng quá vào việc ngồi thiền sẽ đưa đến việc phát triển định quá mức mong muốn.

Theo các hướng dẫn trong Kinh điển thì những ai quá chú trọng đến việc phát triển định mà thiếu tinh tấn thì có khuynh hướng trở nên lười biếng, uể oải và lờ đờ. Các hành giả thực hành thiền ngồi và thiền nằm nhiều, nhưng ít thực hành thiền đi có khuynh hướng trở nên lười biếng, dã dượi và buồn ngủ. Nếu những dấu hiệu như vậy xuất hiện, hành giả phải nên biết rằng đó là do định đã được phát triển một cách quá mức. Trong tiến trình tu tập, Minh sát trí (ñāṇa) tiến triển theo từng giai đoạn một, và vào cuối mỗi giai đoạn, một loại thụy miên (buồn ngủ) nào đó chẳng hạn như gục lên gục xuống thường xuất hiện, vì vậy hành giả cần biết rằng đây là lúc mình cần phải nâng tinh tấn, có nghĩa là phải tăng số điểm xúc chạm (đụng) từ bốn lên mười điểm v.v… và thực hành thiền đi nhiều hơn. Khi tinh tấn và định quân bình với nhau, hành giả sẽ khắc phục được dã dượi và buồn ngủ.

Nhưng nếu hành giả thực hành thiền đi nhiều hơn thiền ngồi, như vậy tinh tấn sẽ vượt trội. Dấu hiệu của tinh tấn quá mức là tâm phóng đi hoặc mơ mộng trong khi ngồi thiền. Hành giả có thể không phát hiện được việc này ngay khi nó xảy ra mà phải mất một thời gian lâu sau mới biết. Trong khi đi thiền hành, hành giả chỉ có thể ghi nhận những bước ban đầu và rồi sau đó là tâm phóng đi lang thang trong suốt cả một thời thiền còn lại. Để khắc phục điều này hành giả phải phát triển định. Thực hành như vậy thì hành giả mới có thể tạo được sự cân bằng giữa định và tinh tấn. Trong thời Đức Phật còn tại thế, có trường hợp của con trai của một triệu phú tên là Sona còn để lại cho chúng ta ngày nay như một tấm gương để làm kinh nghiệm trong việc thực hành. Là con trai của một triệu phú, Sona là một chàng thư sinh yếu ớt. Người ta nói rằng dưới hai bàn chân của Sona có một lớp lông mềm che phủ.

Sona kiên quyết muốn thực hành thiền nên xuất gia làm một vị Tỳ khưu. Sau khi thọ giới, tân tu sĩ Sona Thera nghĩ rằng: “Ta đã sống một cuộc sống thoải mái và dễ dàng vì là ta con trai của một nhà triệu phú vì vậy bây giờ ta phải thực hành với tất cả nhiệt tâm và kiên trì mà không quan tâm đến sự thoải mái hay không thoải mái của thân”. Ngài thực hành thiền đi và do lớp da dưới hai bàn chân của ngài quá mịn màng và mỏng manh nên hai bàn chân của ngài bị sưng phồng khi đi trên mặt đất gồ ghề. Sau đó, ngay cả định ngài cũng không thể tu tập được nữa. Khi không còn có thể thực hành thiền đi, ngài hành thiền bằng cách bò bằng hai chân và hai tay. Ngài cố gắng hết sức mình đến nỗi con đường thiền hành của ngài đầy những vết máu, nhưng ngài vẫn không đạt được chút Minh sát trí nào cả. Ngài thất vọng và nghĩ rằng “ Số kiếp của ta chắc không thể nào thấy và chứng nghiệm được chân lý (dhamma)” và ngài sắp sửa bỏ cuộc.

Đức Phật đích thân đi đến con đường thiền hành và tìm hiểu tại sao con đường lại đầy những vết máu như thể có một người đồ tể đã thực hiện việc giết mổ ở đây. Các thầy Tỳ khưu thuật lại cho Ngài nghe vì sao Tỳ khưu Sona, con nhà triệu phú, đã bị chảy máu hai bàn chân khi đi thiền hành. Đức Phật đến bên vị tân Tỳ khưu và hỏi rằng trong những ngày còn ở với gia đình, Đại đức có biết chơi đàn hạc hay không? Khi Đại đức Sona xác nhận rằng ngài có thể chơi đàn hạc rất giỏi, Đức Phật hỏi ngài phải lên dây đàn như thế nào để đàn có thể phát ra những âm thanh hay. Đại đức Sona trả lời rằng dây đàn phải được giữ không quá căng cũng không quá chùng. Vì vậy Đức Phật khuyên ngài hãy thực hành giống như chơi đàn bởi vì dây đàn quá chùng hoặc quá căng sẽ làm hỏng âm thanh. Đức Phật dạy Đại đức Sona rằng trong thiền tập, hãy thực hành theo Con đường Ở giữa (Trung đạo) là cách tốt nhất để đạt được kết quả. Đức Phật dạy Đại đức Sona thực hành thiền ngồi và thiền đi cân bằng với nhau để đạt được sự quân bình giữa định và tinh tấn, hãy ăn uống điều độ và hãy sử dụng thuốc men trong những trường hợp cần thiết.

Tân Tỳ khưu Đại đức Sona vâng theo lời dạy của Đức Phật. Ngài dùng thuốc để chữa trị các vết phồng dộp trên hai bàn chân của mình, ngài ăn uống điều độ và thực hành định và tinh tấn quân bình với nhau. Chẳng bao lâu sau, Đại đức Sona chứng nghiệm được Đạo và Quả và trở thành một bậc Thánh. Cầu mong cho các hành giả của chúng ta ở đây cũng thực hành có sự quân bình giữa định và tinh tấn, giữa đức tin và tuệ để có thể chứng nghiệm được đạo quả Giải thoát- Níp bàn- sự chấm dứt khổ- theo như ý nguyện bằng con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất.

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Theo: Importance of Balanced Faculties in Meditation

Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box