Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Tôi vừa trở về từ khóa thiền Vipassana tại tịnh xá Ngọc Thành, Thủ Đức, khóa thiền được các vị phụ tá của ngài S.N. Goenka hướng dẫn tu tập theo đúng truyền thống của vị đại sư người Miến Điện Saygyi U Ba Khin.
Ngay từ khi đăng ký, những người tham gia khóa tu như tôi, đã được yêu cầu phải quán triệt điều lệ khắt khe của Khóa Tu Thiền 10 ngày này. Bạn không được nói chuyện trong suốt thời gian 10 ngày và phải hành thiền hầu như suốt từ 4h30 sáng cho tới 9h đêm. Dĩ nhiên có những khoảng nghỉ ở giữa nhưng bạn sẽ thấy rất bận rộn với Thiền. Bạn cũng không được phép ăn tối, và chẳng thể ra ngoài hay liên lạc điện thoại trong suốt thời gian đó. Trong vòng 10 ngày bạn chỉ có mỗi nhiệm vụ là thiền và thiền. Trong 3 ngày đầu bạn sẽ thực hành anapana-thực tập quan sát hơi thở đều đặn, điều này sẽ làm gia tăng sự chú tâm, khiến hơi thở nhẹ nhàng và điều hòa, giúp tâm trí yên bình, không còn dao động. Sau đó là 7 ngày dành cho Viapassana. Quả là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng đầy khó khăn và nhiều bất ngờ với một kẻ như tôi.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm sống động với khóa thiền. Sáng đầu tiên vào lúc 4h30, tôi hăm hở cùng những thiền sinh khác lên thiền đường và bắt đầu tu tập. Chỉ chưa đầy 30 phút sau,tôi đã cảm thấy buồn ngủ quá sức đến nỗi phải chạy luôn lên phòng làm một giấc. Khi tỉnh dậy tôi chẳng thấy ai cả, chạy ra hành lang nhìn quanh tịnh xá cũng không một bóng người. Phòng bên cạnh cũng không có ai. Mọi người đều đang thực hành thiền Vipassapana, còn mình thì đang ở đây để… thiền ngủ.

Ngày hôm sau tôi có khá hơn, thay vì chạy về phòng ngủ một giấc tới sáng thì tôi quyết chí là mình sẽ ngồi như mọi người, nhưng chỉ được một lúc tôi lại ngủ gục.

Thầy dặn là nếu buồn ngủ quá thì nên đi dạo, nên tôi nhẹ nhàng ra ngoài và đi vài vòng , rồi đến vòi nước xả nước lạnh vào mặt đẻ tỉnh ngủ. Thế là ngày thứ hai cũng trôi qua, và đến tối thì vừa đặt lưng xuống giường là tôi đánh luôn một giấc tới khi có chuông báo 4h – giờ phải dậy. Lại một ngày nữa bắt đầu. Tuy đã có tiến bộ đôi chút, nhưng tôi vẫn buồn ngủ vào giờ thiền buổi sớm, luôn động đậy vào các giờ thiền buổi sáng và đến chiều thì cảm thấy mệt mỏi. Chỉ vào buổi tối khi có pháp thoại thì đó mới là khoảng thời gian thư giản thú vị nhất của tôi. Vậy mà nhìn quanh phòng tập, những người bạn của tôi tuy còn rất trẻ nhưng cũng rất giỏi ngồi; mỗi khi tôi mở mắt đều thấy họ rất tập trung.Xấu hổ quá, tôi lại cố gắng tiếp tục.

 

 

Khó khăn tiếp theo của tôi là đau chân và mỏi lưng. Trời ơi là trời, đau và mỏi đến không chịu được. Đau đến toát mồ hôi khắp người. Nhất là những buổi thiền quyết tâm, 3 lần một ngày, mỗi lần 1 tiếng. Đó là một tiếng đống hồ ngồi thiền không nhúc nhích, không duỗi chân tay, không mở mắt. Thật sự là một thử thách khó khăn với kẻ sơ cơ như tôi. Thầy bảo mọi thiền sinh phải quan sát cái cảm giác đau và thấy được tính vô thường của những cảm giác đó, rồi nếu người nào thiền đúng cách và giỏi thì sau đó sẽ cảm thấy được một dòng năng lượng vi tế luân lưu thông suốt trong cơ thể mà không còn cảm giác thô trược đau đớn nữa. Tôi thiền dở nên chưa thấy cảm giác vi tế nào xuất hiện, chỉ thấy đau mà thôi. Nhưng nhờ hết sức cố gắng mà có vài lần tôi cũng đã vượt qua được một giờ đồng hồ thiền quyết tâm một cách khá nhẹ nhàng. Càng về những ngày cuối, cảm giác đau đớn càng bớt dần.

Một điều nữa lúc đầu tưởng chừng rất khó khăn mà lại hóa ra một may mắn dành cho tôi, đó là quy định không nói chuyện. Tính tôi vốn lanh chanh, hay nói hay cười, thế mà bây giờ phải im hơi lặng tiếng trong suốt 10 ngày. Ôi, quả là một cảm giác mạnh đối với tôi. Nhưng chỉ sau ngày đầu, tôi đã nhận thấy chính sách này là đúng đắn và cần thiết biết bao cho tôi. Ngoài những giờ kiểm pháp và khi có việc thật sự quan trọng cần trao đổi với ban quản lý, việc thực hành im lặng trong suốt 10 ngày – im lặng cao quý (noble silence) khiến tôi thực sự hiểu rằng người ta không phải lúc nào cũng cần lời nói để biểu đạt mọi việc, không những thế, đôi khi lời nói còn làm phiền rộn người khác, làm đau lòng người khác nữa. Lời nói nếu không đúng đắn sẽ là tai ương, là món nợ của chúng ta. Tôi nhân ra mình nhiều khi đã từng nói lời hơi phóng đại, nói dối (có thể là ta nghĩ chẳng hại tới ai) mà không hay biết. Đôi khi chính người nói còn chẳng hiểu mình nói gì. Khi ta muốn lấy lòng ai,ta có nói mấy lời dễ nghe dù trong lòng mình không hề nghĩ vậy. Khi khó chịu ta tìm cách đổ lỗi cho người này, người khác tòn bằng lời nói của ta. Tôi tự nhận ra mình cũng từng là kẻ nói quá nhiều, mà toàn là nói những lời không cần thiết. Khóa tu quả là đã dạy cho tôi bài học lớn về lời nói.

Có một kỷ niệm nữa mà tôi sẽ khó quên về khóa tu 10 ngày này. Vì vài trục trặc, tôi phải chuyển chỗ ngủ, và tôi được chỉ định đến ở tại phòng của bốn bậc thiền sinh cũ đã lớn tuổi. Vì các bác này đã tham gia một khóa tu trước nên họ có quyết tâm và kinh nghiệm, việc ở chung với họ sẽ rất có lợi cho tôi, đo đó, việc chuyển chỗ ngủ đối với tôi là một may mắn lớn.

Trong phòng có một bác lớn tuổi mặt mũi khó đăm đăm mà ban đầu tôi đã hơi phạm thượng, thầm nghĩ bác là người khó chịu. Vì chúng tôi ở chung phòng nên việc chờ đợi làm vệ sinh cá nhân là điều thường xuyên xảy ra. Tự biết mình nhỏ tuổi nhát, tôi luôn nhường các bác, còn mình thì phải cố gắng sắp xếp sao cho thuận tiện. Mỗi khi “bác khó chịu” sử dụng nhà vệ sinh thì coi như tôi không có cơ hội dùng nó, vì bác ấy rất kỹ nên chiếm dụng phòng vệ sinh thật lâu. Tính bác ấy sạch sẽ một cách đáng kinh ngạc.

 

 

Nhưng rồi một hôm xảy ra chuyện khiến tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Trong khóa tu, chúng tôi chỉ ăn điểm tâm sáng và bữa trưa; buổi chiều, mọi người chỉ được dùng hoa quả và trà. Việc ngồi thiền liên tục và kéo dài khiến những thiền sinh mới dễ bị táo bón. Ban quản lý khóa tu đã cố gắng rất nhiều trong việc bổ sung khẩu phần ăn của chúng tôi bằng những món tráng miệng mát bổ và giúp giảm táo bón. Bữa trưa hôm ấy có món rau câu dừa tráng miệng, một món tôi rất thích. Vừa ăn cơm xong thì tôi vội đứng lên đi rửa bát đũa. Tôi vốn ăn ít và ăn nhanh nên tranh thủ rửa bát trước kẻo lát nữa lại phải chen chân. Khi rửa bát xong tôi mới quay lại bàn của mình để thưởng thức món tráng miệng. Cái tính lanh chanh làm hại tôi, do vô ý, tôi làm rớt cả phần rau câu xuống đất. Tôi vội vàng nhặt lên và bỏ vào thùng rác vì tất nhiên miếng rau câu ngon ngọt ấy đã không còn hợp vệ sinh. Vừa tiếc vừa xấu hổ, tôi đi lên phòng ngay không dám léng phéng ở đó, sợ ban quản lý thấy lại cho là tôi hoang phí quá.

Lên phòng, tôi nghỉ trưa sớm. Đến giờ thức dậy để lên thiền đường, tôi định đi thì “bác khó chịu” kéo tay giữ tôi lại chờ những người khác ra khỏi phòng. Bác thầm thì với tôi là bác lấy rau câu cho tôi ăn kẻo táo bón. Rồi bác dúi vào tay tôi hộp rau câu và nói, bác đã xin người ta đàng hoàng, cháu ăn đi. Tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động chẳng nói được câu cảm ơn, chỉ lặng lẽ cầm lấy hộp rau câu ăn. Bình thường với tôi, rau câu ngon là thế, sao hôm nay tôi ăn thấy lạ ghê, không ra ngon, không ra dở. Nước mắt tôi chực trào ra. Người tôi cho là khô khan khó chịu hóa ra lại là một người tinh tế đến vậy. Chẳng biết bác ấy xin được thật, hay là bác nhường cho tôi suất ăn của bác.

Giờ nghỉ chiều hôm ấy tôi cứ đi theo bác định nói lời cảm ơn thì bác đã khẽ nói: “Người tu tập như lượm hoa rơi, làm gì cũng cần nhẹ nhàng từ từ, bác thấy con cứ hấp ta hấp tấp, tội quá”. Tôi cứng cả họng, chả nói được gì, chỉ thầm cảm ơn bác ấy nhận xét đúng…

Tôi vẫn thường nghỉ cuộc sống hiện nay quá nhiều bon chen và thô lậu, nhưng “bác khó chịu” của tôi lại cho tôi một cảm nhận khác. Rằng cuộc sống này còn bao điều đáng kể, rằng mỗi con người bình thường đều có những phút giây làm việc với tấm lòng của Bồ-tát xót thương chúng sinh. Tôi ao ước ai cũng có thể được gặp nhiều lần những vị Bồ-tát như vậy giữa đời thường, ở những việc nhỏ nhặt tưởng tầm thường như câu chuyện của tôi.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 94/ tapchivanhoaphatgiao.com

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box