Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Ni sư Ayya Khema (Phần 1)

Bài giảng cô đọng về những nguyên tắc căn bản cho việc khởi đầu thực hành phát triển và thanh lọc tâm –hay Vipassana - này được trình bày theo yêu cầu của các hành giả, những người muốn có một sự hướng dẫn cũng như những lời nhắc nhở thực tiễn cho việc thực hành thường xuyên của họ.Sau sự nhiệt tình ban đầu, hành giả sẽ thấy rất khó để tiếp tục giữ lửa, đặc biệt khi phải đối mặt với áp lực của đời sống xã hội với tất cả các nhiệm vụ của nó.Tác giả viết bài giảng này nhằm mục đích hỗ trợ cho hành giả khi họ trở nên lơ là với việc thực hành hoặc gặp những khó khăn thối chí . Đây được xem như một chút đóng góp để giúp cho hành giả có một kiến thức tốt hơn trong việc thực hành Vipassana, nó hoàn toàn không mang nghĩa của một bài hướng dẫn với đầy đủ chi tiết. Có nhiều vấn đề khác hành giả sẽ gặp phải trong quá trình thực hành không được thảo luận ở đây, trong bài giảng này, lý do là hành giả chỉ có thể hiểu được chúng một cách rõ ràng hơn với sự tư vấn và hướng dẫn của một thiền sư trong những buổi trình Pháp.

1. Tại sao chúng ta nên thực hành Vipassana?

Lời đáp cho câu hỏi này có thể ngắn gọn: " Để đối phó một cách tốt hơn với những bất toại nguyện trong cuộc sống, cũng như thoát khỏi sự bức bách của chúng."

Mọi chúng sinh đều khao khát có được hạnh phúc và sự an ninh trong cuộc sống của mình. Thật không may chẳng có ai có khả năng tạo ra hạnh phúc chỉ bởi do mình mong muốn có được nó, cũng như không một ai có thể duy trì niềm vui của mình lâu dài như chúng ta mong muốn.

Hạnh phúc mà con người có thể tìm thấy trong cuộc đời này quả thật mong manh. Nếu chúng ta có được cái chúng ta muốn, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhưng thật khó lòng mà mong đợi luôn có được những cái theo đúng sở thích của mình. Nếu những ham muốn của chúng ta bị nghẽn lối và chúng ta không thể có được cái mình muốn, chúng ta sẽ thất vọng, bất mãn và sinh lòng hiềm hận .

Do con người hoàn toàn mơ hồ về những tiến trình diễn ra trong tâm, những tiến trình này thì lại luôn chịu tác động bởi sự thay đổi liên tục của thời vận trong cuộc sống, mà phần nhiều là sự bất toại nguyện.

" Cho dẫu người ta nghĩ về sự vật như thế nào bất kỳ, sự vật đều hóa ra ngược lại. Đó là bản chất đối nghịch của sự vật. Hãy quan sát điều này vì đây là bản chất của cuộc sống" (Kinh Tập)

Con người được phú cho một cái tâm biết phân biệt. Do vậy họ được cho là có thể biết được lý do của các hành động của mình . Tuy nhiên , con người thường không nhận thức được rõ những động cơ hay mục đích của các hành động của họ.

Chúng ta thường xuyên hành động theo sự thôi thúc của tâm trạng. Khi động cơ và mục đích không rõ ràng, chúng ta có thể đối diện với nguy cơ sử dụng phương tiện một cách sai lầm. Không kiểm soát được hành vi như vậy, đôi khi có thể đem cho chúng lại những hậu quả không toại ý, khiến cho chúng ta bị bối rối.

Bị nhầm lẫn có nghĩa là chúng ta không có một cái nhìn rõ ràng về thực tại của những gì đang diễn ra. Để có được cái nhìn sâu sắc hơn vào hành vi và thái độ xuất phát từ bên trong tự thân đối với các hoàn cảnh khác nhau, chúng ta cần phát triển tâm. Phát triển tâm ( Vipassana ) theo nghĩa của Phật giáo, có nghĩa là trau giồi một sự hiểu biết sâu sắc về các hoạt động của thân, tâm và mối liên hệ giữa chúng. Để làm điều này một cách hiệu quả , đòi hỏi chúng ta phải quan sát thật chánh niệm những hoạt động của chúng ta về các phương diện thân, khẩu và ý.

Để khởi đầu một hoạt động quan trọng như phát triển tâm, theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta cần quán chiếu sơ bộ trên cả hai mặt động cơ và mục tiêu. Nếu động cơ không cân xứng với mục tiêu, sự tiến bộ sẽ bị trở ngại. Bước tiếp theo sẽ là xem xét để quyết định phương tiện đúng đắn cần cho sự đạt được mục tiêu đã đề ra là gì.

Đức Phật đã chỉ rõ rằng chỉ có một con đường (cách) độc nhất để đối phó với sự bất toại nguyện trong cuộc sống. Nói cách khác có một phương pháp khi được đem áp dụng một cách đúng đắn thì sẽ dẫn đến hạnh phúc. Phương pháp (hoặc con đường này) dẫn đến :

" Sự thanh tịnh hóa của chúng sinh, vượt qua sầu, bi, đoạn tân khổ ưu, đạt đến Chánh đạo và chứng đắc Giải thoát Níp- bàn." ( Kinh Trung Bộ 10)

Để hiểu rõ những thuật ngữ mà Đức Phật đã sử dụng này một cách đúng đắn, chúng ta nên dành thời gian để suy niệm về ý nghĩa chân thực của chúng, cũng như mối liên hệ giữa chúng với mục đích của cuộc sống của chúng ta.

Thanh tịnh hóa ở đây là khi dùng để chỉ một trạng thái của tâm khi nó thoát khỏi các chướng ngại gây ra sự căng thẳng và xung đột trong chính nó.

Nói chung , chỉ cần nhìn qua tình trạng cuộc sống của một ai đó cũng đủ đế thấy có quá nhiều căng thẳng và bất hòa trong đó. Những trạng thái tâm có gốc rễ từ tham, sân và si làm cho tâm trở nên bất tịnh .

Tham ái mang lại nỗi lo sợ tiềm ẩn về việc không nhận được những gì chúng ta mong muốn hoặc bị buộc phải xa rời những gì mà chúng ta yêu qúi. Trạng thái khó chịu hay giận dữ tạo ra sự xung đột và chắc chắn nó không có lợi cho sự an bình nội tại. Do si luôn đi kèm với tất cả trạng thái của tâm tham và sân, chúng ta khó có thể phân biệt những cấu uế, ô nhiễm này một cách rõ ràng do chúng tác động vào tâm, làm cho tâm đau buồn. Bởi vì những trạng thái tâm này được xem như không thể tách rời khỏi cuộc sống của một con người, như một điều gì đó không thể tránh được, theo lời dạy của Đức Phật, chúng cần gánh nặng của sự đau buồn để tiếp tục nuôi dưỡng nó.

Chúng ta cần có trí tuệ để hiểu các trạng thái tâm tạo ra sự bất hòa và xung đột trong chính tự thân của chúng ta cũng như trong những người khác như thế nào. Thấu hiểu nhân - tham đi kèm với si - và quả của sự xung đột là sự bất toại nguyện, chúng ta sẽ thấy tự trong chúng ta có sự thôi thúc làm thế nào để giải thoát tâm khỏi những trạng thái khổ đau.

Trí tuệ có thể được phát triển bằng cách phân tích một cách có phương pháp các hành vi về mặt tinh thần của chính chúng ta khi quan sát dòng ý thức được thả lỏng và chúng ta nhân thấy các phản ứng ứng sinh khởi trong đó [*], con người bị những phản ứng như vậy tấn công suốt cả ngày. Chúng ta thường không chọn lọc cẩn thận các dữ liệu đầu vào cho tâm, kết cuộc là con người phải chịu rất nhiều sự khó chịu.

Trước khi chúng ta có thể nhận thức rõ ràng được điều này, thì ác cảm , hiềm hận, đau khổ và sầu bi đã có mặt trong tâm của chúng ta rồi.

Khi có trí tuệ, các tình trạng này sẽ không sinh khởi, bởi trí tuệ chính là sự chọn lọc. Nó biết chính xác những gì dẫn đến các trạng thái khổ đau và những gì sẽ mang lại sự an bình cho tâm.

Trí tuệ hay Chánh kiến, là một chi của con đường (Bát Chánh). Bắt đầu bước đi trên con đường chân chánh này đòi hỏi khởi đầu phải có một chút trí tuệ. Tiếp tục đi theo con đường này sẽ dẫn đến sự chín muồi của trí tuệ. Kết thúc của con đường là sự hiểu biết đầy đủ và trọn vẹn về cuộc sống như nó thực sự là. Với sự hiểu biết đó hay trí tuệ, chúng ta sẽ đạt đến đích của con đường Bát Chánh cao thượng này, có nghĩa là trong chúng ta chắc chắn sẽ thôi không còn các xung đột và bất hòa.

Bước đầu tiên trên con đường giải thoát tâm ý là làm sạch tâm khỏi những chướng ngại nghiêm trọng như gây hấn, không trung thực, tàn nhẫn, đố kỵ, độc ác, tham lam v.v...để tìm một lối thoát cho phẩm hạnh của con người về mặt thân và khẩu. Cần phải có trí tuệ cơ bản mới có thể phát triển được một sự phân biệt rõ ràng về những gì làm cho hành vi của con người trở thành một sự chướng ngại, cũng như qua phương cách rèn luyện nào mà từ đó đạo đức của con người mới có thể trở thành phẩm hạnh phù hợp cho sự phát triển nội quán (Vipassana) thì cần phải có trí tuệ cơ bản. Để giúp chúng ta phân biệt được đâu là những hành vi thiện và đâu là những hành vi bất thiện, Đức Phật đã đưa ra một cái khung gồm năm nguyên tắc đạo đức (giới) thiết yếu để chúng ta thực hành theo.

Nói một cách tóm gọn, những giới này bao gồm hạn chế giết hại và gây hại , trộm cắp, tà hạnh, nói dối và sử dụng những chất gây say hoặc gây nghiện như rượu và ma túy.

Những nguyên tắc đạo đức cơ bản này không có nghĩa là để kiềm chế sự phát triển của một người trong đời sống xã hội . Trái lại, chúng được xem như là một bước đệm cần thiết đối với bất kỳ sự phát triển tinh thần nào trong bối cảnh xã hội, tâm lý và tâm linh. Hiệu quả của chúng đối với sự phát triển nội quán lại còn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.

Hai khía cạnh của nỗ lực làm trong sạch giới hạnh của con người - hạn chế làm những việc bất thiện và cố gắng làm việc thiện - toàn bộ hành vi hạnh kiểm, đạo đức của chúng ta được gói trọn trong chỉ trong hai khía cạnhnày .

Khi khảo sát cuộc sống của chúng ta, con người có thể tự đánh giá về những tác động của những rối rắm do không thể kiểm soát hành vi của chính chúng ta gây ra. Người ta có thể tự vấn là có nên hơn chấp nhận những rối ren này như một điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống của mình hay là nỗ lực khắc phục chúng một cách nghiêm túc .

Nỗ lực để khắc phục chúng là phát triển chánh niệm, giữ sự tỉnh giác hơn nữa khi những tư tưởng bất thiện đã sinh khởi trong tâm và kiềm chế chúng. Khi tỉnh giác đã trở nên sắc bén, chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để ngăn chặn những tư tưởng gây phiền nhiễu cho chúng ta, không cho chúng sinh khởi . Nỗ lực này đi cùng với sự phát triển và duy trì những trạng thái tinh thần lành mạnh dần dần sẽ tịnh hóa tâm khỏi mọi sự kích động .

Nỗ lực trong trường hợp này là một chi của Bát Chánh Đạo (Chánh tinh tấn). Nó cùng vận hành với Chánh niệm và Chánh định để tạo cho tâm sự yên tĩnh làm tiền đề cho nội quán. Nội quán bao gồm Chánh kiến và Chánh tư duy .

Một người đã đặt chân vào con đường ( Bát Chánh ) chân chánh và sau đó đi theo nó thì kết cuộc gặt hái được sẽ là một sự phát triển tinh thần, và sự phát triển này sẽ dẫn vị ấy thoát khỏi những rối ren bất tận giữa hai cực đoan hạnh phúc và bất hạnh do sự dính mắc của họ vào các đối tượng tạo ra. Chính là do dính mắc với các đối tượng mà những rối ren sinh khởi làm cho tâm bị ô nhiễm, và do vậy mà mọi người chỉ có thể trải nghiệm những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi .

Hạnh phúc và sự an bình nội tại cùng tột mà cuối cùng chúng ta có thể tìm thấy - một bàn đạp không thể thiếu cho bất kỳ sự phát triển tâm linh nào theo Con đường (Bát Chánh) - thì không phụ thuộc vào bất kỳ đối tượng nào, mà đến từ sự buông bỏ chúng. Thứ hạnh phúc này sẽ trường tồn, không biến mất đi. Đây chính là hạnh phúc đạt được từ sự giải thoát khỏi mọi xung xung đột và bất hòa - đó chính là Níp- bàn.

2 . Vài nét phát thảo về thiền Vipassana ( Vipassana Bhavana)

Vipassana - Bhavana có nghĩa là sự phát triển tâm để giúp chúng ta có thể nhìn thấy sự vật y như chúng thực sự là. Người Trung Quốc có một câu nói: " Nếu bạn muốn biết về cây thông, hãy đi đến cây thông. " Để nhìn thấy đúng bản chất của sự vật, người ta phải xem xét chúng , không phải qua lý thuyết, nhưng ngay tại chỗ. Điều đó có nghĩa là chúng ta bắt đầu nghiên cứu chính thân và tâm của mình bằng cách quan sát các tiến trình của chúng từng khoảnh khắc một ngay trong giây phút hiện tại. Để có thể thực hiện được sự quan sát này, chúng ta cần có chánh niệm (sati).

Một thuật ngữ, có nghĩa tương đồng với Vipassana, là satipanñña, có nghĩa là sự thiết lập chánh niệm. Chánh niệm cần thiết cho việc quan sát phân tích tâm và thân, đơn thuần chỉ như vậy thôi. Nó là một sự chú tâm khách quan, không thiên vị trên các đối tượng được quan sát, không có tư duy khái niệm xen vào trong sự quan sát.

Phải tự giới hạn lấy chính nó như vậy thì chánh niệm mới có được sự chú tâm sâu sắc trong việc ghi nhận sự sinh khởi và hoại diệt của một đối tượng danh hoặc sắc (thân hoặc tâm) y như nó đang thực sự xảy ra. Ví dụ, khi chúng ta có sự nhận thức rằng có tiếng động đang xảy ra, chánh niệm ngay lập tức ghi nhận "nghe, nghe" . Khi trí tuệ về việc nghe thấy cái gì đó đang sinh khởi, tâm sẽ ghi nhận việc nghe đó trong thực tế chỉ là một sự hay biết và không quan tâm gì thêm nữa bởi vì một tiến trình khác đã đang xuất hiện.

Sự " buông bỏ" này - không còn quan tâm thêm nữa ( về đối tượng) - là thiết yếu cho việc thiết lập một năng lực chánh niệm sắc bén. Nó cho phép chúng ta theo dõi một cách chính xác sự sinh khởi và hoại diệt của tất cả các tiến trình này.

Để hiểu được chánh niệm là gì và để có thể áp dụng nó một cách đúng đắn, chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa chức năng của chánh niệm với sự chú tâm bình thường của con người trong các hoạt động khác nhau của họ. Chánh niệm không phải chỉ là sự quan tâm nhiều hơn một chút so với sự chú tâm bình thường.

Chú ý ( manasikara ), theo nghĩa tổng quát của nó, là đang quan tâm đến một đối tượng, xem xét và đối chiếu nó với kinh nghiệm quá khứ cũng như dự đoán sự hữu dụng của nó trong tương lai – "Cái này tốt đây. Tôi muốn cái này ". Cái kiến thức cho rằng đối tượng là đẹp bắt nguồn từ một kinh nghiệm trước đó. Mong muốn có nó hoặc giữ nó là do kỳ vọng rằng nó sẽ đem lại cho chúng ta một sự dễ chịu tương tự trong tương lai. Do những nếp thói quen về sự thích và không thích này mà chúng ta quan tâm đến đến các đối tượng với các mức độ khác nhau.

Chánh niệm không phân biệt đối tượng. Giữa nó và đối tượng không có sức hấp dẫn và cũng không có sự xua đuổi. Chánh niệm chỉ đối mặt với những gì đang sinh khởi trong giây phút hiện tại mà không đánh giá đối tượng cụ thể như thế nào theo cảm xúc . Chánh niệm chỉ ghi nhận trong giây phút hiện tại, ngay ở đây và bây giờ .

Khi chúng ta ghi nhận đối tượng một cách chính xác, chúng ta sẽ thấy chúng sinh khởi và hoại diệt ngay tức khắc, và chúng ta cũng sẽ thấy rằng cái khoảnh khắc khi mà đối tượng biến mất đi cũng đã là quá khứ, không có cách nào để làm cho chúng quay ngược trở lại .

Mặc dù chánh niệm còn có một khía cạnh khác nữa là hồi tưởng lại những điều đã được ghi nhận trước đây, nhưng nó không bám víu vào những việc này. Chánh niệm không cho phép lãng quên sự việc. Do đó, nó ngược lại với sự hời hợt. Tương lai là điểm phát sinh ngay sau thời điểm hiện tại. Chúng ta không thể đoán được suy nghĩ kế tiếp của chúng ta sẽ là gì. Vì vậy, tương lai thì không chắc chắn .

Đặc điểm cụ thể của chánh niệm là trú trong hiện tại và không dạt xa ra khỏi đối tượng. Khi trong tâm chúng ta bắt đầu hình thành các ý tưởng về những gì đã được ghi nhận trước đó thì chánh niệm trở nên suy yếu. Trú trong hiện tại có nghĩa là trú trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi của một đối tượng khi nó đang thực sự hiện hữu và khi ta đang kinh nghiệm nó. Tuổi thọ của các đối tượng được trải nghiệm ngắn hơn nhiều lần so với thời gian chúng ta cần để chớp mắt.

Thường xuyên, nhớ lại tình huống trong quá khứ hay bận rộn với các kế hoạch của các sự kiện tương lai tạo điều kiện cho các suy nghĩ mang tính suy đoán sinh khởi. Kiểu tư duy này chỉ đơn thuần dựa trên các giả thuyết hay giả định vì vậy có thể trở thành sự thật hoặc không. Chỉ chính trong khoảnh khắc hiện tại bản chất thực của sự vật mới trở nên rõ ràng, do không bị chi phối bởi những ý nghĩ mang tính tưởng tượng.

Đừng để bị kích động bởi những gì đã cũ (đã qua), đừng hài lòng với những gì mới. Đừng đau buồn về những gì đã mất, đừng để lòng ham muốn kiểm soát (Kinh Tập, 944)

Điều này không có nghĩa là chúng ta chối bỏ sự suy nghĩ. Chúng ta phải suy nghĩ . Người ta phải suy nghĩ và ghi nhớ hoặc phải lên kế hoạch cho tương lai trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng mọi ý nghĩ , cho dù nghĩ về một sự kiện thuộc quá khứ hoặc tương lai đều là đối tượng (của chánh niệm) - là ý nghĩ trong khoảnh khắc hiện tại. Khi chánh niệm, chúng ta thấy những suy nghĩ này vì chúng không thể tách rời khỏi chúng ta. Chúng được tìm thấy trong mọi vấn đề, khắp mọi nơi. Cho dẫu chúng là gì đi nữa, những khoảnh khắc thoáng qua đó chẳng đảm bảo được chút gì cho sự việc sẽ xảy ra theo cách mà người ta kỳ vọng hay không, vì chúng đơn thuần chỉ là những giả định.

Kết quả của sự thanh tịnh hóa tâm qua việc " trú trong hiện tại " là chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng sự vật sinh khởi và hoại diệt ngay lập tức để tạo duyên cho một hiện tượng khác sinh khởi. Khi ghi nhận của chúng ta liên tục và sâu sắc, rồi thì chẳng còn có chỗ cho các suy nghĩ , ngoài những ý tưởng liên quan đến sự ghi nhận.

Để giúp cho việc quan sát, ghi nhận các tiến trình thân và tâm này được chính xác và liên tục hơn, chánh niệm cần có một đối tượng chính (đề mục) của nó. Đề mục đó có thể là thuộc thân hoặc tâm.
Đức Phật đã dạy bốn nền tảng (xứ) căn bản để thiết lập chánh niệm. Một trong số chúng là thân (kaya), ba nền tảng khác thọ (vedana), tâm (citta) và pháp (dhamma)

Xứ đầu tiên, các tiến trình thân, có thể được dễ dàng ghi nhận hơn vì bản chất của chúng thô. Ví dụ, khi chúng ta quan sát chuyển động phồng và xẹp của bụng khi hít vào và thở ra, chúng ta dễ dàng cảm nhận những chuyển động này và ghi nhận chúng. Chuyển động là một trong những biểu hiện của thân hay sắc (rupa). Các cảm giác cứng, mềm, nóng, lạnh, và đẩy v.v... sinh khởi một cách rõ ràng trong thân và chúng ta có thể kinh nghiệm chúng. Mọi hành giả, nếu ngồi bất động trên gối ngồi thiền trong một thời gian, đều có thể trải qua kinh nghiệm khác nhau trong thân.

Các cảm giác trong thân đều do bốn yếu tố thiết yếu hoặc chính yếu tạo ra. Bốn yếu tố này kết hợp với nhau để tạo thành vật chất. Chúng gồm yếu tố đất (Patthavi dhatu) (cứng, mềm, giãn nở), yếu tố nước (Àpo dhatu) (kết dính, lỏng), yếu tố nhiệt hay lửa (tejo dhatu) (nóng, lạnh) và yếu tố gió (vàyo) ( chuyển động, di chyển). Bốn yếu tố này vận hành cùng nhau và không thể tách rời. Sự hiện diện của chúng được tìm thấy trong mọi vật chất.

Khi yếu tố đất chiếm ưu thế, chúng ta cảm nhận nó như là độ cứng. Khi yếu tố lửa dẫn đầu, chúng ta sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh (nhiệt).

Yếu tố gió tự thể hiện nó qua sự di chuyển, chuyển động. Yếu tố nước quá vi tế nên khó cảm nhận được trong cơ thể. Chúng ta chỉ có thể biết được yếu tố này qua sự nhận thức.

Chúng ta hãy lấy chuyển động phồng xẹp làm ví dụ. Vì đây là đề mục chính của chúng ta, vì vậy chúng ta lấy yếu tố gió làm đối tượng chính để quan sát. Mặc dù sự chuyển động luôn có mặt, nó không phải lúc nào cũng trội hơn yếu tố khác cùng vận hành với nó. Đôi khi cảm giác nóng thể hiện nó rõ ràng hơn sự chuyển động và chúng ta phải ghi nhận sự hiện diện của nóng v.v...

Đôi khi hành giả có thể nhận thấy các cảm giác khó chịu hoặc dễ chịu trong thân. Khi ghi nhận những cảm giác này hành giả tạm thời bỏ đối tượng chính của sự quan sát là sự phồng xẹp của bụng qua một bên. Lúc đó, hành giả không còn quán thân (kàyànupassanà ) mà đã chuyển sang quán các cảm giác hay quán thọ ( vedanànupassanà )

Tương tự như vậy, trong khi thực hành ta có thể nhận thấy một trạng thái của tâm khi nó phân tán hoặc tập trung, lờ mờ hay tỉnh táo, câu thúc hoặc thư giãn v. v... Trong lúc này, cụ thể, hành giả đang thực hành quán tâm.

Khi chúng ta ghi nhận sự sinh khởi của những cảm giác ham muốn, lo lắng, bồn chồn hoặc trải nghiệm niềm vui hoặc an bình nội tại, hoặc chúng ta cảm thấy năng lượng của chúng ta đang gia tăng v.v... chúng ta- trong lúc này- đang quán chiếu những đối tượng của tâm hay quán Pháp (dhammànupassanà).

Trong lúc chúng ta tạm thời chuyển sang ghi nhận các đối tượng khác nhau, sự chuyễn động của bụng vẫn tiếp tục tại đó. Sau khi đã quan sát và ghi nhận các hiện tượng khác thuộc về thọ, tâm hoặc pháp khi chúng đang sinh khởi đồng thời với sự phồng xẹp của bụng và trội hơn phồng xẹp, chúng ta lại quay về đề mục chính của mình (phồng xẹp).

Ghi nhận một cách chính xác sẽ đem lại cho chúng ta kiến thức đủ để ghi nhớ hiện tượng đã xảy ra, ngăn tâm trí không dính mắc xa hơn nữa vào chi tiết của những gì đã xảy ra trước đó.

Suy nghĩ về đối tượng được ghi nhận có nghĩa là chúng ta trong thực tế đã không còn nhìn sự vật y như chúng thực sự đang là. Ta không nên cố gắng phân tích kinh nghiệm theo kiểu của nhà thông thái trong khi đang thực hành vì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để ghi nhận sự sinh khởi của các hiện tượng khác.

Khi các tiến trình thân và tâm liên tục sinh khởi và hoại diệt trở này trở nên rõ ràng hơn, ý tưởng về tính ổn định, bám níu và nắm giữ của chúng ta bị lung lay. Trong dòng chảy của những thay đổi (vô thường) đang diễn ra mà hành giả đang quan sát một cách chánh niệm sẽ lóe lên một sự hiểu biết rằng không có gì tồn tại, không có gì là thực chất để hành giả (là người đang quan sát) có thể được gọi là một người đang nhận biết, một người đang suy nghĩ , một người đang hành động hoặc một người đang cảm nhận . Không có một cái ngã đang điều khiển, kiểm soát có thể được tìm thấy trong đó . Chỉ có sự sinh khởi và hoại diệt nối tiếp theo nhau trong một dòng chảy liên tục, trong đó không có gì được đem từ quá khứ đến hiện tại và không có gì có thể đem từ hiện tại đến tương lai.

Xu hướng của con người là bám níu và chấp thủ, nó mâu thuẫn với thực tại là sự thay đổi không ngừng ( vô thường ) và không có bất kỳ một cái ngã nào ( vô ngã ). Đây là những gì Đức Phật gọi là (dukkha) xung đột, bất hòa, bất toại nguyện .

Năng lực nội quán về bản chất nội tại của sự vật là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã ( anicca, dukkha, anatta) của hành giả - tuy còn yếu vì còn đang phát triển - là điều quan trọng vì nó thực sự làm suy yếu các chướng ngại của hành giả như ham muốn thái quá đối với các cảm giác, sự sân hận, lười biếng, bồn chồn và hoài nghi v.v... Chừng nào mà những chướng ngại này còn hiện diện thường xuyên trong tâm, chúng sẽ là gây trở ngại cho sự phát triển niệm và định.

Niệm và định cùng nhau làm việc để thiết lập một yếu tố quan trọng khác trong việc thực hành, cụ thể đó là sự hiểu biết rõ ràng hay tỉnh giác (sampajanna ). Hiểu biết rõ ràng giúp cho chúng ta hiểu ngay lập tức những gì đang được ghi nhận. Chính trí tuệ được sinh ra từ việc ghi nhận sắc bén, và trí tuệ này cho chúng ta thấy một chiều kích nữa của những gì được thấy mà không có sự suy tư xen vào trong sự quan sát, ghi nhận. Chánh niệm giống như một chùm ánh sáng soi sáng đối tượng khi nó có mặt và tỉnh giác thấy nó đúng với những đặc điểm của nó.

Loại định được sử dụng trong thiền Vipassana có chức năng hỗ trợ mạnh mẽ cho chánh niệm được duy trì liên tục. Do đó nó có đặc tính định trong từng khoảnh khắc một (sát –na định). Sát –na định (khaika samadhi) có khả năng song hành cùng với chánh niệm để theo dõi sự sinh khởi và hoại diệt của các đối tượng bằng cách duy trì một sự quan sát liên tục. Đây là loại định có sức mạnh thắng lướt các chướng ngại, giúp cho chánh niệm được sắc bén và giữ cho nó được liên tục.

Đôi khi hành giả không còn duy trì được định sát –na do đi vào định quá sâu, và điều này không còn phù hợp với việc thực hành Vipassana. Sát nay định nay đã trở thành định an chỉ và tâm chỉ còn quan tâm đến một đề mục duy nhất. Điều này có thể xảy ra khi thiền sinh kinh nghiệm những cảm thọ cực kỳ dễ chịu, chẳng hạn như trải nghiệm một niềm vui sâu sắc hoặc cảm thấy thân trở nên nhẹ nhàng v.v... Bị lôi cuốn bởi sự thú vị, dễ chịu, hành giả quên ghi nhận và để mọi thứ trôi qua. Tâm nắm lấy kinh nghiệm dễ chịu và muốn tận hưởng nó một thời gian. Kinh nghiệm như vậy có thể đưa hành giả đến kết luận sai rằng vị ấy đã đạt đến một giai đoạn nào đó của nội quán và đây là một trở ngại cho sự tiến bộ xa hơn.

" Cho dẫu hành giả có thể hiểu được điều gì từ sự quan sát bên trong hay bên ngoài, hành giả phải tránh tự hào về những nhận thức của mình. Bởi bậc trí nói rằng điều này không phải là một trạng thái thanh tịnh "(Kinh Tập 917)

Như đã nói trước đây, hiển nhiên điều quan trọng là hành giải phải giữ một sự tỉnh giác sắc bén trong mọi tình huống và không bám víu vào bất cứ đối tượng nào, cho dù là dễ chịu hay khó chịu. Nguyên tắc chính yếu trong việc thực hành Vipassana là hành giả phải giữ gìn chánh niệm.

Và rồi chánh niệm sẽ bảo vệ hành giả thoát khỏi tà kiến và si mê về những gì là chân thực hay không.

Khi chánh niệm đã được thiết lập mạnh mẽ hơn hành giả sẽ thấy hiệu quả của nó trong tất cả mọi hoạt động. Do kiên trì thực hành Vipassana, hành giả dần dần có một thói quen chánh niệm tự nhiên, năm khía cạnh cho thấy chánh niệm có tầm quan trọng cụ thể. Đó là:

1. Chức năng của nó là ghi nhận khoảnh khắc sinh khởi của một đối tượng ;

2 . Đặc tính không thiên vị, vô tư của chánh niệm;
3 . Khả năng làm chậm lại các hoạt động của hành giả, tạo cho họ cơ hội để quan sát chính xác;

4 . Sát –na định giữ cho tâm tập trung vào giây phút hiện tại.

5. Sự sinh khởi của tỉnh giác là kết quả của việc tâm được luôn giữ tỉnh táo, hay biết rõ ràng.

- Trong trường hợp rối ren phát sinh trong tâm trí, hành giả có thể bình tâm để đối phó với chúng hơn trước. Hành giả có thể buông bỏ chúng dễ dàng trước khi chúng trở nên quá mạnh và áp đảo hành giả.

 

- Tâm có xu hướng trở nên dễ bảo hơn và sẽ dễ dàng trú trong hiện tại. Gọng kềm của những thói quen được lập trình trong tâm mất dần đi sức mạnh của chúng do năng lực nội quán ngày càng phát triển và tâm hiểu rằng những gì trong quá khứ đã hoàn toàn thuộc về quá khứ .

 Do tà kiến, hành giả nhận thấy mối quan hệ giữa nhân và quả không rõ ràng . Điều này thường đưa hành giả đến những kết luận sai lầm. Hiểu biết rõ hơn về những gì đang có mặt trong hiện tại sẽ tạo cho hành giả một sự thận trọng trong hành vi của mình, nhận ra rằng những nhân mới , với quả trong tương lai của chúng là được tạo ra trong hiện tại. Do đánh mất giây phút hiện tại, mơ mộng đâu đó, say mê chạy theo sự tưởng tượng, có thể đưa hành giả đến rối rắm nếu mọi thứ trong thực tế hóa ra khác xa với những gì mà hành giả mong đợi. Khi phải đối mặt với kết quả của việc làm của mình, chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kỳ một ngoại lực hay tình huống bên ngoài nào đã xúi bẫy cho việc làm và hành động của chúng ta.

Trong việc thực hành Vipassana , qua việc ghi nhận và hiểu biết rõ ràng, chúng ta sẽ dần dần hiểu rằng bằng cách nào mà những điều kiện đang xuất hiện trong chính tâm chúng ta và bằng cách nào mà đến lượt chúng, lại hình thành những điều kiện mới cho sự sinh khởi cho các tiến trình tâm và thân khác.

Giá trị tình cảm của các thói quen bám chặt trong tâm dựa trên sự đánh giá về người và vật, kể cả hoạt động của chính chúng ta sẽ giảm bớt. Khi chúng ta phản ứng với sự vật, mọi thứ trở nên mơ hồ và rối rắm do cảm xúc đưa vào trong các phản ứng đó đã không được hiểu một cách đúng đắn.

Không phải chính vì sự tiếp xúc của mắt với các cảnh sắc hay sự tiếp xúc của tai đối với cảnh thinh mà ta có sự dễ chịu hoặc khó chịu. Trong trường hợp đó, chúng ta rất khó để mà giác ngộ vì chúng ta không thể nhắm mắt , bịt tai v.v... Sự dễ chịu hoặc khó chịu đó sở dĩ có là do tâm tạo sự phân biệt, và đó cũng chính là cách mà tâm tạo nguồn thức ăn cho các hoạt động của chính nó.

Chỉ việc đi đến cây thông và quan sát nó thật kỹ, chúng ta sẽ học hỏi nhiều điều từ cây thông. Tương tự như vậy, nghiên cứu tâm (nàma) và thân (rupa) sẽ tiết lộ cho chúng ta một điều gì đó rõ ràng hơn về bản chất cố hữu của chúng. Khi chúng ta có được cái kiến thức cho phép chúng ta nhìn thấy sự vật y như chúng thực sự là, có nghĩa là chúng ta đã có được chánh kiến hay trí tuệ (panna).

Chú thích:

[*] Khi chúng ta buông lỏng dòng ý thức và quan sát nó, chúng ta sẽ thấy tâm có khuynh hướng đi ngược về quá khứ hoặc phóng tới tương lai. Chúng ta sẽ thấy tâm bị cuốn hút vào những lo toan của công việc, suy nghĩ, toan tính cho các dự án của tương lai. Khi hồi tưởng về quá khứ, về những việc mà chúng ta đã làm khiến cho "cái tôi, cái ta" của chúng ta không hoàn hảo dưới mắt của mọi người chung quanh (theo quan niệm tốt- xấu, đúng -sai mà tâm của chúng ta đã bị lập trình qua sự giáo dục của gia đình, học đường, theo quan niệm xã hội ...), tâm của chúng ta sẽ phản ứng dữ dội vì sự hối tiếc. Đây là ý của tác giả khi nói "Con người bị những phản ứng như vậy tấn công suốt cả ngày."

Theo: Practical guidelines for Vipassana

Source: www.thienvienphuocson.net

Hướng dẫn thực tiễn cho việc thực hành Vipassana (Phần Cuối) 

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box