ĐỪNG BỎ QUÊN CHÁNH NIỆM
Thời gian đầu, khi tôi bị chìm trong trầm cảm và tôi bắt đầu thử thực hành tại nhà, tôi đã thấy được những cảm xúc khó khăn của mình vì chúng trở thành động lực rất lớn để tôi giữ chánh niệm mới bớt được trầm cảm. Ngay khi trầm cảm đỡ hơn, thì tôi bắt đầu đánh mất động lực để chánh niệm. Tôi quay lại những ngày tháng cũ của mình, nói chuyện, vui đùa với hàng xóm và các bạn hàng bên cạnh, hay khách hàng. Rồi một số phiền não đã đánh rất mạnh vào tâm tôi, hoặc đánh vào điểm đau nào đó mà toàn bộ những nỗi niềm cũ: lo lắng, sợ hãi, cảm giác tội lỗi, hay xấu hổ đã quay trở lại, và tôi lại bị nhấn chìm trong đó trở lại. Quan sát tất cả những nỗi sợ và cảm xúc cũ cũng giúp làm nhẹ đi một chút. Nhưng mới khi tốt lên được một chút thì tôi lại quên. Giống như người ta cứ đi ngang và vỗ hay đánh hay đấm mạnh vào tôi về tâm lý vậy. Đó không phải là dự định của họ, chỉ là tâm tôi không đủ mạnh để có thể trầm tĩnh trở lại. Sau rất nhiều tháng, khi thấy được tâm đã bị kích động hàng ngày một cách dễ dàng, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tại sao tôi lại bước trở lại vòng xoáy này. Tôi đã phải chịu đựng rất nhiều rất nhiều lần như vậy. Rồi tôi nhận ra rằng, tôi đã quá thả lỏng bản thân và không đủ chánh niệm. Khi tôi bắt đầu cảm thấy khá hơn, tôi bắt đầu nghĩ “Mình không thể ngừng việc chánh niệm được”. Kể cả khi tôi đã thấy tốt hơn và không có việc gì làm, thì tôi cũng không lãng phí thời gian đi nói chuyện phiếm, và tôi luôn chánh niệm vào một cái gì hay một ai đó.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần khi có người bước tới nói chuyện với tôi. Người khác cũng có thể đầy những phiền não, họ đến và xả bớt phiền não lên chúng ta. Nếu chúng ta không chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đón nhận thì chúng ta sẽ bị tác động và bị lan truyền phiền não. Kể cả với thành viên gia đình, tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi không thể nào thả lỏng được. Tôi không thể nào đánh rơi chánh niệm được. Chánh niệm của tôi trở nên tốt hơn và liên tục hơn. Đây là cách chúng ta học được từ cuộc sống – thất bại và khó khăn sẽ dạy cho chúng ta.
Ôn lại những gì diễn ra trong tâm là việc làm của trí tuệ.
ÔN LẠI VIỆC ĐÃ QUA
Thầy tôi luôn hỏi tôi về cách tôi thực hành, và đó cũng là điều mà tôi hỏi bạn lúc này đây “Bạn đang làm gì?” hay “Có gì đặc biệt hay khác biệt hôm nay không?” là những câu hỏi mà thầy tôi đã hỏi tôi. Thiền sinh thường thực hành sẽ biết câu trả lời trong khi người không thực hành sẽ không biết.
Nhìn lại những gì diễn ra trong tâm là công việc của trí tuệ. Lúc đầu, chúng ta quan sát cơn giận, chúng ta chỉ quan sát thôi. Việc nhìn lại điều đã diễn ra, giúp đặt ra một hướng đi cho tâm và tạo ra một bản đồ về những gì cho chánh niệm trong tương lai. Bạn có một tình huống mà bạn cân nhắc ở nhiều góc độ và quyết định thử hành thiền theo một cách nào đó vào lần tới. Khi lần tới đến, bạn nhớ lại và thử theo cách khác đó. Nếu bạn quên, thì hãy đưa ra ý định sẽ thử lại lần sau. Khi bạn chơi game với những bối cảnh diễn ra lặp đi lặp lại, bạn sẽ trở thành một chuyên gia biết trước lúc nào nên làm gì và không nên làm gì.
Nếu bạn muốn cải thiện, trước tiên, bạn phải làm việc không ngừng dù chỉ là một chút nghỉ ngơi. Bạn phải dùng trí tuệ của mình, quyết định xem cái gì thuần thục cái gì không. Bạn cần đánh giá sự thực hành của mình cho chính bạn. Giống như làm ăn thì bạn phải khôn khéo và học từ sự thực hành của mình.
Khi bạn hay biết được điều gì đang diễn ra trong tâm, thì bạn bắt đầu ghi nhận được những điều không mong muốn và sẽ muốn thay đổi điều đó. Đây là sự khởi đầu. Tất cả những bài học đều ở ngoài kia chờ bạn đi qua để học hỏi. Sau đó, nếu bạn có thể nhờ vậy mà hiểu được điều sai là sai bạn sẽ không lặp lại điều đó nữa.
Đừng cố làm bất cứ điều gì,
Đừng cố ngăn trở điều gì,
Nhưng đừng quên điều gì đang diễn ra.
Đây là những gì thầy tôi, Shwe Oo Min Sayadaw, đã hướng dẫn. Trong 2 dòng đầu, thầy đã nói về kinh nghiệm điều đang diễn ra. Chánh niệm có thể làm việc, nhưng phải không được cố ý để thay đổi trải nghiệm. Bạn phải để mọi việc diễn ra theo cách vốn dĩ mà không có sự can thiệp. Để mọi thứ khai mở một cách tự nhiên. Việc của bạn là quan sát, hay biết, học hỏi, và lại kinh nghiệm. Khi bạn nhìn lại kinh nghiệm không ngừng, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những nguyên tắc trong đó và sau đó, bạn sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh. Giá trị của việc hành thiền sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn chuyên tâm thực hành trong suốt thời gian dài. Càng kinh nghiệm, bạn sẽ thấy càng sâu hơn. dhamma rất vi tế và bạn sẽ thấy điều này khi bạn thực hành lâu dài.
Điều gì đang diễn ra trong tâm và điều gì đang diễn ra trên thân ngay lúc nào? Một trạng thái tâm quan hệ với trạng thái tâm khác như thế nào? Bạn muốn có được hứng thú trong bản chất của thân và tâm, hãy giữ những khái niệm hay câu chuyện bên lề từ bây giờ. Khi trí tuệ có được sức hút và phiền não tất nhiên sẽ giảm gi, bạn sẽ thấy rằng thật ra không có nhiều vấn đề đến vậy. “Vấn đề” khởi sinh khi có mặt nhiều tham, sân, hay si. Khi chúng ta không chấp nhận mọi thứ như chúng vốn dĩ, thì chúng ta sẽ kiệt sức với mong muốn chuyện không như vậy hoặc mong muốn tống những điều đã diễn ra đó đi.
Tâm tìm kiếm sự đa dạng, mới lạ, và tươi mới, rồi trở nên lười biếng hoặc nhàm chán khi không được thỏa mãn. Nếu chúng ta nghĩ rằng có một trải nghiệm nào đó kéo dài hơn chúng ta muốn thì chúng ta đã không quan sát đúng cách. Không có khoảnh khắc nào giống nhau. Mỗi một khoảnh khắc đều mới và mỗi khoảnh khắc đều thay đổi. Thậm chí, nếu một trải nghiệm trông có vẻ trung tính nhưng chúng ta vẫn có thể thấy được sự thay đổi ở mức vi tế.
Sayadaw U Tejaniya
Trích “Thu Nhặt Bụi Vàng”
Người dịch; Pháp Hỷ