TIẾP TỤC THỰC HÀNH
Pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ có thể được áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Nó không khó chút nào cả. Mọi người thấy nó khó chẳng qua bởi vì họ thiếu sự thực hành đầy đủ. Điều quan trọng là bạn phải cố gắng một cách chân thành trong sự thực hành của mình. Qua kinh nghiệm, bạn sẽ tự mình thấy rằng nó thật là đơn giản. Nếu chúng ta có được một thái độ kiên trì và cố gắng bền bỉ trong thực hành như trong công việc làm ăn hay trong nghề nghiệp của mình, thì nó sẽ đến với bạn dễ dàng hơn nhiều.
Thật không may là hầu hết mọi người đều tin rằng họ không có đủ thời gian để nuôi dưỡng và trân trọng Giáo Pháp; họ luôn quá bận rộn làm ăn kiếm sống. Nhưng bạn không nên lo lắng về việc phải dành thời gian cho sự thực hành; chỉ cần đơn giản tự nhắc nhở mình chánh niệm trong các công việc hàng ngày của mình là đủ. Hãy kiên nhẫn để thu hoạch đuợc chánh kiến, sự hiểu biết đúng đắn cũng như những kỹ năng cần thiết. Nếu bạn thực hành nhiệt tâm, hết mình, kiên trì và bền bỉ, không sớm thì muộn bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.
Một khi đã thực sự hiểu được lợi ích của việc thực hành, bạn sẽ không bao giờ ngừng lại; bạn sẽ luôn tiếp tục thực hành dù ở bất cứ nơi đâu. Khi bạn đã thực sự có thể vận dụng Giáo Pháp vào trong cuộc sống của mình và bắt đầu thấy được sự khác biệt do nó mang lại, thì khi đó tính chất của Pháp sẽ trở nên rõ ràng, hiển nhiên. Giáo Pháp sẽ trở nên sống động và thực sự có ý nghĩa đối với bạn.
Trường thiền chỉ là một nơi để bạn học hỏi, một trại huấn luyện hay một cuộc hội thảo về chánh niệm mà thôi. Hãy tiếp tục thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Đừng nghĩ rằng đó là một việc làm khó khăn. Hãy cố gắng lại nhiều lần. Phát triển chánh niệm là công việc của cả một đời người; không cần phải vội vàng hay lo ngại điều gì cả. Điều quan trọng là bạn học cách thực hành đúng đắn để có thể áp dụng một cách hiệu quả những điều đã học vào trong cuộc sống hàng ngày. Khi bạn đã có thể áp dụng những điều mình học hỏi vào trong bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống, thì khi đó chánh niệm của bạn còn cao siêu hơn cả thứ chánh niệm thu được khi khoanh tay kinh hành đi lại ở trong thiền viện mà thôi.
Bạn sẽ sống hạnh phúc hơn, hoà hợp và thân ái hơn với mọi người nếu bạn có chánh niệm, hay biết rõ ràng bất cứ việc gì mình làm, ở bất cứ nơi đâu. Điều này chỉ có thể đến dễ dàng khi pháp hành đã duy trì được đà quán tính; nó chỉ có được khi đã có chánh niệm tự nhiên, khi chánh niệm đã trở thành một con người thứ hai của bạn.
Khi bạn có được một kinh nghiệm mới trong quá trình thực hành, đừng diễn dịch nó theo những điều bạn đã từng đọc hay nghe ở đâu đó. Nếu những hiểu biết bạn đạt được qua kinh nghiệm đó là thực, thì tuệ giác hay trí tuệ sẽ mang lại một sự thay đổi thực sự trong cách nhìn của bạn, thay đổi những thói quen, suy nghĩ và ngay cả thái độ ứng xử của bạn nữa. Tuệ giác có giá trị gì đâu nếu nó không giúp được cho bạn trở nên ngày một tốt đẹp và hướng thượng hơn, đúng không?
*Thiền sinh: Xin thầy cho chúng con lời khuyên làm thế nào để thực hành trong cuộc sống ở ngoài thiền viện?
Thiền sư: Bạn muốn sống cuộc sống của mình ở thế giới bên ngoài như thế nào? Nếu bạn thực sự muốn thực hành Pháp thì tâm sẽ tự tìm ra được cách thích hợp. Chỉ khi bạn đã thực sự hiểu được giá trị của pháp hành thì tâm mới thực sự sẵn sàng để tinh tấn bền bỉ thực hành Pháp trong cuộc sống hàng ngày được. Cho dù bạn đã từng học được bao nhiêu kỹ thuật, bao nhiêu phương pháp thiền đi chăng nữa, nhưng nếu tâm bạn không thực sự khao khát thực hành Pháp trong cuộc sống thì bạn cũng chẳng thể áp dụng được bất cứ phương pháp nào ở ngoài đời được đâu. Một cái tâm đã hiểu được lợi ích của pháp hành nó sẽ tìm ra được thời gian và cách thức thích hợp để áp dụng những gì đã học được trong thời gian tu tập ở thiền viện.
Người nào thực sự quan tâm đến phẩm chất tâm của mình sẽ luôn luôn để mắt đến nó trong mọi lúc. Họ sẽ học cách giữ gìn phẩm chất tâm cao thượng đó của mình một cách tốt nhất. Nếu bạn thấy được sự khác biệt vô cùng lớn của tâm mình khi có chánh niệm và khi thất niệm thì tự nhiên bạn sẽ chỉ muốn chánh niệm ngày càng thường xuyên hơn mà thôi. Đó chính là điều mà tôi vẫn thường hỏi các thiền sinh xem họ có biết được phẩm chất tâm của mình hay không, có thấy rõ sự khác biệt giữa tâm chánh niệm và tâm không có chánh niệm hay không.
Thiền sinh: Con hy vọng là sẽ tìm được một công việc phù hợp không có quá nhiều sức ép. Nhưng con cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục thực hành hết sức trong cuộc sống hàng ngày.
Thiền sư: Đúng vậy, khi có quá nhiều sức ép, quá nhiều căng thẳng thì sẽ rất khó để thực hành. Hãy cố gắng học hỏi từ những khó khăn ở chính ngay trong công việc. Cái gì làm tâm mình lo lắng bất an? Tại sao bạn mất chánh niệm? Tại sao tâm ham muốn thế? Có cần thiết phải vội vàng như vậy không? Quán chiếu theo cách đó sẽ giúp bạn đối phó với mọi khó khăn một cách khéo léo hơn, và ngăn chặn không cho những trạng thái tâm bất thiện làm chủ mình.
Thiền sinh: Vâng, nhưng con phải làm thế nào để giữ chánh niệm được trong một công việc mà luôn đòi hỏi mình phải làm nhanh, làm đúng và làm hiệu quả để hoàn thành đúng thời hạn?
Thiền sư: Hãy làm hết sức mình có thể làm được. Hãy biết tận dụng và quý trọng từng giây phút, từng cơ hội để thực hành chánh niệm. Trong khi làm việc, hãy cố gắng hay biết xem mình đang cảm thấy ra sao, mình đang có những trạng thái tâm như thế nào. Nhưng đừng cố tập trung quá mức, hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng, buông xả. Nếu bạn dồn sức cố gắng quá mức để thực hành chánh niệm thì sẽ không thể làm việc hiệu quả được đâu. Nếu bạn tập trung quá mức cho công việc thì bạn cũng không thể thực hành chánh niệm được. Bạn cần phải tìm ra được mức độ nào là hợp lý cho mình nhất.
Thiền sinh: Vâng ạ, con sẽ cố gắng thực hành theo. Xin thầy cho con lời khuyên làm thế nào để thực hành chánh niệm trong lúc nói chuyện. Công việc văn phòng luôn đòi hỏi phải nói chuyện trên điện thoại rất nhiều và con cũng thường xuyên phải trao đổi với đồng nghiệp nữa.
Thiền sư: Điều đó cần phải có quá trình thực hành rất nhiều mới được. Mỗi khi nói chuyện điện thoại hay khi có ai đó đang tiến tới gần bạn để bắt chuyện, hãy cố gắng nhớ kiểm tra lại xem mình đang cảm thấy như thế nào. Bạn nghĩ thế nào về người đó hay cảm nhận như thế nào về họ? Trong suốt cả ngày, dù là bạn có làm việc hay không, cũng phải tập một thói quen thường xuyên kiểm tra lại xem mình đang phản ứng, đang ứng xử với trạng thái tâm như thế nào mỗi khi bạn giao tiếp với người khác. Khi chuông điện thoại kêu bạn cảm thấy như thế nào? (bực bội vì bị ngắt quãng công việc, hay vui mừng chờ mong, hay hồi hộp lo lắng, hay mệt mỏi thờ ơ?). Bạn có nóng lòng muốn chộp ngay lấy điện thoại nghe không? Bạn cần phải tập thói quen nhận biết tất cả những việc như thế.
Sayadaw U Tejaniya
Trích “ Đừng Coi Thường Phiền Não “
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “
Người dịch; Sư Tâm Pháp