CHÁNH NIỆM (SATI)
Chúng ta nên hành thiền với thái độ hay quan điểm nào? Trong phần I của quyển sách này, chúng ta sẽ định nghĩa một số phẩm chất tâm hiện diện khi hành thiền.
Trước hết, chúng ta sẽ phải bắt đầu với thái độ của chính chánh niệm. Đây chính là xương sống của việc thiền tập và là cơ sở để cân bằng các yếu tố khác. Rất nhiều hành giả cho rằng chánh niệm nghĩa là tập trung vào một đề mục và ráng sức giữ sự nhận biết trên đề mục đó với rất nhiều năng lượng. Thực ra, chúng ta không cần tốn nhiều năng lượng đến thế. Chánh niệm mà chúng ta đang tìm kiếm xuất hiện tự nhiên: chúng ta không đi tìm kiếm chánh niệm, chúng ta chỉ đơn giản là quay lại chú ý đến sự thay đổi theo chu kỳ của tự nhiên. Chánh niệm nghĩa là ghi nhớ, không quên đề mục, chỉ cần biết là bạn đang hay biết. Ví dụ, bạn đang ngồi hoặc đang nằm đọc sách. Bạn có biết là mình đang ngồi hay đang nằm không? Bạn có biết mình đang đọc sách không? Có mà đúng không? Thật tuyệt! Đó chính là chánh niệm. Bạn phải tiêu tốn bao nhiêu năng lượng để làm được điều này? Có mệt mỏi hay khó khăn lắm không? Không hề đúng không? Vậy, bạn có thể hành thiền. Khi thức dậy vào buổi sáng và mở mắt ra, chúng ta bắt đầu thấy cảnh vật xung quanh, nhưng chúng ta không biết mình đang thấy bởi vì chúng ta không có chánh niệm. Khi nói về chánh niệm, tôi thích dùng những từ như là nhận biết và ghi nhận; tôi không thích dùng từ cố gắng và tập trung vì chúng quá gay gắt.
Chánh niệm (sati) nghĩa là ghi nhớ, nhận biết và không quên. Bạn quên những gì? Cái nào là thiện, cái nào là chân chánh. Bản chất tự nhiên của tâm là sự tỉnh thức, tại đó không có gì được tạo thành; không có bất cứ một điều kiện nào, chỉ là sự hay biết đơn thuần; chúng ta có thể an trú trong đó. Loại chánh niệm nào mà một thiền sinh cần đến? À, nếu bạn chánh niệm, vậy là đã đủ rồi. Không cần phải cố gắng hoặc dồn sức nhìn rõ từng chi tiết những gì bạn đang kinh nghiệm. Điều tối quan trọng là tăng sức mạnh của tâm bằng chánh niệm liên tục. Khi tâm trở nên mạnh mẽ hơn, nó sẽ tự làm việc của nó một cách tự nhiên. Nhìn thấu các chi tiết tinh tế hơn là công việc của trí tuệ, điều này tự nhiên xảy đến khi tâm ngày càng mạnh mẽ hơn. Công việc của bạn là giữ chánh niệm liên tục. Hãy thận trọng với mức năng lượng bạn đang dùng để chánh niệm ở mỗi thời điểm. Mỗi khi nhắc nhở bản thân giữ chánh niệm hoặc nghĩ về chánh niệm thì tự nhiên chánh niệm sẽ hiện diện ở đó. Chúng ta trở nên chánh niệm mà không cần dùng thật nhiều năng lượng, chỉ cần có sức mạnh của tư duy chân chánh. Nếu trong thâm tâm ta luôn có ý định giữ chánh niệm thì chánh niệm rốt cuộc sẽ luôn tự quay về. Vậy chúng ta phải chánh niệm trên đề mục nào? Chúng ta cần nghiên cứu cái gì? Chúng ta đều có những phẩm chất thiện và bất thiện trong tâm, những thứ bất thiện ta gọi là phiền não.
Việc hành thiền thực chất là nuôi dưỡng những phẩm chất thiện đang có và giúp chúng có thêm sức mạnh. Việc thực hành Tứ Niệm Xứ (satipathāna) có nghĩa là dùng sati, hay chánh niệm, để vun bồi các tâm thiện. Khi thiền, luôn có hai phần, một là đối tượng, chính là thứ bạn đang nhận biết và hai là tâm, chính là thứ đang làm công việc nhận biết - ta gọi đó là đề mục quan sát và tâm quan sát. Việc hành thiền hoàn toàn được thực hiện bởi tâm quan sát, còn những đề mục đang được quan sát không quyết định gì đến việc hành thiền. Trong kinh Niệm Xứ (Satipathāna sutta), bốn đề mục căn bản được đề cập là: thân, thọ, tâm và pháp (các hiện tượng, quy luật tự nhiên). Những đối tượng có thể được quan sát này thì luôn tồn tại, luôn ở đó; nhưng chánh niệm (sati) – tâm nhận biết đề mục, hay định (samādhi)– sự định tâm thì không phải lúc nào cũng có mặt. Niềm tin vào pháp hành (saddhā), trí tuệ (paññā) và chánh tinh tấn (viriya) không phải lúc nào cũng hiện diện. Nếu không có chánh niệm, thì chắc chắn là si (moha), tham (lobha) và sân (dosa) sẽ có mặt. Cứ như thể chỉ có một cái ghế mà hai người giành nhau ngồi vào: nếu sati và samādhi cùng hiện diện thì những phiền não sẽ phải đứng nhìn vì cái ghế đã bị chiếm mất rồi. Chánh niệm liên tục sinh lên và mất đi; nó không bền vững. Tôi thường nghe các hành giả được thầy của mình yêu cầu phải liên tục quan sát sự sinh diệt.
Một hành giả nói với tôi “Sayadaw, con đã đạt đến trạng thái luôn có chánh niệm, nó không mất đi nữa.” Tôi nói “Đừng làm nó mất đi; con đã làm việc chăm chỉ để được như thế, hãy kiên nhẫn, hãy thư giãn trong chánh niệm, khi nào có đủ trí tuệ, con sẽ hiểu nó cũng sinh diệt đó thôi.” Bạn sẽ hiểu được rằng thấy một cái gì đó đến rồi đi không phải là cái thấy bằng mắt thường; nó là hiểu biết, là tuệ minh sát. Khi không thể nhận diện được chánh niệm, chúng ta dùng một cái neo, một nơi nào đó trên thân thể, hoặc nhận biết hơi thở, thứ gì đó mà tâm dễ thấy, chỉ để tạo nên sự liên tục. Vậy thì, sinh và diệt ư? Không cần phải nhấn mạnh điều này; tuệ minh sát sẽ sinh khởi khi tâm cân bằng và khi có đủ duyên. Chính tâm đang hành thiền – vậy chẳng phải là trông nom tâm quan trọng hơn đề mục sao? Sai lầm lớn nhất của thiền sinh là hành thiền với tâm phiền não. Những phiền não này – tham và sân (lobha và dosa) – chính là những thứ thường xuyên định hình nên thái độ hành thiền của hành giả, tạo nên những phiền não không đáng có.
Ví dụ, khi tôi đeo một cặp kính màu đỏ, tất cả những gì tôi thấy đều được nhuộm đỏ. Cũng tương tự như thế, khi hành thiền với bất kỳ phiền não nào trong tâm, cách bạn nhìn cuộc sống sẽ luôn nhuốm màu phiền não đó. Bằng cách chánh niệm, bạn bắt đầu nhận ra tâm trí của mình và để tâm mình tự làm việc của nó. Bạn có thể nhìn và biết tâm thông qua các chức năng khác nhau: biết, suy nghĩ, cảm thấy, muốn, tập trung, v.v..., và ngay cả bản thân chánh niệm, như tôi vừa giải thích. Bạn có biết tâm đang tập trung, đang biết rằng bạn đang đọc sách? Tâm đang làm gì để bạn có thể biết điều này? Bạn biết vì tâm đang có chánh niệm và đang chú ý đến chính nó. Đây không phải là suy nghĩ, chỉ là chánh niệm thôi. Khi bạn đi vệ sinh, cái gì ra trước: Phân hay nước tiểu? Lần tới hãy kiểm tra xem mình có thể chánh niệm về chuyện này không nhé. Khi mở cửa bước vào, phần nào vào trong trước: chân hay đầu của bạn? Sai rồi – là tay của bạn. Tôi biết, đó là một câu hỏi gian lận vì tôi đã không đề cập đến bàn tay khi hỏi. Chúng ta phải nỗ lực chánh niệm và duy trì chánh niệm, nhưng chúng ta không được dùng chánh niệm để thay đổi các kinh nghiệm của mình. Thầy tôi hướng dẫn vấn đề này rất đơn giản “Đừng cố làm gì, đừng cố ngăn cản cái gì nhưng cũng đừng quên chuyện gì đang diễn ra.” Anh trai tôi từ Mỹ trở về thăm nhà, chúng tôi đang hàn huyên trên lầu nhà ba mẹ thì tôi nhận ra anh ấy khá căng thẳng. Tôi hỏi chuyện gì thì anh ấy trả lời “Anh mới mất cái đồng hồ. Anh tháo ra vì mồ hôi tay nhiều quá. Cái này mắc lắm, anh đã tìm khắp nơi rồi mà không thấy đâu cả.” Tôi nói anh ấy xuống tìm trên bàn ăn dưới nhà và sẽ thấy nó. Anh tôi đi xuống và thấy cái đồng hồ ở đó. Anh ấy nói: “Làm sao cậu biết được? Cậu đã có thần thông rồi à?” Không, tôi không có chút thần thông nào.
Tôi đơn giản đã rất chánh niệm ngay từ khi đến và đã phát hiện ra những thứ bình thường trong phòng không có. Mỗi thứ tôi thấy đều đi thẳng vào bộ nhớ và khi anh ấy đề cập cái đồng hồ, tôi nhớ ra mình đã thấy nó. Đó là chánh niệm đang vận hành. Tâm hay biết và sẽ dùng một khái niệm, trí nhớ để giúp chúng ta vận dụng trong mỗi thời điểm nhất định. Các khái niệm rất cần cho sự tồn tại của chúng ta và giữ chánh niệm về chúng sẽ nâng cao khả năng phát triển trí tuệ của tâm.
Sayadaw U Tejaniya
“Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên “