Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Tại sao chúng ta phải thực hành trong mọi lúc?
Tại sao chúng ta được yêu cầu phải thực hành liên tục trong mọi lúc?

Bởi vì tâm thu thập dữ liệu thông qua việc chánh niệm liên tục từng khoảnh khắc. Khi dữ liệu đã đầy đủ, hiểu biết sẽ sanh khởi. Chỉ khi chúng ta thực hành kiên trì liên tục và đúng hướng thì mới xây dựng được đà quán tình và trí tuệ mới tăng trưởng. Bạn tới trường thiền này để thực hành và học cách thực hành khéo léo để có thể mang thiền tập về nhà với mình

Vai trò của chánh niệm chỉ là thu thập dữ liệu. Trong quá trình đó luôn có sự khao khát muốn biết. Chánh niệm thực hiện vai trò hay biết mọi thứ đang diễn ra. Nó biết tâm đang chuyển hướng tới lui, các cảm xúc và những gì đang diễn ra.

Câu trả lời sẽ đến khi bộ sưu tập dữ liệu đã hoàn chỉnh. Nó không thể sanh khởi khi vẫn còn thiếu sót một vài dữ liệu nào đó. Tuy nhiên, bạn có thể tăng mức độ hứng thú và tò mò trong tâm bằng cách đặt ra một số câu hỏi. Giải pháp sẽ đến với bạn khi đã có đủ dữ liệu cho vấn đề. Khi chưa có chánh niệm hoàn chỉnh, nó chỉ hay biết được những đề mục ở mức độ thô. Hiện tại bạn có thể có chánh niệm và sự ổn định nội tâm, nhưng bạn cần phải tiến lên mức độ vi tế hơn từ mức thô và hời hợt bây giờ. Đó chính là quá trình hoàn thành các nhân duyên cho đầy đủ.
Chánh niệm sắc bén có thể thấy được những hoạt động bên trong của tâm. Nếu chỉ có chánh niệm phiến diện thì sẽ không thấy được tất cả những nhân duyên đang có mặt. Có thể bạn sẽ thấy tham và sân không có mặt, nhưng với chánh niệm sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy tâm si vẫn luôn luôn hiện diện. Các thiền sinh vẫn trình pháp rằng họ không thấy có tham và sân trong tâm, nhưng đó chỉ là những quan sát rất hời hợt trên bề mặt. Họ vẫn chưa thực sự nhìn được sâu bên dưới. Một mức chánh niệm mạnh và một nội tâm ổn định là điều cần phải có để thấy ở những mức độ vi tế hơn. Đó chính là ý của tôi khi nói bạn cần phải duy trì được một nội tâm ổn định trong một thời gian dài.Nếu làm được điều đó (mà nó cần sự có mặt của trí tuệ), khi bạn đặt câu hỏi, câu trả lời sẽ đến.

*Thiền sinh: Có nghĩa là con chỉ cần tiếp tục kiên trì thực hành như thế phải không ạ. Thế nếu con chỉ kiên nhẫn luôn tự nhắc mình chánh niệm, dù bất cứ việc gì xảy ra, thì tâm có trở nên tĩnh lặng và bắt đầu có hiểu biết được không?
Thiền sư: Có. Mức độ hiểu biết phụ thuộc vào trình độ tu tập của bạn, phụ thuộc vào việc bạn thực hành miên mật như thế nào. Lúc đầu bạn phải cần rất nhiều chánh niệm để xây dựng nên nền móng. Vì tự chúng ta chưa có được những hiểu biết của chính mình nên bạn cần phải dựa vào những nguồn thông tin trợ giúp bạn trong quá trình thực hành. Sau một thời gian thực hành chúng ta sẽ bắt đầu có được một chút ít hiểu biết, một chút ít trí tuệ.
Miễn là bạn tiếp tục duy trì thực hành đều đặn thì vẫn có thể giữ được mức hiểu biết này. Nếu không thực hành nhiệt tâm, hết mình mà chỉ lúc có, lúc không thì mức độ hiểu biết sẽ không tăng trưởng và chúng ta cũng chẳng giỏi giang hơn được chút nào. Trong trường hợp bạn ngừng thực hành, tâm si sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nếu xao lãng thực hành cả một thời gian dài, tâm si sẽ bao trùm trở lại, che lấp tất cả những gì bạn đã từng hiểu biết được trước kia.
Song nếu chăm chỉ thực hành liên tục, chúng ta sẽ tiếp tục thu được thêm những hiểu biết và tuệ giác nho nhỏ như vậy. Nếu chúng ta luôn duy trì và tiếp thêm sức sống cho chúng một thời gian dài, chúng sẽ trở nên liên tục đến mức vận hành đồng thời cùng với chánh niệm. Một khi trí tuệ đã song hành cùng chánh niệm, nó sẽ tiến lên tới một trình độ hiểu biết cao hơn. Chúng ta sẽ có được những tuệ giác lớn hơn nữa.
Những hiểu biết ở trình độ cao hơn này có cuộc sống riêng của chúng và cũng có năng lực lớn hơn. Chúng sẽ không còn phụ thuộc vào chánh niệm nữa. Một khi bạn có được những tầng tuệ giác đó, chúng sẽ luôn luôn có mặt, mọi nơi mọi lúc; trí tuệ sẽ luôn luôn hiện diện. Đến giai đoạn này chánh niệm sẽ lùi lại phía sau, có thể nói như vậy, và sẽ đóng vai trò thứ yếu. Nó vẫn sẽ luôn có mặt bởi vì trí tuệ không thể tồn tại nếu không có chánh niệm, nhưng đến lúc này, trí tuệ đã bắt đầu có cuộc sống riêng của chính nó. Chánh niệm sẽ tiếp tục nuôi dưỡng trí tuệ và hiểu biết của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh. Ở trình độ này, tâm bạn sẽ luôn biết phải làm gì, và một điều nữa là sự thực hành trở nên thật vô cùng dễ dàng đến mức bạn cũng chẳng cần phải có chút cố gắng nào nữa.

Thiền sinh: Vâng, con thấy điều này là có thể đạt được nếu mình được sống trong một cộng đồng những bạn đồng tu. Theo con thì con cho rằng chắc hầu hết mọi người cũng như thế thôi ạ. Con cảm thấy rất khó để thực hành miên mật được trong cuộc sống ngoài xã hội hiện đại ngày nay.
Thiền sư: Ngày hôm qua cũng có một thiền sinh nói về vấn đề này. Anh ấy kể với tôi rằng anh thấy rất dễ chánh niệm trong mọi việc đang làm và luôn giữ được cái tâm quân bình, tĩnh lặng, nhưng khi phải ở cùng người khác anh thấy rất khó giữ chánh niệm. Tôi chỉ ra cho anh ta thấy rằng điều khác nhau giữa hai hoàn cảnh đó chẳng qua là khi ở một mình thì tâm anh "quay vào trong", trong khi ở cùng người khác thì tâm anh "hướng ra ngoài". Nếu bạn chỉ tập trung hết "vào trong" thì sẽ không thể giao tiếp được với "bên ngoài", nhưng nếu bạn hướng hết "ra ngoài" thì bạn lại không thể biết mình được. Bạn cần phải học cách làm cả hai thứ một lúc, và điều này cần phải có cả một quá trình thực hành.

Thiền sinh: Con hiểu những điều thầy vừa nói, nhưng cái thế giới "ngoài kia", nó quá khác biệt so với môi trường của thiền viện và con thường bị cuốn vào đủ mọi thứ một cách rất nhanh chóng.
Thiền sư: Tại sao bạn lại tự cho phép mình bị lôi cuốn như thế? Sự thực thì chẳng có ai lôi chúng ta cả, chẳng qua là cái tâm bạn muốn nhào vào trong đó thôi. Ai quan trọng hơn, người ngoài hay chính bản thân mình?

Thiền sinh: Dạ thưa, chính mình ạ.
Thiền sư: Bạn chú ý ra "bên ngoài" là bởi vì bạn vẫn nghĩ nó là quan trọng đối với mình. Nếu tâm mình thực sự là quan trọng đối với mình, thì mình phải luôn lưu ý đến nó và chăm chút nó. Bạn phải luôn kiểm tra lại các trạng thái tâm của chính mình, trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.
Điều gì là quan trọng hơn, việc nói chuyện với người khác hay cái tâm của bạn?

Thiền sinh: Dạ, tâm mình quan trọng hơn.

Thiền sư: đúng vậy, bạn luôn phải lưu ý đến tâm mình trước rồi mới giao tiếp với người.

Sayadaw U Tejaniya
Trích “Pháp Ở Mọi Nơi “
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “
Người dịch; Sư Tâm Pháp

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box