THỌ KHỔ (DUKKHA VEDANĀ)
Thánh Đế thứ nhất của Đức Phật – Khổ (Dukkha) - chỉ có thể hiểu từ góc nhìn của chánh niệm thực sự trên kinh nghiệm đang diễn ra.
Để thấy được sự thật về khổ không có nghĩa là nó phải xuất hiện ngay tại thời điểm chịu đau khổ. Chỉ khi chúng ta thấy và hiểu được đau khổ có thể đến từ sự hài lòng và hạnh phúc thì chúng ta mới thực sự thấy được sự thật về khổ. Chúng ta đang nhìn vào nhân và quả. Nếu có một sự khao khát tìm cầu sự dễ chịu hay hạnh phúc thì cũng sẽ có sự chối bỏ đối với cảm giác khó chịu và sự không hạnh phúc. Nếu nghĩ rằng chỉ khi chịu đau khổ, chúng ta mới thấy được sự thật về khổ thì làm sao chúng ta có thể hiểu được việc kinh nghiệm trạng thái định, lạc hoặc bình yên cũng là khổ? Nếu ta nhìn nhận các kinh nghiệm theo cách đó, có nghĩa là tâm si đang có mặt. Thánh Đế về khổ được nhận thức bởi một trí tuệ sáng suốt thì hoàn toàn đối nghịch với nhận thức của một hành giả không có trí tuệ. Hiểu biết đúng về sự thật về khổ là một trí tuệ. Hiểu biết về khổ không phải là trải nghiệm khổ. Khi hiểu biết như thế, tâm cảm nhận được năng lượng, sự tự do và không dính mắc. Tâm lúc này không có ham muốn và phiền não, trong khi trải nghiệm khổ thì làm cho kiệt quệ và thường là suy nhược. Chỉ khi tâm không cho rằng một kinh nghiệm là dễ chịu thì nó mới hiểu được Thánh Đế thứ nhất về khổ. Dựa trên kinh nghiệm, sự quan sát khổ không đơn giản và dễ hiểu, cảm xúc của chúng ta có thể rất lẫn lộn. Mà không, tâm không thể cùng lúc có cả cảm xúc thiện và bất thiện; nhưng bản chất của tâm là biến động, chuyện này diễn ra quá nhanh đến nỗi cảm xúc của chúng ta dường như lẫn lộn. Mọi thứ như thể đều ở đó cùng lúc: tốt và xấu, trí tuệ và dại dột, tất cả đều cùng xảy ra. Do đó, đừng mong đợi quá nhiều.
Nhiều hành giả trình pháp rằng, và rõ ràng là như vậy, nhờ có chánh niệm mà họ sẽ luôn đưa ra quyết định đúng vào thời điểm đó. Hầu hết chúng ta đang ở giai đoạn học hỏi và chỉ có thể quan sát, giữ chánh niệm trong khi tâm làm công việc của nó, hết lần này đến lần khác. Khổ là sản phẩm phụ của tâm si.
Nếu làm việc với nó bằng một thái độ thiện xảo, chúng ta có thể học hỏi từ nó. Và một sự hiểu biết về khổ có khả năng đẩy lùi tâm si. Nếu quan sát thật kỹ lưỡng những cảm xúc phát sinh khi trải nghiệm khổ đau, chúng ta có thể hiểu biết về khổ, vốn sinh ra từ sự bám chấp vào các đối tượng ở các cửa giác quan. Toàn bộ tiến trình khổ sẽ chứa đựng dữ liệu và thông tin cần thiết cho tuệ giác sinh khởi. Chỉ bằng việc tìm hiểu nhân và duyên của khổ mà chúng ta sẽ đạt đến bất kỳ hiểu biết nào về nó. Nếu có thể đơn giản là hiện diện cùng với cái khổ thì chúng ta có khả năng tìm ra một điểm bình yên tĩnh lặng, giống như tại tâm bão, nơi ta có đủ không gian cho phép mình lùi lại và bắt đầu tìm hiểu xem cái gì đã làm chúng ta khổ. Từ đây, chúng ta có thể đạt được một hiểu biết về kinh nghiệm đang diễn ra, mặc dù kết cục cuối cùng của hành động có thể vẫn chưa lộ diện hoàn toàn. Có thể có một lượng lớn cảm xúc lẫn lộn mà bạn đang trải qua và thấy rất khó để thấu suốt. Bằng việc liên tục chánh niệm, tâm bắt đầu tĩnh tại sâu hơn, chánh niệm trở nên sắc bén hơn, và chúng ta có thể bắt đầu quan sát, tách từ từ và nhận diện từng cảm xúc đơn lẻ dẫn đến nguyên nhân của các vấn đề. Từ cách nhìn khách quan này, chúng ta có thể thấy nguyên nhân và bản chất vô ngã của các cảm xúc, chúng ta thấy chúng không phải “Tôi”, không phải “của tôi”, không “khổ đau”, chỉ là hiện tượng tự nhiên thế thôi.
Đây là trí tuệ đã thế chỗ cho tâm si, đây là tuệ minh sát. Khi chúng ta có được chút đà chánh niệm nhưng sau đó lại sa vào một hoạt động bất thiện, thì quả diễn ra ngay lập tức và rất rõ ràng. Nỗi khổ mà chúng ta phải chịu là rất thô và hiện ngay trước mặt. Chúng ta kinh nghiệm được đúng bản chất của nó, đây chính là diễn biến tự nhiên. Bởi vì có đà chánh niệm, chúng ta ít có khuynh hướng dùng những sự tiêu khiển để làm giảm nhẹ những cảm giác khó chịu trong tâm, thay vào đó chúng ta hiện diện cùng với chúng. Sự đau khổ có thể rất mãnh liệt nhưng vì có đà chánh niệm, chúng ta có thể quan sát đúng bản chất của nó và vượt qua nó khá nhanh, tất nhiên miễn là chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân và không tiếp tục bám chặt vào đó. Chúng ta cần song hành với kinh nghiệm và nghiên cứu kinh nghiệm để hiểu được tại sao nó xảy ra. Nếu chúng ta cố gắng suy diễn kinh nghiệm, nghĩa là biện minh hoặc lập luận về nó thì chúng ta sẽ bị dính chặt vào trong khái niệm hay câu chuyện. Điều này chỉ kéo dài thêm khổ đau bởi vì nội dung câu chuyện sẽ làm phát sinh thêm cảm xúc. Chúng ta phải luôn luôn quay lại và đối diện với cảm xúc. Bằng cách tiếp xúc hoàn toàn với nó, chúng ta có thể có được trí tuệ và tiếp tục tiến bộ. Tuệ giác ở đây là thấy được tiềm năng đau khổ có thể sinh khởi khi dính mắc vào bất kì đối tượng giác quan nào, dù chúng mang lại cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Nói cách khác, chúng ta thấy khổ hiện hữu trong đề mục quan sát. Nếu chúng ta không thấy được như vậy thì tâm si đang hiện diện.
Những cảm xúc mà tôi đã trải qua tất nhiên là rất đa dạng và hỗn tạp: lo lắng, sợ hãi, buồn rầu và vượt lên tất cả là sự giận dữ. Lúc đó, tôi 25 tuổi và đã quay về hẳn với việc kinh doanh của gia đình. Tôi chịu trách nhiệm quản lý cửa hàng, nghĩa là chẳng còn vui chơi gì nữa. Vì tôi mong muốn những thứ khác từ cuộc sống thay vì phải làm việc trong chợ nên ngoài sự tức giận, một lần nữa tôi lại rơi vào cảm giác chán nản. Tôi đã theo dõi tâm mình và tự hỏi có thể làm gì với nó. Câu trả lời lúc nào cũng vậy, là tranh đấu hoặc bùng lên giận dữ. Tôi đập phá đồ đạc và vài lần tự làm mình bị thương. Có một lần, tôi đã đánh vào vật gì đó rất mạnh, dẫn đến gãy xương bàn tay. Rồi một lần khác, tôi bị thương ở chân do đá vào một cái gì đó. Nếu không có được thứ mình muốn ngay lập tức, tôi sẽ hét lớn và nổi điên. Mỗi khi nổi giận với cha mẹ, tôi sẽ cố tình làm những điều họ không thích để khiến họ phải phiền lòng. Sau trận lôi đình, ngay lập tức tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi không nghĩ là nó đã hết hoàn toàn, nhưng ở bên trong, nó chỉ tạm thời rút lui. Sau một khoảng thời gian yên ắng, tôi lặp lại cái vòng luẩn quẩn đó, lần sau lại ngang bằng hoặc tệ hơn lần trước. Cuối cùng thì một lần nữa, tôi quay lại tu viện với Sayadawgyi và lần này là do tự tôi quyết định. Với những gì đã trải qua, tôi thấy mình không có nhiều sự lựa chọn. Trở lại tu viện lần này, tôi thực hành rất kiên định. Tôi tập trung chủ yếu vào phương pháp thiền chỉ và đã đạt được sự tập trung khá mạnh. Tôi cũng thử thực hành vipassanā, nhưng giống như những lần trước, quá nhiều đề mục làm tôi bị rối và lo lắng. Do sự tập trung quá mạnh, nên mỗi khi phiền não xuất hiện, nó bật lên mạnh mẽ và áp đảo tôi. Với khả năng của tôi vào lúc đó, quan sát một đề mục là sự lựa chọn dễ chịu hơn. Có một số trí tuệ về khổ và vô thường (anicca) đã sinh khởi trong giai đoạn này. Những hiểu biết đó đã cho tôi một sự kiên định mạnh mẽ để nỗ lực hơn nữa và quyết tâm theo đuổi việc hành thiền.
Nhưng rồi, chỉ tám tháng sau, thế giới bên ngoài lại một lần nữa réo gọi, tôi nhận ra rằng mình không thể ở lại thêm được nữa. Lần đó tôi rời tu viện vẫn với nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng trong tâm. Tôi nhớ trong lúc trên xe từ tu viện về nhà, chúng tôi đi ngang qua một viên cảnh sát đang điều khiển giao thông ở bùng binh, tôi đột nhiên lo lắng rằng người đó biết tôi và tất cả những điều xấu xa tôi đã làm trước đây. Tôi đã rất sợ hãi và chỉ mong nhanh về tới nhà để được ở yên một mình. Lần đó, sau khi xả y, tôi thực hành cần mẫn trong khoảng tám tháng. Nhưng sau đó, việc thực hành của tôi dần yếu đi. Tâm trí tôi rất nhạy cảm và bởi vì nó đã trở nên khá hiền lành, tôi thấy sợ mọi người chung quanh. Mỗi khi đối mặt với bạo lực hoặc hành vi thô lỗ, tôi trở nên rất lo lắng và sợ hãi. Lúc này, tôi đã có một ít trí tuệ về khổ và vô thường; tôi bắt đầu hiểu rằng hạnh phúc và đau khổ chỉ là phù du, chúng không tồn tại vĩnh viễn. Cuộc đời tôi đã đau khổ đến mức mỗi sáng thức dậy tôi tự hỏi mình phải làm sao cho qua hết ngày hôm nay. Nhưng nhờ quán chiếu những hiểu biết trước đó về khổ và vô thường, tôi đã quyết tâm đứng dậy và đối mặt với cuộc đời. Công việc của tôi tràn ngập khó khăn. Khi đến cửa hàng, tôi trở nên lo lắng vì phải ứng phó với nhiều người. Lúc nào cũng hoảng sợ, tay tôi run lên mỗi khi ai đó nhìn lâu về phía mình. Tôi cho rằng mọi người coi thường mình và hay nghĩ “Mình không tốt, mình không tốt.” Do cảm giác rằng mọi người đang phán xét mình, nên tôi chỉ muốn một mình đơn độc.
Tôi không hề muốn tham gia vào đám đông chút nào nữa. Tôi ở nhà nhiều hơn và tự chơi cờ, do đó, tôi đã chơi rất giỏi. Sự tập trung làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn đôi chút so với các cảm xúc bình thường. Trong thời gian này, tôi giao tiếp rất ít với gia đình, họ thường để tôi một mình. Tôi thấy cách duy nhất để vượt qua trầm cảm là tự mình nỗ lực loại bỏ nó theo cách riêng. Lúc này, tôi rất đau khổ, tôi theo dõi tâm mình và cố tìm hiểu xem tại sao mình hành động như thế này hoặc nghĩ như thế kia. Nó đem lại chút ít hiểu biết nhưng không giúp tôi nhẹ nhõm hơn khỏi nỗi buồn phiền thực sự. Tôi chỉ thực sự giải thoát khi ngủ.
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên “
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “
Người dịch; Tống Dũng
Sư Tâm Pháp