Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

THAY ĐỔI CÁCH SỐNG LÀ CHÁNH NIỆM

Khi một khóa thiền bắt đầu, phiền não bắt đầu thương thảo với thiền sinh : “Ok, thế bạn định thực hành bao lâu? 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng? Ok,

vậy chúng tôi sẽ để bạn yên trong khoảng thời gian đó. Nhưng khi khóa thiền kết thúc, sẽ là thời gian của chúng tôi!” Và thật sự, phiền não đã làm đúng như lời chúng nói. Tâm si rất thích được nghe câu “Khóa thiền kết thúc!” Người ta thường nghĩ rằng chúng ta đã kết thúc việc hành thiền. Khi điều này xảy ra, thì có nghĩa là phiền não sẽ chiếm cứ địa bàn trở lại.

 

Khi tôi còn trẻ, tôi tham dự các khóa thiền dài hạn, mỗi lần từ 6 tháng đến 10 tháng. Tâm của tôi dường như được dọn sạch trong khi ở trường thiền, nhưng khi tôi dừng thực hành và trở về nhà, thì tâm đã đầy ắp phiền não trở lại. Cuộc đời tôi đã không thay đổi, tôi chưa bao giờ nghe lời khuyên của thầy là tiếp tục thực hành ở nhà và đã tự đưa mình chìm sâu vào phiền não! Chỉ khi tôi ở vào tình trạng phiền não sâu nhất, tôi mới thấy được sự cần thiết của việc thực hành mỗi ngày trong đời sống. Tôi bắt đầu thực hành liên tục ở nhà và nhận ra rằng Cần phải luôn thực hành thiền không ngừng nghỉ.

Khi bạn trở về nhà, hãy nhớ rằng, bạn đã ở nhà. Bạn cần phải duy trì việc sống trong thời điểm tại đây, ngay ở nhà, tại gia . Chỉ có thời điểm hiện tại mới là điều duy nhất có thực.

Nếu chúng ta không dành thời gian, không gian trong đời sống để thực hành Giáo pháp thì Giáo pháp lấy cơ hội nào để phát triển trong tâm thức và đời sống của chúng ta?

Hãy có mặt ở nơi bạn đang hiện diện bởi vì bây giờ luôn là bây giờ, không bao giờ có cái “ngay sau bây giờ”. Bạn hãy cố gắng giữ chánh niệm trong tâm và chỉ nỗ lực ghi nhớ duy trì chánh niệm, nhớ cách có được chánh niệm, thiết lập và duy trì samādhi, hay sự kiên định của tâm.

Bạn phải dùng tất cả thông tin có được, kết hợp với những hiểu biết, logic và hợp lý để tìm ra cách thực hành phù hợp với tình hình bản thân trong đời sống thường ngày. Tiếp theo, bạn cần học cách duy trì giúp những hiểu biết đã khởi sinh được tiếp tục phát triển. Và cuối cùng, bạn cần phải tìm cách để phát triển những hiểu biết đó được sâu rộng hơn.

Thiền sinh: Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi nổi giận hay có những cảm xúc khó chịu, hay khi tâm con xáo động, bất an, theo phương pháp cũ con vẫn làm là cố gắng làm cho thân tâm dịu lại. Nhưng thầy lại dạy là không nên làm như thế. Thầy dạy phải quay chánh niệm vào trong để quan sát chính bản chất của cơn giận hay sự bất an đó. Có đúng như thế không ạ?

Thiền sư: Việc chú ý quan sát (cơn giận) là việc làm sau. Việc đầu tiên bạn cần phải làm là xem mình có chấp nhận được rằng: cơn giận đó không phải là “mình”, sự đồng hóa chính mình với cơn giận cũng không phải là “mình” hay không đã. Bạn đang có cái nhìn như thế nào về sự việc đó? Những suy nghĩ chân chánh này (chánh tư duy) cần phải đến trước.
Thiền sinh: Như vậy tất cả những gì con đã từng được học về thiện pháp và bất thiện pháp đều nằm trong pháp hành cũ trước kia. Nó hơi ngược lại những gì mà thầy dạy, bởi vì theo lời thầy nói thì thiện hay bất thiện chẳng thành vấn đề.

Thiền sư: Tôi không nói rằng nó chẳng thành vấn đề. Pháp hành là để hiểu rõ đâu là tâm thiện, đâu là tâm bất thiện, để thực sự hiểu thấu được chính bản thân mình. Tâm thiện là tâm của ai? Tâm bất thiện là tâm của ai? Nó có phải là tâm của bạn không? Có suy nghĩ đúng đắn về sự việc là tâm thiện, suy nghĩ không đúng đắn là bất thiện. Bạn phải nhìn vào những điều đó bởi vì bạn muốn thực sự hiểu được chính mình, bởi vì bạn muốn hiểu được pháp tự nhiên như nó đang là.

Mục đích của việc làm dịu thân tâm, làm định tĩnh trở lại là để giúp bạn có thể quan sát được. Sử dụng suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), bằng cách tự nhắc mình rằng “nó không phải là mình, đó là bản chất của cảm xúc này” cũng làm dịu thân tâm của mình lại được. Bạn cần phải có được một cái tâm định tĩnh để quan sát. Nếu thấy rằng cách sử dụng chánh tư duy không làm cho tâm định tĩnh trở lại được thì bạn cũng có thể dùng phương pháp cũ của mình (như chú tâm vào một đề mục như hơi thở hay cảm giác chẳng hạn - ND). Nhưng sau đó thì không được quên là phải sử dụng cái tâm định tĩnh đó để mà quan sát.

Tại sao có một tâm bất thiện sanh lên? Tại sao một tâm thiện khởi sanh? Tâm thiện hay bất thiện này là cái gì? Tại sao tâm thiện này tăng lên? Tại sao tâm thiện này lại bị yếu đi? Tại sao tâm bất thiện kia lại mạnh lên như thế? Tại sao tâm bất thiện kia lại ngày càng mờ nhạt đi như vậy? Đó là những chỗ bạn cần phải tìm hiểu.

Sayadaw U Tẹaniya
Trích “ Thu Nhặt Bụi Vàng “
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “
Người dịch: Pháp Hỷ
Sư Tâm Pháp

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box