NẾU BẠN HỘ TRÌ, GÌN GIỮ GIÁO PHÁP QUA VIỆC THỰC HÀNH, GIÁO PHÁP SẼ HỘ TRÌ BẠN” (PHÁP HỘ TRÌ NGƯỜI TRÌ PHÁP)
Đây là công việc hoàn toàn có thể. Bạn cần phải đủ kiên nhẫn và làm việc kiên trì trong vài năm liên tục không ngừng.Bạn cần phải nếm đủ được các vị của Giáo pháp(Dhamma): Vị của ghi nhận, vị của chánh niệm, vị của trí tuệ. Bạn cũng cần phải đầu tư năng lượng và trí tuệ của bản thân. Khi bạn nếm đủ vị Giáo pháp rồi, Giáo pháp sẽ dẫn đường cho bạn. Khi tôi thực tập như vậy, cuối cùng tôi cũng hiểu rõ câu nói “Nếu bạn hộ trì, gìn giữ giáo pháp qua việc thực hành, Giáo pháp sẽ hộ trì bạn”. Hay nếu bạn chăm sóc gìn giữ Giáo pháp, Giáo pháp sẽ chăm sóc lại bạn. Khi bạn thực sự thực hành trong một thời gian dài, việc thực hành sẽ trở thành tự nhiên. Khi việc thực hành trở nên tự nhiên, thì cũng tự nhiên, bạn sẽ hiểu rõ bản chất của Giáo pháp.
Đôi khi, các thiền sinh có suy nghĩ rằng họ phải thực hành theo một cách đặc biệt nào đó để đạt được những kết quả nào đó. Việc nó không phải như thế. Tự thân tiến trình thực hành đã là một tiến trình học tập, bạn đang học cách làm công việc hành thiền.*Để tâm thêm chút nữa
Thầy tôi luôn nhắc nhở tôi rằng: Tất cả các vấn đề trên thế giới đều bắt đầu từ bộ ba: Tham, sân, và si. Hãy để mắt tới chúng. Quan sát và giữ những phẩm tính bất hảo này trong vùng kiểm soát, như vậy thì những phẩm tính tốt lành sẽ tự động khởi sinh.
CÁC KIỂU MONG MUỐN
Khi có nhiều cảm giác thoải mái trên thân, có thể chúng ta sẽ mong muốn có được nhiều hơn. Quan sát tâm tham muốn này trong khi vẫn tiếp tục giữ chánh niệm ở mức nhiều nhất có thể. Khi lòng tham trở nên vi tế và không thể nào phát hiện, thì ít nhất bạn cũng còn nhận ra được sự có mặt của chánh niệm. Với sự hay biết về chánh niệm, thì tâm rất khó bị lạc trong những cảm giác hỷ lạc. Ngoài ra, khi làm việc liên tục với chánh niệm không ngừng, thì khó có việc tâm chìm đắm trong tham muốn. Liệu việc cảm giác dạ dày đói và muốn ăn có giống nhau không? Nếu không có chánh niệm, thì việc phân định hai chuyện sẽ rất khó khăn, và chúng trông giống nhau. Khi bạn thực hành thêm, bạn sẽ bắt đầu nhận ra được sự khác biệt giữa cơ năng làm việc của một cơ phần như dạ dày kêu và mong muốn được ăn cái gì đó. Khi bạn ăn cái gì đó, bạn có ghi nhận được sự khác biệt giữa việc nếm được vị nước canh chua cay và cảm giác thích thú hay không? Cơn đói diễn ra trên thân vật lý, trong khi đó lòng muốn ăn lại là thứ thuộc về tâm linh, tinh thần. Cảm giác vui thích điều gì đó được gọi là Cảm Thọ (vedanā).
Tâm Tham tự cuốn chặt quanh một đối tượng. Liệu tự nó cuốn xung quanh đối tượng đó, rồi lại thả đối tượng đi, hay là tiếp tục cuốn lên đối tượng khác rồi lại nghĩ “mình không thể thả nó đi được, nó phải ở gần mình, lúc nào mình cũng muốn có nó”? Vậy thì tâm tham đối với đối tượng này mạnh đến cỡ nào? Ví dụ, chúng ta nhìn thấy một bông hoa bên vệ đường, và ai đó có thể bỗng để ý và thấy “Ồ, một bông hoa thật xinh đẹp!” và tiếp tục bước đi, trong khi người khác nhìn thấy bông hoa và nghĩ tới việc ngắt bông hoa cho riêng mình. Có một số tâm tham giống như những mảnh giấy ghi chú, nhưng có những tâm tham như keo siêu dính vậy!
Hãy thử chia chẻ tâm tham theo những tánh chất của nó. Bạn có thể bị thu hút bởi một người đặc biệt nào đó, và bạn nghĩ bạn thích toàn bộ về người đó. Hãy nói chính xác là bạn thích điểm gì về người đó? Bạn thích đôi mắt hay mái tóc của người đó? Bạn thích cách họ cư xử hay cách họ cười? Hay là bạn bị thu hút bởi những phẩm chất tinh thần của người đó? Hay bạn có ý niệm gì về người đó? Hay là do họ tốt tính? Hay họ khơi gợi trong bạn những cảm giác nào đó mà bạn không thể có được từ người khác? Chính xác là tâm bạn bị cuốn vào đặc điểm gì? Tâm Si có thể rất mạnh khiến chúng ta ban đầu bị hấp dẫn bởi một đặc điểm nào đó, rồi khi chúng ta đã bị dính vào, tiếp tục hướng đến đối tượng, chúng ta bỗng nhiên tin rằng, chúng ta thích toàn bộ đối tượng đó. Chính tâm si đã che phủ toàn bộ đối tượng đó với ý tưởng Mọi thứ về đối tượng này thật là tuyệt! Chỉ một hoặc hai đặc điểm nào đó đã cuốn hút chúng ta, nhưng chính tâm si đã đánh lừa chúng ta rằng, tất cả về đối tượng đó đều là như vậy. Hãy kiểm tra xem điều gì của đối tượng đã bắt dính tâm bạn, và hãy ghi nhận những trải nghiệm mà bạn cố gắng tái tạo hay trải nghiệm lại thông qua sản phẩm, đối tượng hay kinh nghiệm riêng biệt đó.
MONG MUỐN MỌI VIỆC ĐỀU TỐT ĐẸP
Mỗi người chúng ta đều có rất nhiều tham muốn về nhiều chuyện, nhưng trên tất cả, chỉ có một tham muốn rất mãnh liệt và khó nắm bắt đó là
Mong muốn mọi thứ trong đời đều tốt đẹp. Lòng mong muốn mọi việc đều tốt đẹp này hết sức mạnh mẽ và quyền lực, nhưng chúng ta lại không ghi nhận được chúng vì lòng ham muốn này nằm ở mức độ rất là vi tế. Chúng ta lớn lên với suy nghĩ rằng, mọi thứ phải vận hành theo cách chúng ta muốn và chúng ta buồn phiền khi có điều gì đó không như ý mình. Ngay lúc đó, tâm sẽ bị thất vọng ở cấp độ nhẹ nhất. Ví dụ, nếu chúng ta muốn có 10 thứ, và chúng ta có được hết, thì tâm sẽ bình yên không có vấn đề gì. Nhưng nếu chúng ta muốn 10 mà thiếu mất 1-2 thứ thì tâm sẽ có chút tổn thương. Nếu chúng ta không có được một nửa số đó thì tâm sẽ bị chìm trong đau khổ. Nếu chúng ta không có được thứ nào trong 10 thứ ta muốn, thì tâm sẽ có thể phát điên.
Nếu có thứ hiểu biết nào về bản chất của tâm bất mãn thì rất khó để phát triển, nhân rộng thứ hiểu biết đó.
Đừng hy vọng rằng mọi thứ phải tốt đẹp. Tương lai là một cánh cửa mở, và chỉ có 50% khả năng những điều chúng ta không muốn sẽ xảy đến với chúng ta. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho khả năng này. Điều chắc chắn là chúng ta sẽ già, sẽ bệnh, sẽ phải chia tay người thân, và chết. Khổ là điều chắc chắn.
Sayadaw U Tejaniya
Trích “Thu Nhặt Bụi Vàng “
Người dịch: Pháp Hỷ