Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

CÁI THẤY KHÁC CÁI NHÌN

Bạn cần phải mở mắt khi thực hành trong đời sống thường nhật. Tôi học được cách chánh niệm với đôi mắt mở, vì các bạn hàng thường trêu chọc tôi khi tôi ngồi ở cửa hàng thực hành thiền mà nhắm mắt. Họ nghĩ rằng tôi ngủ khi đang trông cửa hàng! Vì vậy, tôi học cách tập trung sự quan sát vào tự thân khi mở mắt. Kết quả là tôi trở nên thuần thục hơn khi hay biết sự khác biệt giữa nhìn và thấy, và người đang làm việc với mình mà họ không hề biết tôi đang thực hành thiền.

Nếu bạn chủ động biết rằng mình đang chánh niệm và bạn chuyên chú vào chánh niệm thì việc ghi nhận cái thấy đang diễn ra rất dễ. Một bài tập mà bạn phải làm để nhận ra điều này là ngồi thiền với đôi mắt mở. Hãy tự nhiên bước vào nội thân mà không cần chuyển sự chú ý đến đôi mắt. Trong khi điều này diễn ra, chú ý sẽ tự nhiên gắn vào quá trình thấy và bạn sẽ biết cái thấy đang diễn ra. Đó có thể là những khoảnh khắc chánh niệm tự nhiên trong cái thấy và có thể cho chúng ta thấy rõ ràng, cái thấy đang diễn ra và đang được hay biết.

Bạn không thể nào biết được cái nhìn một cách vật lý, nhưng bạn biết được hành động nhìn đang diễn ra.

Khi chúng ta không hiểu về rõ sự thật về cái nhìn, thì đôi khi việc chú tâm vào đôi mắt làm chúng ta chìm lạc vào trong những thứ mà chúng ta thấy thay vì ghi nhận rằng cái thấy đang diễn ra. Cảnh sắc hay cái thấy là một đối tượng rất rõ mà chúng ta không ghi nhận được, đơn giản vì chúng ta không hiểu được cơ chế làm việc của chúng.

Tương tự đối với hành động nhìn. Chúng ta muốn chú tâm vào việc tâm đang làm việc chuyên chú vào cái nhìn để bắt được đối tượng cảnh sắc, hoặc dùng một số thông tin để làm việc. Bạn không thể hay biết cái nhìn một cách vật lý, nhưng bạn có thể biết được hành động nhìn đang diễn ra. Đó không phải là điều gì hữu hình, nhưng bạn có thể biết rằng điều đó đang diễn ra. Lý do là bởi vì thực tế không phải là thứ sờ nắm được. Chúng ta có thể hiểu thực tế hoặc chúng ta có thể biết được thực tế nhưng đó là cách duy nhất chúng ta có thể làm. Nếu chúng ta có thể hay biết chánh niệm, hay biết rằng tâm đang làm việc chánh niệm, thì chánh niệm sẽ tự nâng giữ cái nhìn hay cái thấy. Đây là những tiểu xảo cần thiết, đặc biệt là trong đời sống thường nhật.

QUÁ TRÌNH ĂN

Tất cả 6 giác quan đều làm việc khi bạn ăn. Bạn có biết rằng mọi thứ đang diễn ra không? Nếu bạn quên mình trong khi bạn ăn, sẽ có rất nhiều ham muốn có mặt. Ăn là một dạng hưng phấn và ham muốn luôn đi cùng nó. Vì vậy, trước khi ăn hãy kiểm tra xem có mặt sự ham muốn hay không. Khi sự hưng phấn này hạ xuống, thì chánh niệm sẽ trở nên vững vàng hơn.

Vị của món ăn được ghi nhận ở lưỡi. Vậy cái cảm giác “món này thiệt là ngon” khởi sinh ở đâu? Ở trong tâm! Chúng hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên, khi nói, chúng ta nói rằng « món này có vị ngon”. Cũng cùng một trái sầu riêng đó, nhưng có người thích, có người lại không chịu nổi. Sầu riêng thì chỉ có một vị, nhưng ý niệm rằng món sầu riêng này là “tuyệt hảo” hay là “kinh khủng” chỉ xảy ra trong tâm. Có một thiền sinh Singapore không thích sầu riêng và cậu ấy đã quan sát cái tâm bất mãn ấy. Khi sự bất mãn đi qua, cậu ấy thử sầu riêng. Và bây giờ thì cậu ấy thích sầu riêng!

Vị giác không có vai trò gì ở đây cả. Một số người có thể từ bỏ ngay lúc ngửi mùi sầu riêng. Ngay hơi đầu tiên đã để lại ấn tượng tiêu cực trong tâm rằng cái gì liên quan tới sầu riêng cũng đều là tiêu cực, đó là nguồn gốc khởi sự từ khứu giác.

Vây, hãy thử liên hệ điều này với đời sống thường nhật của bạn. Khi bạn đi ra ngoài, và bạn nhận định một loại âm thanh nào là làm phiền, là không hay thì có lẽ bạn sẽ tìm đến một nơi yên tĩnh, không có âm thanh. Bạn có tìm được nơi nào mà không có âm thanh không? Bạn phải hiểu được bản chất của âm thanh. Bạn có thể xem một loại âm thanh là ồn ào, gây xao lãng, không tốt. Bạn có thể tìm kiếm một nơi không có âm thanh, nhưng bạn có tìm được nơi nào tuyệt đối yên tĩnh hay không?


QUÁ TRÌNH SUY TƯ

Chúng ta cần có hiểu biết về bản chất của tâm suy tư, vì khổ đau của chúng ta đa phần đến từ suy tư. Đã bao giờ bạn nghĩ “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiếc xe này bị tai nạn?” Cảm giác đó sẽ thế nào? Một nỗi sợ hiện hữu khi “Tôi” được gắn liền vào đó, nhưng tâm tự do khi nó hay biết một suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Suy nghĩ theo chánh tư duy là một phần của sự thực hành. Thiền sinh thường sợ suy nghĩ về việc hành thiền, nhưng thực tế, dù chúng ta làm bất cứ điều gì đi nữa thì chúng ta cũng đều cần cân nhắc tình hình, suy xét và suy tư về việc làm đó. Chúng ta dùng trí tuệ để giảm bớt lỗi sai và chủ động suy xét về công việc hành thiền để được hiệu quả và lợi ích. Điều này giúp chúng ta nhận ra được điều gì giúp ích cho sự thực hành của mình và gia cố chúng. Tất cả những gì chúng ta quan sát, trải nghiệm, suy nghĩ về cách thực hành không hề tách rời nhau.

Tâm suy nghĩ tự thân nó không là thiện cũng không là bất thiện. Đó là động lực cho phiền não hoặc trí tuệ ẩn tàng phía sau tâm suy tư, quyết định chất lượng của suy tư. Điều chúng ta quan tâm là chất lượng của tâm. Những suy tư khởi lên một cách tự nhiên không phải là vấn đề, vì chúng chỉ là các đối tượng cho sự hay biết thôi. Tất nhiên, nếu có phiền não, chúng ta phải làm việc với phiền não mà không để nó tự do làm việc không được kiểm soát. Nếu ngược lại, đó là điều tốt lành thì chúng ta có thể khuyến khích phát triển.

Tốt nhất là quan sát tâm suy tư không nên chỉ thuần túy là quan sát. Mà phải đồng thời quan sát những cảm xúc đi kèm suy tư đó, thì bạn mới biết được khi nào thì suy tư quá mức. Bạn cũng có thể cho phép việc suy tư quá mức một chút để học hỏi từ đó. Bạn sẽ biết được khi nào thì quá mức và những trải nghiệm này giúp bạn học hỏi được điều gì đó từ việc suy tư quá mức.

Khi phẩm chất tâm thiện được vững mạnh trong tâm, thì việc tâm thay đổi đột ngột chuyển sang tâm bất thiện sẽ rất khó. Khi tâm bất thiện quá mạnh thì việc chuyển hướng qua tâm thiện cũng rất khó. Tôi tự thân biết khi tâm tôi ở trạng thái tốt lành, và tôi thử để suy nghĩ tiêu cực nhưng nhận ra rằng tôi không thể làm thế được.

Biết rằng, không phải suy tư nào về Dhamma cũng là cần phải là thiện cả. Đôi khi việc tự cho là đúng hoặc tham ái cũng giúp tiếp năng lượng cho nó. Khi suy tư về Dhamma liên quan đến sự thực hành của bạn thì nó sẽ hữu ích. Nếu bạn không hiểu được mọi việc đúng cách thì việc suy tư về Dhamma sẽ giúp ích. Đức Phật Ngài dạy rằng, việc cân nhắc này là do bạn không biết được lúc nào thì tâm sẽ ở trạng thái đúng và tự nhiên ngộ ra! Việc gom đủ thông tin sẽ giúp bạn hiểu được thông tin này là hữu ích, phù hợp, quá ít, quá nhiều hay vừa đủ.
Nếu bạn có thể thấy được mong muốn suy tư, hãy hay biết nó. Quan sát mức độ xuất hiện của mong muốn đó. Nhờ kỹ năng quan sát thuần thục, khi mong muốn biến mất, suy tư cũng sẽ biến mất. Nếu bạn không thấy được những ý định suy tư đó thì hãy thay đổi luân phiên đối tượng quan sát giữa suy tư và thân.
LẠC TRONG SUY TƯ
Trong đời sống thường nhật, khi bạn bước đi, bạn có hay biết bạn đang bước đi hay không? Bạn thường bị lạc trong suy tư. Nếu bạn nhận ra việc này đang diễn ra, thì chỉ cần hay biết rằng “tâm đang suy tư”. Điều quan trọng là việc đang diễn ra ngay lúc này. Bạn có thể làm bất cứ việc gì cần làm khi bạn đến đích. Không cần phải nghĩ về nó bây giờ. Bằng cách này, tâm sẽ bớt suy tư về tương lai. Bạn cũng có thể hảo tổn tâm lực khi suy tư về tương lai mà không hề hay biết điều gì đang diễn ra ở thực tại. Nếu bạn phát hiện ra được thực tế khác xa so với điều bạn mong đợi thì bạn đã hao phí năng lượng rất lớn vào việc tưởng tượng!

Lên kế hoạch là cần thiết, nhưng bạn thực hiện bằng phiền não hay trí tuệ.

Có người thương nhân nọ ra chợ mua đồ sỉ về bán lại. Trên suốt đoạn đường đi, đầu ông đầy những suy tư về các mức giá bán, về cách làm thế nào mà đi đến đó để có hàng trước những bạn hàng khác. Khi ông đến nơi thì không còn một chút hàng nào cho ông cả! Người thương nhân này là một thiền sinh, vì vậy anh ta đã ghi nhận về việc tâm đã làm gì trong suốt thời gian này. Anh ta nhận ra mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian vào việc suy tư và quyết định về thị trường tương lai trong khi đáng lẽ anh ta hoàn toàn có thể thư giãn và quyết định mọi thứ khi anh ấy có mặt ở nơi lấy hàng.

HỒI ỨC VÀ KẾ HOẠCH

Thường thì chúng ta hay suy tưởng về những ý niệm hay câu chuyệ liên quan đến quá khứ hay tương lai, nhưng rõ sự suy tưởng đang diễn ra lại là thực tại. Bạn cần phải cân nhắc cách mình sẽ phản ứng với một tình huống nhất định nào đó, vì vậy khi đến đó bạn đã chuẩn bị tinh thần, nhưng điều này không có nghĩa là lo lắng về một vấn đề nào đó. Nếu bạn lên kế hoạch và biết với trí tuệ rằng mình đang lên kế hoạch thì có nghĩa là bạn đang có mặt ở thực tại. Việc lên kế hoạch là cần thiết, nhưng nó có thể được thực hiện bằng phiền não hoặc trí tuệ. Khi bạn lên kế hoạch bạn có lo lắng không? Một số người lên kế hoạch với sức ép của ham muốn và số khác thì với sự lo lắng, nhưng có một cách để lên kế hoạch và suy tư hoàn toàn không chịu sức ép nào.

Suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra cũng sẽ diễn ra tự nhiên lúc này lúc khác, và điều đó bạn không làm được gì với nó hết. Bạn không thể quay trở lại và thay đổi tình hình. Bạn chỉ có thể thăm lại quá khứ trong ý niệm thôi. Tuy nhiên, bạn có thể học được bài học, và không mắc lại lỗi lầm cũ. Một thiền sinh đã nhận ra ý niệm về “một giây” thời gian chỉ là khái niệm và quá khứ đã không còn dính lấy anh ta khi anh ấy có được hiểu biết này.

Sayadaw U Tejaniya
Trích “ Gom Nhặt Bụi Vàng “
Người dịch: Pháp Hỷ

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box