Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
DẪN NGÔN.
Đạo Phật đã theo bước chân của các vị Thánh Tăng Ấn Độ đến Việt Nam bằng đường thủy và đường bộ vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Thế nhưng phải đợi đến Ngài Khương Tăng Hội từ thủ phủ đất Giao Châu ngược đường lên mạn Bắc vào triều đình nhà Ngô năm 247 Tây lịch dựng lập đạo tràng, dịch Kinh, thuyết Pháp mới được ghi vào văn hiến, để làm chứng cứ thực cho sự có mặt của Đạo Phật trên đất nước này.
Hẳn nhiên, trên quê hương Đại Việt vào những ngày đất nước còn chìm trong bóng tối của Bắc thuộc, cho đến lúc bình minh của nền độc lập, Đạo Phật đã song hành cùng vận nước nổi chìm. Các thiền sư thời Ngô, Đinh, Lê đã cố vấn cho Hoàng đế trong công trình an định triều chính, khai hóa nhân tâm và rèn đúc tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Các thiền sư thời Lý, Trần đã vận dụng tinh thần Bồ Tát Đạo chung lòng, chung sức với vua quan và con dân Đại Việt định đô Thăng Long, bảo vệ biên cương quốc thổ, xây dựng nền độc lập phú cường và phát triển tính nhân văn vững chắc rực rỡ cho thế hệ cháu con nghìn sau ngẩng cao đầu, tự hào chủng dân Lạc Hồng trong cụm dân cư bách Việt
Học Lịch sử Phật giáo Việt Nam không chỉ để biết sự có mặt và công lao đóng góp của các vị Thiền Tăng trong quá khứ, mà còn là sự tri ân của chúng ta đối với các bậc tiền nhân đã đem máu xương mình trải xuống trên từng tấc đất, để gìn giữ giang sơn Đại Việt đẹp đẽ, nguyên vẹn biển trời và nền văn hiến đặc thù, nhân văn của tộc Việt, để thế hệ cháu con chúng ta hôm nay không cảm thấy bị tủi nhục khi đứng trước bè bạn năm châu.
Chúng tôi mong rằng những bài học Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam này sẽ nuôi dưỡng được niềm tự tin vào hồn thiêng sông núi Đại Việt của chúng ta đối với tổ tiên nghìn đời truyền lại; để người Việt Nam mãi chói sáng, hòa ái nhưng vẫn rất kiêu hùng như ông cha chúng ta đã từng xây dựng.