Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Sao chẳng hết sân  -  Trình Pháp

Con chào Thày,

Con viết mail là để thăm hỏi Thày và trình Pháp ạ.

Dạo này do công việc gia đình nên con ngồi Thiền cũng ít thời gian hơn, chắc ngày chỉ chừng gần 1h, nếu con có cố gắng bỏ thời gian ngủ ra để ngồi Thiền thì con bị hôn trầm.

Cũng có lúc con ước ao giá như con biết Đạo sớm hơn ... nhưng rồi con chợt hiểu ra, đó là vọng tưởng. Con nên chấp nhận cuộc sống hiện tại và phải tìm ra giải pháp tốt cho mình. Nên con tự sách tấn mình rằng hãy cố gắng, kiên trì đi, cố gắng chánh niệm mọi nơi mọi lúc.

Những lúc sân hận, con quan sát thấy con nhìn sự việc thật méo mó. Con hay áp đặt nó theo suy nghĩ của mình. Con thật là si mê. Điều này chỉ khi nào bình tĩnh, nhìn lại thì con mới nhận ra được. Như hôm rồi, cậu con trai con làm chập cái máy tính, T mắng nó nhưng không giải thích cho nó hiểu. Mẹ con mắng T, thế là T nói 1 câu hơi lên giọng với mẹ con. Vậy là con nổi sân, con chỉ nghĩ được là T sai thôi, chứ không hiểu ra được là mẹ con cũng có thái độ sai.

Mấy ngày gần đây tâm con có đố kỵ với một số người ở công ty. Chỉ vì con muốn sự công bằng. Nhưng con thì lại không muốn ba hoa, đòi hỏi hay xu nịnh. Và con chợt hiểu ra, con muốn công bằng hay tâm không phải khổ sở vì phải ba hoa, xu ninh? Và con chọn cái thứ 2. Khi hiểu ra điều này, con thấy tâm mình hết đố kỵ.

Cũng có một vài câu chuyện mà người khác nói năng không đúng và con kiểm nghiệm cơn Sân của mình. Lúc đó con tạm thời trốn vào hơi thở. Con quan sát, và con không thấy đến nỗi tức ngực như xưa. Khi bình tĩnh lại thì con mới thấy rõ nguyên nhân khiến con tức giận, khiến con buồn. Và con thấy tất cả lý do chỉ vì con Tham muốn. Muốn sự việc theo ý mình. Không được thì Sân hận. Con rút ra kinh nghiệm, cho dù mong muốn của mình có chính đáng đi chăng nữa mà không đạt được thì cũng mặc thôi. Tất cả sẽ vận hành theo luật nhân quả. Mọi người phải tự chịu trách nhiệm về việc của mình. Hiểu biết là vậy, nhưng con theo dõi, đôi khi có những sự việc diễn ra theo kịch bản như thế, mà con vẫn nổi Sân. Thật là lạ, tại sao hiểu ra được rồi mà vẫn không hết Sân ạ?

 

 

Trên công ty con phải nghe những câu chuyện phù phiếm. Những câu chuyện chủ yếu tán tụng, tìm cách này nọ về sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng ... Tuyệt đối, con không tham gia, tâm con quay vào trong, con thấy con thương những con người kia.

Và khi con hiểu ra, nhìn rõ sự việc, chẳng hạn như nguyên nhân khiến con sân hận, buồn bực, rồi rút ra cho mình bài học thì con rất vui. Và đó là niềm vui đích thực.
Con thấy là khi bắt đầu ngồi Thiền, con chưa thể quán Tâm ngay được con vẫn cảm nhận hơi thở qua chóp mũi. Và quán Tâm sẽ đến sau đó một hồi, cũng có hôm thì không. Hôm nào mà quán Tâm được thì đó là buổi Thiền tốt đẹp. Con cũng thấy nó có ảnh hưởng đến chánh niệm cả ngày hôm đó.

Con kính chúc Thày an vui, mạnh khỏe ạ.

Con TA

TA thân mến,

Thầy trả lời cho con luôn về câu hỏi của con: Tại sao hiểu được nguyên nhân của cơn sân rồi mà vẫn không hết sân?

Hiểu có nhiều cấp độ hiểu. Thông thường cái hiểu của con người bình thường chỉ dừng lại ở mức độ hiểu của tư duy, suy nghĩ (tư tuệ). Cái hiểu đó cũng rất có lợi ích, nó làm cho mình hiểu biết hơn nhiều và cũng có tác dụng làm giảm thiểu phiền não, nếu có suy nghĩ và nhìn nhận đúng. Khi một cơn sân khởi lên, mình quán xét lại nó, tìm hiểu nguyên nhân khiến nó sanh khởi, tìm ra những động cơ gốc của mình, những thủ phạm gây lên sân hận mình hiểu ra được vấn đề và tạm thời được giải thoát khỏi cơn sân ấy.

Làm được điều đó đã hơn người bình thường không tu nhiều lắm rồi. Đối với người bình thường, họ không thể tách mình ra để quán xét như vậy, họ bị phiền não lôi đi và các suy nghĩ và cách nhìn nhận của họ hoàn toàn bị chi phối bởi trạng thái cảm xúc lúc bấy giờ. Trong cơn sân họ hoàn toàn mất kiểm soát, cứ như những người mộng du, có thể làm những việc mà họ nghĩ không bao giờ có thể làm được hoặc không biết tại sao mình lại làm như thế. Chỉ có chánh niệm mới có thể giúp con người ta tách mình ra được phần nào khỏi cảm xúc để suy xét, nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn.

Do chánh niệm, do sự suy xét và quan sát ấy, mình tách ra được phần nào, ít bị cảm xúc chi phối hơn, thì lúc đó mới lại có thể suy xét một cách sáng suốt hơn. Sự suy xét sáng suốt ấy giúp mình thoát ra khỏi trạng thái cảm xúc ấy nhanh hơn, cảm giác giải thoát hơn. Và đa phần chúng ta chỉ dừng lại ở đó, thỏa mãn rồi, thắng trận rồi! Lần sau, hoàn cảnh như vậy sân vẫn khởi lên, chúng ta ngạc nhiên là tại sao mình đã đánh nó chết rồi mà nó vẫn sống dậy được như vậy.

Đừng bằng lòng với chiến thắng dễ dàng. Hiểu bằng suy nghĩ chỉ có tác dụng đến vậy thôi, và nếu mình bằng lòng với mức độ hiểu biết hời hợt bằng suy nghĩ thì sẽ không bao giờ chiến thắng được phiền não. Và một phần là vì chúng ta hay bám vào phương cách cũ. Chúng ta quán xét, tìm nguyên nhân và động cơ gốc của hành động, thấy rõ được vấn đề (bằng suy nghĩ), phiền não tạm thời mất đi. Lần sau chúng ta lại mang nguyên si món võ cũ ấy ra để đối trị, chẳng còn hiệu quả nữa. Chúng ta hay tự bằng lòng với chiến thắng dễ dàng, với đồ rẻ tiền, dễ mua nhanh hỏng. Chúng ta chủ quan và coi thường phiền não, cứ nghĩ rằng mình đã thắng được nó một lần là sẽ thắng được nó mãi mãi.

Nguyên nhân là vì chúng ta không nhìn sự việc một cách mới mẻ. Cơn sân ngày hôm nay là cơn sân hoàn toàn mới, không phải là một với cơn sân hôm qua, mặc dù nguyên nhân có thể vẫn như thế. Phụ thuộc vào cách nhìn sự việc mà mình sẽ có được những cấp độ hiểu biết khác nhau. Khi nhìn sự việc và suy xét, đó là chúng ta đang dùng suy nghĩ. Và khi suy nghĩ thì tức là chúng ta không còn quan sát nữa. Khi quan sát thì không suy nghĩ. Tất nhiên chúng ta phải sử dụng cả hai, nhiều ít tùy thuộc vào hoàn cảnh và trình độ tu tập. Trình độ hiểu biết càng cao thì càng bớt lệ thuộc vào suy nghĩ. Cấp độ hiểu biết cao hơn này gọi là hiểu biết bằng trí tuệ trực giác.

Hiểu biết bằng trí tuệ trực giác phát sinh do quá trình quan sát sự việc một cách liên tục NHƯ NÓ ĐANG LÀ. Muon quan sat được như nó đang là, chúng ta phải thực sự SỐNG TRONG HIIỆN TẠI, tức là quan sát nó ngay trong thời điểm hiện tại, một cách toàn tâm toàn ý. Khi suy nghĩ là chúng ta đã không còn ở trong hiện tại nữa, một là quá khứ, hai là tương lai. Khi con suy xét tìm hiểu cơn sân, tức là con đã bỏ qua không quan sát nó để dành thời gian nghĩ về nó. Việc đó có tác dụng nào đó, nhưng không thể cứ áp dụng mãi một món võ ấy, lâu dần thành nghiện, hoặc là bằng lòng với hiểu biết hời hợt, với cuộc sống bình bình, phiền não ở mức “chấp nhận được”. Hai là cảm thấy pháp hành của mình có bế tắc và muốn tìm đường ra. Con đang cảm thấy như thế, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành.

 

 

Hãy quan sát cơn sân cho đến khi mất dấu. Quan sát trạng thái thực sự của nó, tăng giảm ra sao, cảm giác như thế nào. Khi thuần quan sát trạng thái sân như vậy một cách toàn tâm toàn ý và lâu dài, những đầu mối khác tự động hiện ra mà không cần phải suy nghĩ, những sự chấp thủ, quan kiến sai lầm ... sẽ tự động lộ rõ, và tự động đi mất, tâm mình đang tự động được thanh tịnh và sáng ra dần dần. Đó là công việc của trí tuệ, không phải là thứ mình có thể chủ động uốn nắn, chế tạo được. Việc của mình chỉ là tạo duyên để cho trí tuệ làm việc, sanh khởi và tự nó sẽ thanh tịnh hóa tâm mình.

Quan sát nhiều lần, lần sau lại theo dấu nó sâu hơn một chút. Muốn theo dấu nó sâu đến tầng vô thức, điều quan trọng nhất là phải có được tâm đơn giản, tức là nhìn nó như nó đang là, không pha màu định kiến, suy nghĩ... Muốn có hiểu biết sâu sắc phải không được nóng lòng có hiểu biết. Khi nóng lòng muốn hiểu phiền não và vượt qua nó, là tâm tham, thì chúng ta thường sẽ chỉ được hàng nhái, của dởm. Không nên bằng lòng với những thứ rẻ tiền như thế. Vì vậy, kiên nhẫn và thái độ chân chánh, không mong cầu, không trốn tránh xua đuổi là những điều quan trọng hàng đầu trong quá trình tu tập.

Thông thường, chúng ta hay bị phiền não lừa, dẫn mình đến một hang ổ ngụy trang. Khi tìm thấy chúng ta hay nghĩ: “À, tao biết mày rồi, mày là do ngã man, do tham, do cái này cái kia...gây ra”, và dừng lại ở đó. ĐÓ chỉ là suy nghĩ. Trong khi chúng ta đang say mê bới tìm cái hang ổ giả thì phiền não đã vòng ra đằng sau đánh trộm cho mình một trận nên thân.

Khi có tâm đơn giản thì chúng ta mới nhìn mọi việc một cách mới mẻ được. Nhìn thật sự như nó đang là chứ không suy nghĩ về nó. Đó là phương thuốc duy nhất cho căn bệnh nan y trong thiền là bệnh “cước căn bất điểm địa” – chân không chạm đất. Đi mà chân không chạm đất là đi trong mơ. Chánh niệm mà không đưa về thực tại là chánh niệm tưởng tượng, chỉ nghĩ là mình chánh niệm hoặc chánh niệm rất hời hợt. Tại sao ngồi thiền quán sát hơi thở chúng ta hay thấy chán? Là bởi vì mình cứ nghĩ hơi thở nào cũng như hơi thở nào. Thực sự mỗi hơi thở là một hơi thở mới, nếu thấy đúng như thế thì không bao giờ chán. Khi mình thấy một cái gì đó mới lạ mà trước đây chưa hề thấy, mình nhìn nó rất chăm chú và hứng thú, xem xét rất kỹ. Khi lần đầu gặp một người nào đó mình để ý rất kỹ, và đôi khi cái hiểu bằng trực giác lúc đầu mới gặp mặt thường lại rất chính xác. Còn ông chồng mình, sống cùng mình 12/24g mỗi ngày, có khi cả tuần liền mình không thực sự nhìn mặt ông ấy. Thường là nhìn, nhưng không thực sự thấy mặt ông ấy lúc đó, mà thấy khuôn mặt đã được in vào óc mình từ trước. Một khuôn mặt cũ!

Thầy viết một bức thư rất dài trả lời con, bức thư rất hay, thầy viết say mê từ trong tâm mình. Viết gần xong, không hiểu bấm vào nút gì đó, xóa sạch. Thất vọng quá! Bởi vì thầy không bao giờ có thể viết lại một bức thư như vậy được nữa. Cũng như những bài pháp thầy thuyết, nói ra từ tim mình, từ trực giác của mình, không bao giờ có thể nói lại như thế được nữa. Và hầu như không thể nhớ là mình đã nói gì, viết gì. Và khi thầy viết lại bức thư này, thầy chợt phát hiện ra rằng mình đang cố nhớ lại bức thư trước để viết. Tâm hoàn toàn không còn sự hứng thú và trí tuệ như lúc đó được nữa. Thấy ra điều đó, thầy đứng lên đi kinh hành, đưa tâm mình về với hiện tại, với từng cảm giác, từng bước chân, khi đó sự định tĩnh và sáng suốt, bình an quay lại với thầy. Thày quay lại viết bức thư này với một cái tâm hoàn toàn mới. Không bữa ăn nào giống bữa ăn nào, và chúng ta nấu ăn thường hay tìm cách nấu lại những món ngon mình đã nấu hay đã ăn ở đâu đó, mà không biết thưởng thức trọn vẹn với món ăn mình nấu hôm nay. Dù thế nào, nó vẫn là một món ăn mới.

Hãy nhìn mọi thứ như là lần đầu mình được nhìn, bởi vì thực sự mỗi thứ đều là mới. Nhìn mà không đánh giá, không suy nghĩ về nó, nhìn đơn giản và mới mẻ như vậy, như nó đang là. Kiên nhẫn nhìn, liên tục, không bao giờ bằng lòng và dừng lại với những điều mình đã thấy, đã hiểu, và cũng không mong ngóng sẽ thấy, sẽ hiểu cái gì. trong quá trình ấy trí tuệ trực giác đang sanh khởi. Đó chính là tâm đơn giản, hay là sống trong hiện tại, hay là nhìn như nó đang là, hay là thái độ chân chánh. Đó là tinh yếu trong thiền.

Hiểu biết mới sẽ mang lại niềm vui cho con. Sống với tâm đơn giản và tươi mới như vậy con sẽ càng có thêm hiểu biết mới và hạnh phúc vô điều kiện.

Thầy chưa hiểu lắm về chữ Quán Tâm của con. Con trình lại cho thầy xem thế nào là quán tâm? Đừng cố tình làm điều gì cả, đừng cố tình chọn một cái gì đó để quan sát. Con chỉ cần để tâm đơn giản quan sát cảm giác thở vào, thở ra cho đến khi tâm định tĩnh, tự nó sẽ biết thêm những thứ cần biết, có thể là cảm giác tâm (cảm xúc), hay những cảm giác khác nhau trên thân, hay sự liên hệ giữa thân-tâm... Để nó tự nhiên, con chỉ đơn giản hay biết liên tục là đủ. Tại sao mình cứ muốn biết nhiều hơn những sự thật đơn giản đang hiển bày trước mắt. Vì tâm tham, và tham sẽ hay bị lừa mua đồ nhái, đồ dởm. Và do tâm tham muốn có hiểu biết ngay mà không kiên nhẫn quan sát những điều đơn giản nhất, mà lại suy nghĩ về nó. Tu tập không có đường tắt con ạ. Nhiều người hiểu nhầm quán tâm là ngồi suy nghĩ, và đa phần là làm như vậy. Thầy không dạy quán tâm, thầy dạy thiền chánh niệm. Hãy để tâm đơn giản và tươi mới trong hiện tại. Tu đúng, càng tu tâm càng đơn giản.

Chúc con mọi sự an vui và chánh niệm.

Su Tâm Pháp

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box