VÔ THƯỜNG (ANICCA)
Bằng việc thực hành vipassanā, chúng ta có thể học hỏi từ chính tự nhiên. Nếu nhìn xung quanh,
chúng ta sẽ thấy tự nhiên luôn thay đổi và mất đi, không có gì là trường tồn bất biến. Một cái cây phát triển theo các điều kiện của mùa màng, ra hoa, tạo hạt rồi chết. Chúng ta cũng thế, cả thân và tâm luôn luôn trong trạng thái liên tục thay đổi bởi các điều kiện, hay là nhân và quả; các đối tượng cứ mãi mãi sinh lên và diệt đi. Đây là ý nghĩa của vô thường. Chúng ta cần hiểu được và biết rằng bất cứ thứ gì đang xảy ra – cho dù là cảm giác, tâm suy nghĩ, cảm xúc hay chánh niệm – nó đang diễn ra: sự sinh khởi đang diễn ra, sự trở thành đang diễn ra, sự sinh khởi và trở thành đang diễn ra. Diễn biến liên tục này là anicca – vô thường, nhưng nó cũng là khổ; đây là bản chất tự nhiên của sự thay đổi khi có dính mắc vào một đối tượng. Nếu chúng ta có thể chánh niệm mà không có sự dính mắc trên tất cả các đối tượng đang sinh lên và diệt đi thì chúng ta sẽ đạt đến một hiểu biết về quy luật tự nhiên của sự vô thường. Tôi đã từng nói rằng đừng dùng quá nhiều sức lực hoặc là quá chú trọng vào cố gắng để quan sát sinh diệt. Nhìn thấy thứ gì đó sinh và diệt cũng chỉ là một kinh nghiệm. Về mặt lý thuyết thì dù bạn thấy cái gì đó, nó có thể có hoặc không đem lại những hiểu biết về vô thường. Sự hiểu biết về vô thường sẽ xuất hiện một cách tự nhiên, nó là một tuệ minh sát do việc thực hành được duy trì liên tục . Hiểu biết này sẽ chỉ xảy ra khi bạn thu thập đủ thông tin từ việc quan sát liên tục.
*Thiền sinh: Thầy nói rằng chúng ta có thể chánh niệm được trên rất nhiều đề mục mà không cần phải gắng sức. Con vẫn không hiểu làm thế nào mà có thể làm được như vậy.
Thiền sư: Khi chánh niệm của bạn ngày càng liên tục hơn, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều tâm, cũng như rất nhiều đề mục khác nhau. Sau một thời gian bạn sẽ nhận ra tiếp rằng đó chỉ là quy luật tự nhiên đang vận hành, rằng nó chẳng có gì liên quan, dính dáng đến “bạn” cả, nó chỉ là các tiến trình thân tâm đang diễn tiến mà thôi. Chừng nào mà chúng ta còn chưa thấu hiểu được ra rằng thân và tâm chỉ là các hiện tượng tự nhiên, chúng ta vẫn cứ tin rằng có một cái “tôi” nào đó đang quan sát.
Bạn chỉ có thể nhìn thấy một vật nào đó khi phải cố ý nhìn cho thấy, hay là đơn giản chỉ vì mình nhìn thấy nó ở trước mắt thôi? Nếu cứ phải cố tình nhìn thì mới thấy, chứng tỏ lúc đó có tâm tham đang hoạt động và đó cũng là tà kiến.
Cái thực sự đang diễn ra lúc đó là: bởi vì có cái nhìn đang diễn ra một cách tự nhiên nên bạn có khả năng nhìn thấy được sự vật. Cái hiểu biết này chính là trí tuệ. Một người mù sẽ không thể nhìn thấy được gì, và vì vậy anh ta cũng chẳng buồn phải cố nhìn cho thấy. Cứ nghĩ rằng “mình” phải chú tâm nhìn thì mới nhìn thấy được, thì khi đó động cơ của cái nhìn đó là tham, và chúng ta sẽ không thể hiểu ra được tiến trình này.
Cùng một nguyên tắc như vậy cũng được áp dụng khi nhìn tướng vô thường, khi quan sát sự sanh diệt. Có phải nó chỉ diệt bởi vì chúng ta nhìn nó hay không?
Thiền sinh: Không ạ.
Thiền sư: Nếu cái gì đó chỉ diệt đi bởi vì chúng ta nhìn vào nó, thì điều đó không thể là sự thể hiện thực sự của vô thường. Nó cũng có thể làm cho bạn vui sướng và khởi tâm ngã mạn: “A, giờ thì tôi đã nhìn thấy được vô thường, tôi làm cho nó biến mất được”. Thực tế thì khác như vậy nhiều lắm. Tự nhiên vốn nó là vô thường; vô thường là một đặc tính không thể tách rời của tất cả các hiện tượng tự nhiên. Chỉ một cái tâm đã thực sự phát triển (về mặt tâm linh) mới thực sự thấu hiểu được rằng tất cả mọi thứ trên đời này đều là vô thường. Khi đã hiểu được vô thường, bạn cũng sẽ hiểu được thế nào là khổ và vô ngã.
Tôi thường nghe các thiền sinh trình pháp trong các khóa thiền tích cực rằng họ đã thấy được sanh diệt. Nhưng khi họ trở về nhà mình thì chẳng còn thấy sanh diệt đâu nữa. Về nhà, bỗng nhiên mọi thứ đều trở thành rất “thường” cả. Hiểu biết thực sự về sanh diệt khác thế nhiều lắm! Nó là một cái hiểu vô cùng sâu sắc rằng tất cả vạn pháp đều diệt, đều đi đến kết thúc.
Vô thường chỉ hiển lộ ra khi chiếc lá kia rời cành, hay nó vẫn luôn là vô thường ngay cả khi chiếc lá ấy còn đậu trên cây?
Sayadaw U Tejaniya
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên “
“Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ “
Người dịch; Tống Dũng
Sư Tâm Pháp