THỰC HÀNH THIỀN LUÔN Ở MỌI LÚC
Chúng ta phải bước đi trên con đường Bát Chánh Đạo của Giới (Sīla), Định (Samādhi), Tuệ (Pañña). Đây là điểm đặc biệt của hành thiền,
khi bạn cần phải thực hành để giúp nó tồn tại, và những người thực hành liên tục sẽ nhận được những lợi ích rõ ràng. Chúng ta cần phải trở thành một người bạn thân cận với Giáo pháp để phát triển trong Giáo pháp. Khi chúng ta gần gũi, thân cận với Giáo pháp được như thế, tự chúng ta cũng sẽ được lớn mạnh trong Giáo pháp. Nếu chúng ta không dành thời gian, không gian trong đời sống cho Giáo pháp để Giáo pháp lớn mạnh thì Giáo pháp phát triển trong đời sống chúng ta bằng cách nào?
Đức Phật Ngài thường nhắc các đệ tử là Hãy giữ Giáo pháp trong tâm. Ngài không nói khi nào, mà Ngài chỉ nói Hãy giữ Giáo Pháp, Dhamma, trong tâm trí mình. Nếu chúng ta không thực hành thiền luôn khi, tâm si sẽ thay chỗ và giữ cửa mở cho những phiền não khác bước vào. Người ta thường nói về việc họ đã thực hành thiền bao lâu nhưng họ chỉ tính thời gian từ lúc họ tham dự khóa thiền đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại. Nếu họ cộng thêm những giờ phút mà họ thực sự chánh niệm được, thì họ sẽ có một bức tranh hoàn toàn khác. Cách chúng ta thường làm việc là cố sức trong một khoảng thời gian ngắn với hi vọng đạt được thành quả. Đó là làm việc với lòng tham!
Chánh tinh tấn là bạn nỗ lực trong suốt một thời gian dài. Bạn cần phải trở nên quen thuộc với công việc mà bạn làm, luôn luôn thực hiện công việc đó để bạn có thể trở nên thuần thục hơn trong việc đó. Chánh tinh tấn chính là không để cho nỗ lực bị lơi lỏng, không từ bỏ và không bao giờ dừng lại. Cứ tiếp tục. Đó mới là sự nỗ lực chân chính, đúng đắn, là Chánh Tinh Tấn. Trí tuệ cần thời gian dài, không cần phải vội nhưng chúng ta cũng không được phép dừng lại. Chúng ta càng hiểu được những lực tác động của tự nhiên và cách chúng làm việc thì từ từ chúng ta sẽ càng tin vào những quy luật của tự nhiên để cho mọi thứ mở ra trước mắt theo một cách tự nhiên. Việc tôi sử dụng từ “nature” (tự nhiên) hết lần này đến lần khác không phải là vô ý. Khi điều gì đó trở thành điều tự nhiên của bạn, thực sự trở thành một tự nhiên thứ hai, thì điều đó có nghĩa là cái trớn của điều tự nhiên đó đã phát triển rất lớn mạnh trong bạn. Và nó trở thành một phần tự nhiên trong bạn.
Trớn (quán tính) rất quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, chính nó làm cho mọi thứ trở nên ngày một tốt hơn, tốt hơn nữa. Khi có quán tính, việc chúng ta cần làm không chỉ trở nên dễ dàng hơn mà chính nó còn giúp chúng ta phát triển năng lực chuyên môn và nâng cấp chính mình. Nếu bạn là một vận động viên nhảy cao, bạn cần phải chạy để có đà nhảy qua mức xà. Ngay bây giờ, bạn cần phải chạy hướng về mức xà, nhìn lên, ghi nhận mức xà, dừng lại, quay lưng và bước ngược lại! Vì đà của bạn không đủ mạnh để thực hiện bước nhảy.
Tôi có thể yêu cầu bạn hãy nhìn kỹ vào tâm của bạn, ngay bây giờ. Bạn có biết bạn thường để phiền não bước vào mà không để ý đến nó thường xuyên tới mức nào không? Bạn sẽ phải đảo ngược toàn bộ quan điểm đó, như vậy thì cái gì là tự nhiên, không được ghi nhận và điều luôn ghi nhớ trong tâm bạn sẽ là : chánh niệm, định tâm và trí tuệ, ngay khi phiền não đang có mặt, lúc này đây. Nếu bạn hỏi tôi về việc thiết lập thời gian cho việc hành thiền, đúng vậy, chúng ta nên làm điều đó. Đúng giờ đó, dù chúng ta đang ngồi hay làm gì đó thì chúng ta đã quyết định và nhắc tâm rằng đó là thời gian chúng ta thực hành chánh niệm liên tục nhất. Khi tôi ở nhà, tôi dành thời gian ngồi thiền trước khi đi ra tiệm buổi sáng, và trướckhi tôi đi ngủ vào buổi tối. Tôi cũng ngồi lúc này, lúc khác ở tiệm hoặc ở quán cà phê. Khi tôi có thời gian ngưng nghỉ trong lúc làm việc hoặc rảnh khoảng 5, 10 phút thôi, tôi vẫn lặng lẽ và thực hành thiền. Tất cả những điều này được gom lại trong tâm tôi.
Chúng ta chưa đến mức cần thiết phải thực hành liên tục trong đời sống thường nhật, chưa đủ để ta hiểu rằng, ta không thể sống mà không có sự thực hành. Nếu chúng ta cảm nhận được như vậy về việc thực hành trong đời sống thường nhật, chúng ta sẽ duy trì chánh niệm thường xuyên, liên tục hơn nhiều. Khi chúng ta muốn duy trì sự bình an trong tâm trong thời gian dài và lâu hơn, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng, tất cả những yếu tố hay biết về điều mà chúng ta chánh niệm được phải trở thành một phần của sự thực hành và kỹ năng của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ không thể duy trì sự bình an trong tâm vì chúng ta đánh mất chúng khi thất niệm, giống như vòi nước thủng làm rò nước vậy. Chúng ta bị đánh mất sự bình an khi chúng ta đánh mất chánh niệm trong lúc nói chuyện, khi bước đi, khi đi đây đi đó làm công việc trong đời sống hàng ngày.
Hãy thử dùng một phép so sánh về kinh doanh để nghĩ về việc hành thiền. Bạn dành một khoản quỹ an toàn ban đầu, và bạn cần phải sử dụng nguồn vốn thích hợp để bắt đầu một hạng mục kinh doanh. Trước mắt, bạn đã tham dự khóa thiền. Nhưng một khi dòng tiền bắt đầu chảy vào, thì bạn phải học cách để duy trì dòng tiền đó. Trong thực hành thiền, hiện tại bạn đang cân nhắc cách giữ những hiểu biết này trong đời sống thường nhật. Bạn có biết phải dùng cách nào không? Để giữ không cho những hiểu biết đó bị mai một, bạn cần phải cho phép những hiểu biết này khởi sinh liên tục trong tâm mình. Tiếp tục thực hành ở nhà, như bạn đã thực hành ở khóa thiền. Một khi bạn có thể giữ cho những hiểu biết của bạn tồn tại và phát triển, giữ sự thực hành của bạn liên tục, thì đó chính là lúc việc kinh doanh của bạn đã được thiết lập rất vững. Bạn có thể tiếp tục phát triển nữa. Bạn có thể toàn tâm toàn ý mở rộng việc kinh doanh của mình. Nếu bạn không làm như vậy, thì thay vì trở thành một người chủ doanh nghiệp, bạn sẽ giống như những người lao động, chỉ làm để đủ sống qua ngày.
Những điều này có động viên bạn hay là thúc đẩy bạn hướng về phía trước và tiến xa hơn không? Đôi khi rất khó nói với các thiền sinh sự thật, vì tôi sợ, có thể cách nói của tôi làm mọi người cảm giác nó quá khó (cười). Nhưng đó là sự thật. Bạn có thể tưởng tượng xem việc thực hành sẽ cần bao nhiêu? Chúng ta muốn biến quán tính của tâm hiện tại hướng một vòng đủ để nó có thể hướng về chay theo hướng của tâm thiện hơn là hướng tâm bất thiện. Bây giờ, khi ta nhìn gì đó, thì việc thích và ghét khởi sinh là tự nhiên. Khi ta nghe điều gì đó, thích và ghét khởi sinh trong tâm. Đó là tự nhiên với chúng ta lúc này. Sau một thời gian thực hành thêm nữa, việc ghi nhận với trí tuệ khi chúng ta nhìn, nghe, ngửi, nếm, đụng, hay suy tư sẽ thành tự nhiên. Lúc đó, chúng ta sẽ tin tưởng vào tổ hợp (chánh niệm+ trí tuệ)
Sayadaw U Tejaniya
Trích “Thu Nhặt Bụi Vàng “
Người dịch: Pháp Hỷ