Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Cẩm Năng Phần 2

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TỊNH HÓA THÂN TÂM

Thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh, thế nhưng chúng ta đã có sự hiểu biết và chuẩn bị gì cho sự thăng hoa tâm linh chưa?

 

Con người của chúng ta dưới cái nhìn của Phật giáo gồm có năm thành phần hay còn gọi là thân năm ấm: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm.

Sắc ấm nói nôm na là phần thân thể chất của chúng ta. Phần thân vật chất có giới hạn mà chúng ta có thể cân đong đo đếm được. Thọ ấm là phần cảm thọ của chúng ta. Ví dụ như chúng ta có thể cảm nhận được sự nóng/lạnh, đau nhức, tê buốt. Tưởng ấm là sự phóng tưởng của chúng ta từ những khái niệm, hình tướng hay sự vật có sẳn thành ra những cái mới hơn, khác hơn những cái trước đó. Ví dụ như các họa sỹ hay nghệ nhân nhìn các hình ảnh trong thiên nhiên mà vẽ thành các bức tranh hay điêu khắc, tạc các hình tượng từ gỗ, đá, thạch cao, v.v.v. Tưởng ấm cũng có khi là sự phóng tưởng ra những hình ảnh, tác phẩm từ những cái mà chúng ta chưa từng gặp thấy trong cuộc đời. Ví dụ như chúng ta chưa từng gặp ma, qủy nhưng chúng ta có thể vẽ ra rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn ta ma qủy, hay các tác phẩm văn học, phim truyện giả tưởng. Hành ấm là sự vận hành của tâm thức từ các sóng não vô hình thành ra các hành động, lời nói ở thân, miệng và ý. Sự vận hành từ ngay trong tâm thức, trong não bộ, đến sự biểu hiện thành ra các tác phẩm, hình tướng cụ thể bên ngoài. Thức ấm gồm nhiều từng bực khác nhau từ thô đến vi tế, từ ý thức trong lúc tỉnh thức cho đến tiềm thức trong giấc mơ và kho tàng vô lượng kiếp của tàng thức. Một cách tổng quát, chúng ta thấy rằng, chỉ có phần thân sắc ấm là hữu hình và có giới hạn còn tất cả bốn phần thân kia (thọ, tưởng, hành và thức ấm) là không có hình tướng và không có giới hạn. Theo quy luật vận hành của vũ trụ vạn vật thì cái gì có hình tướng, có giới hạn, có trọng lượng thì sẽ bị lực hút của trái đất kéo xuống. Ngược lại cái gì không có hình tướng, không có giới hạn và không có trọng lượng thì sẽ được tự do bay bổng lên trên không gian. Như vậy, bên cạnh thân sắc chất có hình tướng giới hạn và có trọng lượng, chúng ta còn có đến bốn phần thân còn lại: thọ, tưởng, hành và thức không có hình tướng và không có giới hạn, tại sao chúng ta lại không thể bay lơ lửng trên bầu trời hay tự do tự tại di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà không cần đến các phương tiện di chuyển, hay ít nhất con người chúng ta cũng được thông thoáng nhẹ nhàng không bị bế tắc hay đau nhức hành hạ. Tại sao?

Ngay cả khi chúng ta nhìn thật kỹ vào phần thân sắc chất của mình. Chúng ta cũng thấy rằng nó được cấu tạo hay kết hợp từ bốn yếu tố căn bản của vũ trụ. Đó là: chất cứng như: xương, da, tóc, lông, móng tay, móng chân - chất lỏng như: máu, nước mắt, nước bọt, các chất dịch trong cơ thể - chất khí như: hơi thở vào và ra - chất nóng như hơi ấm hay thân nhiệt của chúng ta. Như vậy, trong bốn yếu tố căn bản của vũ trụ để hình thành nên thân sắc chất của chúng ta, chỉ có hai yếu tố đầu là chất cứng và chất lỏng là có hình tướng và có trọng lượng, còn hai yếu tố còn lại kia là chất khí và chất nóng thì lại cũng không có hình tướng và trọng lượng. Nếu như vậy thì toàn bộ thân ta sẽ có nhiều yếu tố không có giới hạn và không có trọng lượng hơn. Tất nhiên nó phải có khả năng nhẹ nhàng và bay bổng, thông thoáng và tự do giải thoát. Nhưng tại sao chúng ta lại bị vướng mắc, trì trệ, đau nhức, ung nhọt và phù nề?

Nếu chúng ta nhìn trên một khía cạnh khác, con người của chúng ta cũng được xây dựng và vận hành trên bốn mức độ thân khác nhau. Thân thấp nhất, thô thiển và rõ ràng nhất mà chúng ta có thể đụng chạm sờ mó, cân đong đo đếm được là thân vật chất bằng xương bằng thịt. Kế đến là thân sinh lý, tức là các phản ứng sinh hóa học xảy ra trong cơ thể của chúng ta. Thân thứ ba là thân tâm lý, tức là những cảm xúc buồn vui, giận ghét hay ước mơ hoài bão của chúng ta. Cuối cùng là thân tâm linh hay là nguồn năng lượng chân như, ý thức để điều khiển mọi vận hành trong thân tâm chúng ta trong mọi lúc mọi thời.

Bird 1

Thân vật lý của chúng ta tự nó không thể vận hành được nếu không được cung cấp năng lượng và điều khiển. Để cho tất cả các cơ quan và hệ thống trong thân vật lý có thể được vận hành một cách đồng bộ và nhịp nhàng, chúng ta cần cung cấp năng lượng cho nó nhờ có thân sinh lý để biến đổi và chuyển hóa hết tất cả những nguồn nguyên liệu khác nhau từ thức ăn, thức uống, không khí thành ra năng lượng cho nó. Bởi vì chúng ta có rất nhiều nguồn nguyên, nhiên liệu khác nhau cũng như thân sinh lý phải tiết ra rất nhiều loại men, dịch tiêu hóa khác nhau và tạo nên rất nhiều phản ứng sinh lý, sinh hóa khác nhau, nên chúng ta cần có một hệ thống thân cao cấp hơn để điều khiển và kiểm tra sự hoạt động và vận hành của các thân sinh và vật lý dưới nó. Đó là thân tâm lý hay là các xúc cảm và ý thức của chúng ta. Dĩ nhiên thân tâm lý này chỉ có thể hoạt động và vận hành được khi chúng ta còn có sự tỉnh thức, còn làm chủ hay còn sống sót. Còn những lúc khác như: khi chúng ta ngủ, bị hôn mê, bị tai nạn khủng khiếp hay khi ta rời xa thân này, nó sẽ không điều khiển hay giúp gì được cho chúng ta mà chỉ có thân tâm linh hay nguồn năng lượng chơn như của chúng ta là có mặt thường xuyên và liên tục với chúng ta.

Như vậy, bốn thân này của chúng ta luôn phối hợp chặt chẽ với nhau để vận hành và luôn có mối quan hệ mật thiết hổ tương với nhau, dù rằng mỗi thân đều có những chức năng và nhiệm vụ cũng như đặc tính riêng biệt. Chúng không thể được tách rời nhau ra hay không có ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi thân khi có sự thay đổi hay bị tác động sẽ luôn tạo ra những ành hưởng đến những thân khác xung quanh nó.

Lấy ví dụ như khi chúng ta bị một tai nạn xe cộ từ bên ngoài đưa đến hay khi chúng ta bị trượt chân, vấp ngã và bị rách da hay gãy xương. Mặc dù những nguyên nhân gây nên sự thay đổi này là từ bên ngoài và ban đầu chì là trên thân vật lý của chúng ta, nhưng sau đó nó sẽ làm ảnh hưởng đến thân sinh lý của chúng ta, chẳng hạn như bị mất nhiều máu hay bị nhiễm trùng, rồi kế đến có thể nó cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thân tâm lý của chúng ta, chẳng hạn như lo lắng, sợ hãi, buồn bực, mất ngủ, v.v.v Đó là ảnh hưởng từ thân thỏ đến thân vi tế hay là từ thân vật lý đến thân sinh lý và thân tâm lý.

Một ví dụ thứ hai cho thấy rằng bất cứ một tác động nào làm thay đổi thân thứ hai tức thân sinh lý của chúng ta cũng sẽ gây nên những ảnh hưởng đến thân vật lý và thân tâm lý. Chẳng hạn như khi chúng ta uống rượu, bia, cà phê hay hút thuốc lá. Những hóa chất trong các sản phẩm này khi vào cơ thể mình sẽ làm thay đổi các phản ứng sinh lý, sinh hóa trong cơ thể mình đầu tiên. Sau đó chúng sẽ làm ảnh hưởng đến thân tâm lý của chúng ta, ví dụ như mất tỉnh gíác, mất quyền tự chủ hay làm cho chúng ta hưng phấn hơn, tỉnh táo hơn và hoạt động nhanh nhẹn tích cực hơn. Cuối cùng chúng sẽ làm ảnh hưởng đến thân vật lý của chúng ta, ví dụ như đi không vững vàng, té ngã hay la lối, chửi rủa, đập phá đồ đạc hoặc sụt cân, không muốn ăn, v.v.v.

Cũng tương tự như hai ví dụ trên, ví dụ thứ ba này chỉ ra rằng bất cứ một nguyên nhân nào tác động đến thân thứ ba, tức thân tâm lý của chúng ta đều dẫn đến những hậu qủa liên đới đến các thân sinh lý và thân vật lý. Chẳng hạn như khi chúng ta lo lắng quá, buồn bã quá hay giận dữ quá, mình sẽ không muốn ăn hay nuốt không trôi và như thế sẽ dẫn đến thân thể suy gầy, mệt mỏi, thiếu máu và thiếu dinh dưỡng. Ngay cả nếu khi chúng ta đã lỡ ăn vào rồi mà nếu mình lo lắng, giận dữ, bực tức quá độ thì thức ăn cũng sẽ không được tiêu hóa và làm cho chúng ta bị đầy bụng, tức ngực khó thở và sinh ra bệnh tật.

Light 5
Tóm lại, mặc dầu mỗi thân có chức năng và sự vận hành riêng biệt của nó. Tuy vậy chúng luôn có mối quan hệ hỗ tương liên đới với nhau rất mật thiết như một thể thống nhất. Bất cứ một nguyên nhân nào tác động làm ảnh hưởng đến một thân nào đó trong cơ thể chúng ta thì nó cũng sẽ dẫn đến những hậu qủa liên đới đến tất cả các thân khác của chúng ta. Đó là lý do tại sao trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật đã dạy: “Một là tất cả và tất cả là một,” hay tục ngữ ca dao Việt nam cũng có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.” Vì vậy chúng ta cần phải biết lắng nghe, quan sát và chăm sóc chu đáo tất cả các thân của chúng ta để làm phương tiện cho việc tu tập hay có được một đời sống an hòa lợi lạc cho mình và cho mọi người.

Một cái bình nhơ bẩn hôi hám thì khi ta bỏ vào đó một cái gì đó thơm tho hay tốt đẹp, khi ta lấy vật đó ra không nhiều thì ít vật đó cũng sẽ bi nhuốm cái nhơ bẩn và mùi hôi hám từ cái bình chứa. Cũng vậy, một tờ giấy được dùng để gói hàng. Nếu chúng ta gói trong đó là một gói cà phê hay một bó nhang thơm thì khi ta lấy hàng hóa ra ngoài rồi tờ giấy vẫn còn giữ được mùi thơm thấm vào trong nó khá lâu. Nhưng nếu ta gói trong đấy là một thứ gì hôi hám nhơ bẩn, chẳng hạn như cá khô, phân thối thì khi ta lấy những thứ đó ra ngoài rồi, miếng giấy vẫn còn giữ mùi hôi thối đó một thời gian khá dài.

Trong con người của chúng ta cũng vậy. Chúng ta có tất cả bốn thân, hai thân vật lý và sinh lý là hữu hình, có hình tướng và có giới hạn, còn hai thân tâm lý và tâm linh thì vô hình tướng, không có giới hạn. Cũng tương tự như các ví dụ ở trên. Nếu thân vật lý hay sinh lý của chúng ta mà bị bế tắc ô nhiễm thì thân tâm lý và tâm linh của chúng ta cũng bị ảnh hưởng không nhiều thì ít. Ngược lại nếu như thân vật lý và sinh lý của chúng ta được thông thoáng, trong sạch thì thân tâm lý và tâm linh của chúng ta sẽ được thanh tịnh nhẹ nhàng. Do vậy việc thanh lọc thân tâm là phương pháp đon giản và căn bản nhất cho việc phòng và trị bệnh cũng như phát triển trí huệ và thăng hóa tâm linh.
THANH LỌC CƠ THỂ

Đây là một quá trình thanh lọc và chuyển hóa từ thấp lên cao, từ thô đến vi tế. Chúng ta cần tẩy tịnh từ thân vật lý đến thân sinh lý, tâm lý và thân tâm linh.

Thế nào là thanh lọc thân vật lý? Tức là làm sạch cái thân vật chất thô thiển của chúng ta từ bên ngoài đến bên trong và làm cho nó được thông suốt từ trong ra ngoài và từ trên xuống đến dưới. Không những chúng ta cần tắm rửa sạch sẽ bên ngoài mà mình cũng cần dọn dẹp sạch sẽ các rác rưởi độc tố, chất dịch nhầy hay cặn bẩn và chất cấu uế bên trong tất cả các hệ thống đường ống, các cơ quan và các tế bào. Mình cũng cần khai thông tất cả những chổ bị bế tắc. Muốn làm được việc này đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết và phối hợp chặt chẽ các khâu với nhau cho thật hợp lý và khoa học. Truớc hết chúng ta cần phải hạn chế hay ngưng đưa vào cơ thể mình những chất thô cứng hay những thức ăn có độc tố, hóa chất. Kế đến mình nên ngừng không đưa vào những thức ăn có chất tinh bột (chất đường), chất đạm và chất béo. Bởi vì nếu chúng ta còn tiếp tục đưa vào cơ thể mình những thức ăn này thì nó sẽ hút vào chứ không chịu đẩy ra. Khi chúng ta không tiếp tục đưa vào những thức ăn này thì cơ thể mình sẽ đẩy hết tất cả những năng lượng dự trữ trong các kho ra và như vậy độc tố, cặn bã và rác rưởi cũng sẽ được đẩy ra ngoài. Điều này cũng gần giống như ở nhà mình, nếu chúng ta không tiếp tục đi mua sắm thêm thức ăn và hàng tiêu dùng từ siêu thị bên ngoài thì mình mới chịu sử dụng hết tất cả thức ăn được dự trự trong tủ đông đá, tủ lạnh, thức ăn khô trong kho chứa cũng như các hàng tiêu dùng được dự trữ. Từ đó mình mới có cơ hội để dọn dẹp sạch sẽ và nhà cửa được gọn gàng ngăn nắp hơn.

Toàn bộ cơ thể chúng ta là những hệ thống đường ống vận chuyển và kho chứa. To lớn và thô thiển nhất là hệ thống đường ống của hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Kế đến là hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch và hệ thần kinh, v.v.v. Nhơ bẩn và hôi hám nhất là hệ thống đường ống của hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Do vậy chúng ta cần phải khai thông và tẩy rửa hệ thống này trước nhất. Có nhiều phương pháp khai thông và nhiều loại chất liệu tẩy rửa khác nhau tùy theo mỗi loại bệnh lý và cơ địa của người thực tập. Chúng ta có thể tham khảo thêm trong loạt bài “Phương pháp thanh lọc cơ thể bằng nước lọc, nước CHIA” hay “Hướng dẫn thanh lọc trị bệnh ung thư hay mãn tính.”

Điều tối quan trọng là chúng ta phải hiểu biết về nguyên tắc vận hành của cơ thể mình và đặc biệt là hệ tiêu hóa và hệ bài tiết trong giai đoạn này để việc thanh lọc đạt được kết qủa tối ưu. Ví dụ như trong thời gian thanh lọc thân này nếu chúng ta đưa bất cứ một loại thực phẩm nào vào miệng mình mà có chất tinh bột, đường, chất đạm hay chất béo thì cơ thể chúng ta và đặc biệt là hệ tiêu hóa sẽ hút vào bên trong thay vì đẩy ra ngoài. Do vậy, nếu như chúng ta muốn thanh lọc để tẩy rửa và loại bỏ hết những độc tố cặn bã đã tích lũy trong cơ thể chúng ta từ nhiều năm nay hay nếu như chúng ta muốn loại trừ bớt những năng lượng dư thừa bị tích tụ trong cơ thể mình dưới dạng các phân tử đường dự trữ như glycogen hay các mô mỡ, mô béo thì chúng ta phải ngưng không được đưa tất cả các loại thức ăn hay thức uống có chứa các chất trên vào cơ thể mình đặc biệt là những ngày đầu tiên trong quá trình thanh lọc.

Nguyên tắc căn bản thứ hai là “nước chảy về chổ trũng hay các pháp sẽ đi từ trên cao xuống dưới thấp, đi từ nơi có nhiều đến nơi có ít.” Mỗi khi chúng ta đói bụng và mình ăn hay uống bất cứ thứ gì vào bụng mình thì nó sẽ được vận chuyển vào máu của mình, một phần nhỏ sẽ được thải ra ngoài qua đường hậu môn và thỉnh thoảng hiếm khi chúng bị đi ngược ra lại theo đường trên miệng, tức là mình bị ói mửa. Như vậy, phần lớn tất cả những chất liệu mình đưa vào miệng mình sẽ được đi vào máu. Vì thế phải thật cẩn thận trong thời gian thanh lọc cơ thể vì chúng ta biết rằng đường ruột của mình là nơi nhơ bẩn hôi hám và có chứa nhiều độc tố nhất trong cơ thể chúng ta. Nếu khi chúng ta uống các nước để tẩy rửa vào mà mình không tháo xả những cặn bã độc tố này xuống đường dưới hậu môn thì chúng cũng sẽ theo nước để đi vào trong máu của chúng ta và như thế việc tẩy tịnh sẽ bị giảm thiểu kết qủa. Do vậy, trong những ngày đầu của quá trình tẩy tịnh chúng ta cần phải vận động nhiều và đi đại tiện nhiều lần để tống bớt những chất cặn bã và độc tố này ra ngoài càng nhanh và càng nhiều càng tốt.

lotus flower1
Tiếp theo phần tẩy tịnh cái thân vật chất thô thiển của mình rồi thì chúng ta bắt đầu tiến hành việc thanh lọc phần thân sinh lý của chúng ta. Dĩ nhiên trong quá trình tẩy tịnh cái thân vật chất của mình, chúng ta cũng đang thanh lọc phần thân sinh lý, tâm lý và tâm linh của mình nhưng chưa được sâu sắc và toàn vẹn. Quá trình thanh lọc phần thân sinh lý được tập trung trước hết ở trong hệ tuần hoàn, rồi đến hệ tiết niệu, hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Đây là quá trình sử dụng các chất tẩy rửa vi tế để làm cho các tế bào máu được nở tròn, tự do di chuyển một cách thông thoáng. Tẩy rửa các chất cặn bẩn dính xung quanh các tế bào máu cũng như trong các hệ thống đường ống nhỏ nhiệm vi tế nhằm giúp cho hệ thống đường ống được sạch sẽ, rộng thoáng và giúp cho các tế bào cũng như các chất dịch và nội tiết tố được di chuyển một cách dễ dàng tự do trong đấy. Có rất nhiều loại rau củ và dược thảo khác nhau tác động một cách khác nhau trên các nguyên lý này (xin tham khảo thêm phần hướng dẫn thanh lọc trị bệnh ung thư hay mãn tính và thực phẩm-dược tính và trị liệu.) Ngoài việc khai thông sự bế tắc trong những hệ thống đường ống, tẩy sạch các chất cặn bẩn đóng trong lòng đường ống đến việc làm sạch xung quanh bề mặt các tế bào làm cho sự di chuyển và trao đổi chất được thực hiện tốt đẹp và hiệu qủa hơn, chúng ta còn nhắm đến việc điều chỉnh lại sự bất quân bình trong hệ thống nội tiết tố, sinh lý và các quá trình chuyển hóa trong cơ thể chúng ta nữa. Quá trình này cũng được thực hiện không những bằng việc dùng các loại rau củ và dược thảo mà còn phải được kết hợp với sự vận động cơ thể, xoay chuyển các khớp xương và sự hít thở đúng cách.

Kế đến chúng ta cần phải thanh lọc phần thân tâm lý của mình. Ở đây bao gồm nhiều phần khác nhau. Từ sự thực tập mở rộng tầm nhìn, mở rộng trái tim, đến việc thực tập nhìn tất cả mọi việc như nó thực là. Tập sống với thực tại, bây giờ và ở đây. Không để những ký ức, kỷ niệm kéo chúng ta về với quá khứ hay những phóng tưởng dự kiến, hoang tưởng dẫn ta về hướng tương lai. Chúng ta cần thực tập làm chủ hay tĩnh thức với tất cả những xúc cảm của mình. Thực tập nhìn sâu để thấy bản chất của tất cả mọi hiện tượng, sự vật và các mối quan hệ trong đời sống và xã hội. Tất cả các pháp đều do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt, không trường tồn bất biến, và tất cả các pháp cũng không cò một bản ngã hay chủ thể cá biệt mà chúng luôn luôn liên quan mật thiết với nhau, nương nhau mà có. Do vậy, không nên cố chấp hay bảo thủ những quan niệm hay kiến chấp của mình. Thực tập buông xả những vọng tưởng, những tham vọng, mong cầu ngoài khả năng của chúng ta. Thực tập sống ít muốn, biết đủ. Chúng ta cũng cần có những khoảng thời gian tĩnh lặng cho mình để nhìn thấy rõ các tâm hành và xúc cảm của mình. Vì chúng ta thường có khuynh hướng che đậy, khỏa lấp, sợ sự trống vắng, cô đơn, và từ đó dẫn đến sự lệ thuộc hay dính mắc. Tập buông bò những thói quen không tốt đẹp như ăn tối muộn, thức khuya hay dậy trễ và những sở thích không lành mạnh chẳng hạn, hút thuốc lá, uống rượu bia, đánh bài bạc, v.v.v Phần thân tâm lý này có rất nhiều mức độ vi tế khác nhau và rất khó để nhận diện và chuyển hóa. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải thật tỉ mỉ quan sát với thời gian dài và kiên trì, cũng như cần có nhiều hoàn cảnh nhân duyên khác nhau để cho chúng ta thấy nó được một cách khách quan và toàn diện, từ đó mình mới có thể chuyển hóa chúng được. Nhiều khi mình cần phải có những thiện hữu tri thức hay cộng đồng những người thực tập giỏi mới giúp chúng ta được.

Cuối cùng là việc thanh lọc thân tâm linh của chúng ta. Đây là phần chính yếu của đời sống con người, gia đình, xã hội và vũ trụ. Thế nhưng rất ít khi chúng ta quan tâm đến nó và thực sự hiểu được nó một cách đúng đắn. Phần thân này cũng có nhiều cấp độ vi tế khác nhau. Từ phần thô thiển cạn cợt nhất và dễ thấy nhất như ý thức của chúng ta về mọi hiện tượng sự vật đến sự đối đãi hành xử trong đời sống hằng ngày. Cho đến những giấc mơ, sự tĩnh thức và làm chủ các suy nghĩ, hành động và lời nói của mình. Và cuối cùng là ý thức về sự hiện hữu vĩnh hằng của một năng lượng thường trú bất diệt trong mọi lúc, mọi thời trong con người chúng ta và xung quanh chúng ta, từ lúc chúng ta thức giấc cho đến khi chúng ta ngủ say. Từ lúc chúng ta còn bé cho đến khi chúng ta già, lúc chúng ta hạnh phúc vui vẻ cho đến khi ta bệnh tật, khổ đau. Niềm tin tôn giáo mà chúng ta đặt vào trong cuộc sống cũng chỉ là một phần nhỏ năng lượng tâm linh thực thụ của chúng ta và vũ trụ. Như vậy, chúng ta cần thực tập sống một cách tĩnh thức, không bị kẹt vào một tôn giáo, một ý thức hệ hay một tổ chức đảng phái nào. Thực tập lắng nghe một cách trung thực và trọn vẹn đến tất cả các pháp hiện hữu xung quanh mình và đặc biệt là khi lắng nghe người đối diện. Thực tập sống hòa hợp với thiên nhiên và các qui luật vận hành của nó.

Như vậy, khi chúng ta thanh lọc thân tâm là chúng ta đang từng bước tịnh hóa thân vật chất, đến thân sinh lý, tâm lý và thân tâm linh của mình. Nói cách khác là chúng ta đang từng bước trở về với con người chân thật, thanh tịnh tịch tĩnh chơn như của mình và hòa nhập với đại đồng vũ trụ. Nếu ý thức và làm được như vậy, chúng ta không những có được một thân thể khỏe mạnh mà còn có được một trí tuệ siêu việt và đời sống tâm linh thăng hoa. Chúng ta không những có thể tự giúp được mình mà còn có thể giúp được những người thân trong gia đình mình và cả cộng đồng và xã hội nữa. Nếu ý thức và thực hiện được như vậy tức là chúng ta cũng đang từng bước chuyển hóa lại môi trường và vũ trụ, làm cho nó được trong sạch và ôn hòa hơn, bình an và tươi đẹp hơn để chúng ta và con cháu ta mai sau vẫn luôn hưởng được những cảnh thanh bình của vũ trụ và hít thở được bầu không khí trong sạch của thiên nhiên. Mong rằng một chút chia sẽ này sẽ giúp các bạn tĩnh thức, suy nghiệm và thực tập để đem lại sức khoẻ, niềm vui, năng lực, trí tuệ cho các bạn. Thăng hoa đời sống tâm linh của mình và người. Kính chúc các bạn được thành tựu tốt đẹp.

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box