Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Đau Nhức Và Cảm Giác Khó Chịu

Khi bạn bị đau, nhức, khó chịu trong thân, điều đó có nghĩa là tâm bạn đang có phản ứng chống đối lại chúng và do đó bạn chưa thể quan sát những cảm giác khó chịu này một cách trực tiếp

được. Dĩ nhiên không ai thích đau cả, nhưng nếu bạn quan sát cơn đau trong khi vẫn còn chống đối, kháng cự lại, thì nó sẽ càng đau hơn. Cũng giống như khi bạn đang tức giận một ai đó, càng nhìn thấy mặt lại càng thấy tức. Vì vậy, đừng bao giờ tự cưỡng ép mình quan sát cái đau; đây không phải là một trận chiến mà chỉ là một cơ hội để bạn học hỏi. Đừng quan sát cái đau với mục đích là làm cho nó bớt đau hoặc biến mất. Bạn quan sát cái đau, và nhất là phản ứng của tâm đối với cái đau đó, để hiểu được mối liên hệ giữa phản ứng của tâm với các cảm giác trên thân.

Việc đầu tiên là phải kiểm tra lại thái độ hành thiền của mình. Mong muốn cho cái đau giảm bớt đi hoặc biến mất là một thái độ sai lầm. Vấn đề không phải là ở chỗ cái đau có mất đi hay không. Đau không phải là một vấn đề khó khăn; phản ứng tiêu cực của bạn với nó mới chính là vấn đề. Nếu đau do một chấn thương nào đó thì bạn cần phải thận trọng không làm cho sự việc tồi tệ hơn, song nếu bạn vẫn khoẻ mạnh thì cái đau chỉ là cơ hội tốt cho bạn tập quan sát tâm mình đang hoạt động ra sao. Khi đau, các cảm xúc và phản ứng trong tâm rất rõ và do đó rất dễ quan sát. Hãy học cách quan sát tâm sân hoặc sự kháng cự, chống đối cái đau, sự căng thẳng và khó chịu ở trong tâm bạn. Nếu cần thiết, hãy luân phiên kiểm tra lại các cảm xúc của mình và thái độ đằng sau sự kháng cự ấy. Thường xuyên tự nhắc nhở mình thư giãn cả thân lẫn tâm, quan sát tác động của việc đó đối với sức kháng cự trong tâm mình như thế nào. Giữa tâm và cái đau có một mối liên hệ trực tiếp với nhau. Tâm quan sát càng thư giãn và tĩnh lặng, bạn càng ít bị căng thẳng khi có cảm giác đau. Dĩ nhiên, khi tâm phản ứng quá mạnh với cái đau (khi cái đau đến mức không thể chịu đựng nổi chẳng hạn), thì bạn nên nhẹ nhàng chuyển sang một tư thế khác cho thân mình được thoả mái đôi chút.

 

 

Vì vậy, nếu bạn muốn học cách ứng phó với cái đau một cách khôn khéo thì hãy làm như sau: ngay từ khi bắt đầu có cảm giác đau, dù chỉ đau rất ít, hãy kiểm tra lại xem thân và tâm mình có bị căng thẳng hay không, rồi thư giãn, buông lỏng ra. Một phần tâm của bạn vẫn hay biết được cái đau. Hãy kiểm tra lại nhiều lần xem mình có bị căng thẳng không và thư giãn, thả lỏng ra nữa. Cũng cần kiểm tra lại thái độ hành thiền của mình và tự nhắc mình rằng nếu đau quá thì ta có thể đổi sang tư thế khác, chính điều này sẽ làm cho tâm bạn sẵn sàng quan sát cái đau hơn. Hãy lặp lại cách làm này nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy không muốn ngồi thêm để quan sát sự căng thẳng, nỗi sợ đau, ý muốn đứng dậy hay tiếp tục trụ lại chút nào nữa. Bấy giờ, bạn hãy thay đổi tư thế.

Có thể chịu đựng được cái đau không có nghĩa là bạn đã được có tâm xả. Hầu hết chúng ta đều bắt đầu bằng cách cố gắng ngồi cho trọn một khoảng thời gian ấn định nào đó, tự cưỡng ép mình phải ngồi yên, không được nhúc nhích, cựa quậy. Khi ngồi được suốt cả giờ như vậy, chúng ta cảm thấy mình thật là tài, thật là giỏi; còn nếu không được thì chúng ta lại cho là mình đã thất bại. Thông thường, chúng ta cứ cố chịu đựng cái đau được càng lâu càng tốt, cố gắng rèn luyện để đẩy cái ngưỡng chịu đựng đó lên cao hơn một chút. Tuy nhiên, trong quá trình đó chúng ta lại quên không chịu nhìn lại tâm mình và không ý thức được các phản ứng của tâm đối với cái đau đó như thế nào. Chúng ta đã không nhận ra được một điều là: đẩy cao ngưỡng chịu đựng lên như vậy không có nghĩa là tâm đã hết phản ứng đối với cái đau.

Nếu bạn không tự cưỡng ép mình phải ngồi cho trọn thời gian ấn định, mà thay vào đó bạn quan sát các phản ứng trong tâm theo cách như trên, sự kháng cự cái đau sẽ giảm dần và tâm bạn sẽ trở nên quân bình hơn. Hiểu được sự khác biệt giữa tâm quân bình-xả và khả năng chịu đau là điều rất quan trọng. Thiền chánh niệm không phải là để cưỡng ép mà là để hiểu biết. Tâm xả thực sự là kết quả của sự hiểu biết về bản chất của những cái thích và không thích của mình, nó chỉ có được qua quá trình quan sát và thẩm nghiệm.

Tốt nhất là chỉ quan sát trực tiếp cái đau khi không còn cảm thấy chống đối, kháng cự lại cái đau nữa. Hãy luôn nhớ rằng có thể vẫn còn sự phản ứng ở một mức độ vi tế nào đó. Ngay khi bạn nhận ra được tâm khó chịu như vậy, hãy quay sự chú ý của mình về cảm giác khó chịu đó. Nếu bạn có thể thấy được sự khó chịu vi tế trong tâm, hãy quan sát sự thay đổi của nó; nó tăng lên hay giảm đi? Khi tâm đã trở nên nhạy cảm và quân bình hơn, nó sẽ nhận diện được những phản ứng vi tế một cách dễ dàng. Nếu bạn nhìn sự khó chịu trong tâm ở mức vi tế, bạn sẽ đạt đến một mức mà tâm bạn cảm thấy hoàn toàn buông xả. Nếu bạn nhìn thẳng vào cơn đau với một tâm xả thực sự, sự khó chịu trong tâm sẽ không còn khởi lên nữa.

 

 

Luôn nhớ rằng bạn không quan sát các phản ứng của tâm với mục đích là để diệt trừ chúng. Hãy coi các phản ứng của tâm mình như một cơ hội để nghiên cứu về bản chất của chúng. Hãy tự hỏi mình các câu hỏi như: các phản ứng ấy làm bạn cảm thấy ra sao? Khi ấy bạn có những suy nghĩ gì? Cái bạn nghĩ có ảnh hưởng thể nào đến các cảm xúc trong tâm mình? Và ngược lại, những cảm xúc trong tâm ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn ra sao? Đằng sau những suy nghĩ ấy là thái độ gì? Những cảm xúc, suy nghĩ và thái độ ấy có làm thay đổi nhận thức của bạn về cái đau hay không?

Hãy cố gắng áp dụng cách thức trên để ứng phó với bất cứ cảm giác khó chịu nào trong thân như ngứa ngáy, nóng, lạnh...Hơn nữa, những kỹ năng học được khi xử lý các phản ứng đối với cảm giác khó chịu nơi thân cũng có thể được áp dụng đối với các loại phiền não như sân hận, giận dữ, thất vọng, chống đối cũng như hạnh phúc, vui sướng, tham dục hay sự dính mắc. Chúng và tất cả họ hàng, thân thích - kể cả bà con xa của chúng đều cần phải được giải quyết theo cách tương tự như cái đau. Chúng ta cần phải học cách nhận diện và buông bỏ cả dính mắc lẫn chống đối, sân hận.

Điều quan trọng là khi xem xét các cảm xúc, bạn nên nhớ rằng chúng chỉ là các hiện tượng tự nhiên. Chúng không phải là cảm xúc "của bạn" – bất cứ ai cũng trải nghiệm những cảm xúc như thế. Những tư tưởng và hình ảnh trong tâm đi kèm với các cảm xúc cũng vậy, chỉ là những hoạt động tự nhiên của tâm. Mỗi khi bạn tự đồng hóa mình với các tư tưởng hay hình ảnh ấy, cảm xúc lại được "đổ thêm dầu" để bùng cháy mãnh liệt hơn.

Tuy nhiên, nếu cảm xúc quá mạnh, rất có thể bạn sẽ không đủ khả năng để quán sát các tư tưởng liên hệ với chúng mà không bị dao động. Trong trường hợp ấy, tốt nhất là chỉ đơn thuần ghi nhận trạng thái thích hay không thích liên quan đến cảm xúc ấy. Giải pháp sau cùng là hướng tâm tới một đối tượng trung tính nào đó, như hơi thở chẳng hạn, để giải tỏa dòng suy nghĩ bất tận ấy. Phương cách này giúp bạn dứt ra, không bị lôi cuốn vào "câu chuyện" trong tâm đang trở nên lê thê và phức tạp.

Dần dần, khi sự quan sát cảm xúc đã trở nên nhạy bén và quân bình, bạn sẽ nhận ra được mối quan hệ chặt chẽ giữa các cảm xúc trong tâm và các cảm giác trên thân, cũng như các tư tưởng liên hệ với chúng. Càng hiểu biết về mối tương quan ấy, bạn càng có khả năng xử lý một cách hữu hiệu bất cứ cảm xúc nào nổi lên.

Cuối cùng, bạn cần phải luôn luôn kiểm tra lại thái độ của mình, kiểm tra lại xem mình đang đón nhận các cảm xúc hay đang chống cự lại nó. Chừng nào bạn còn chưa nhận ra được sự chống đối hay sự tự đồng hóa mình với các cảm xúc, chừng ấy các cảm xúc vẫn có cơ hội tăng trưởng. Nên nhớ rằng bạn không cần phải xua đuổi cảm xúc hay trách cứ bất cứ người nào, mà hãy dùng cảm xúc để hiểu thêm về sự vận hành và bản chất của tâm mình.

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box