Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Tứ Niệm Xứ

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Ni sư Ayya Khema

3. Thực hành Vipassana và những tình huống trong đời thường: 

Mọi người thường nghĩ rằng việc thực hành Vipassana chỉ giới hạn trong tư thề ngồi trong một số giờ nào đó, quan sát một cách chánh niệm sự phồng xẹp của bụng kết hợp với sự giữ tỉnh giác khi thiền hành.  Tuy nhiên, khi một khi hàng giả đặt chánh niệm lại phía sau tọa cụ để trở về với các sinh hoạt của đời sống hàng ngày, hành giả sẽ đem theo với mình một chút trí tuệ giải thoát như là kết quả của quá trình thực hành nội quán. 

Vipassana trong thực tế không phải là một hoạt động bán thời gian. Sự phát triển tâm sẽ không có hiệu quả nếu hành giả chỉ thực sự thực hành chánh niệm trong những khóa thiền hoặc trong những buổi tọa thiền hàng ngày, thời gian còn lại thì lại quên không ghi nhận. Chánh niệm được phát triển trong một khóa tu hoặc trong những buổi ngồi thiền hàng ngày có thể có tác dụng của nó trong một khoảng thời gian nào đó sau đó, nhưng nếu hành giả xao lãng việc thực hành chánh niệm trong các hoạt động khác trong đời sống hàng ngày, năng lực chánh niệm sẽ nhanh chóng tàn lụi đi. Hành giả lại sẽ tiếp tục đãng trí (phóng dật) và nhanh chóng rơi vào những nếp thói quen suy nghĩ của mình như trước đây. 

Không cần nói chúng ta cũng biết rằng trong các tình huống của đời thường, chúng ta không thể thật sự chánh niệm như lúc chúng ta hành thiền. Nhưng một khi chánh niệm được tiếp tục duy trì, ngay cả chỉ ở một mức độ hời hợt, nó sẽ có lợi cho hành giả, cụ thể là cho thái độ của hành giả trong đời sống xã hội và cũng như trong việc thực hành của chính mình. 

Trau dồi thói quen làm việc có chánh niệm trong các tình huống bình thường hàng ngày cũng có tác dụng của nó đối với thiền tập theo nghĩa là định và niệm luôn có mặt - trong một chừng mực nào đó - sẵn sàng cho một sự phát triển sâu hơn để giúp hành giả có được sự ghi nhận sắc nét một cách liên tục, không gián đoạn. Giữ chánh niệm một cách liên tục ở mọi mức độ cũng sẽ giúp chúng ta không bị các chướng ngại áp đảo trong những tình huống đời thường . 

Lợi ích của một cái tâm luôn được chánh niệm canh phòng là trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ ít bị quên hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta không còn phải mất thời gian và năng lượng tìm kiếm đồ vật đã để đâu đó mà không nhớ do lãng trí hay do thiếu sự chú ý. Có rất nhiều trường hợp chúng ta thấy mình ở trong tình thế bối rối, khó xứ do không có chánh niệm. 

Chánh niệm trong mọi sinh hoạt ngăn chặn những kích thích không cần thiết không cho sinh khởi do bởi chúng ta có được một sự nhận thức đầy đủ về những gì mà chúng ta đã làm trước đó. Lời nói và hành động của chúng ta sẽ trở nên thận trọng hơn. 

Một lợi ích khác của chánh niệm là chúng ta sẽ ít mắc lỗi hơn. Chúng ta biết rất rõ những gì chúng ta đang làm, không cho phép mình mơ mộng hoặc cố gắng làm nhiều việc khác nhau trong cùng một lúc để sao cho được nhanh nhất. Chỉ thêm chút ít thời gian mà hành giả dành ra để thực hành chánh niệm và làm mỗi lúc chỉ một việc thôi sẽ giúp cho công việc có hiệu quả hơn. Chúng ta thường mất nhiều thời gian để sửa chữa những sai lầm hơn là thời gian cần để làm công việc trong sự chánh niệm. 

Có những trường hợp trong đó chúng ta rất khó giữ chánh niệm. Chúng được gọi là những kẻ thù trực tiếp của chánh niệm. Kẻ thù đầu tiên là những cử chỉ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Ví dụ, cười ầm ĩ, thể hiện tâm trạng vui của mình bằng cách vỗ lên lưng người khác, chắc hẵn là những hành động thiếu chánh niệm. Các bậc A la hán luôn luôn giữ chánh niệm và khi trải nghiệm hạnh phúc, các ngài chỉ mĩm cười. Trong sinh hoạt hàng ngày qua lời nói và hành động, chúng ta có xu hướng thể hiện rất nhiều cử chỉ không cần thiết mà chúng ta hầu như không thấy . 

 Một mối nguy hiểm khác luôn rình rập chánh niệm là dòng cảm xúc sinh khởi một cách không kiểm soát ( khi các giác quan tiếp xúc với những cảnh gây ấn tượng cho chúng) tác động vào ý thức mà chúng ta " nuốt vào" hàng ngày . Chúng cung cấp thức ăn hàng ngày cho những trạng thái tâm bất thiện. Cũng có những trạng thái tâm lành mạnh, chẳng hạn như lòng từ bi khi sinh khởi khi chúng ta nhìn thấy sự đau khổ của người khác. Tuy nhiên những suy nghĩ của chúng ta bắt nguồn chủ yếu từ sự chấp thủ, sân và si nhiều hơn những suy nghĩ mà chúng ta có thể nương tựa vào, chẳng hạn những suy nghĩ về sự thân thiện, lòng từ vô tư dành cho mọi chúng sinh và những suy nghĩ có trí tuệ. Canh giữ các cánh cửa giác quan giúp cho chúng ta tuyển chọn những dữ liệu đầu vào cho tâm, không những chỉ làm cho chánh niệm của chúng ta sắc bén hơn mà còn giúp kiềm chế những phản ứng mang tính cảm xúc. Canh phòng các cửa giác quan và có sự chọn lọc hơn trong việc thu nhận các dữ liệu đầu vào sẽ không chỉ làm cho chánh niệm sắc nét mà cón giúp kiềm chế các phản ứng mang tính cảm xúc theo thói quen của một người. 

Kẻ thù thứ ba là niềm đam mê của mình. Những trạng thái tâm liên quan đến tham, sân và si đều có mối liên hệ chặt chẽ với sự sinh khởi của các cảm xúc. Nếu không được làm giảm đi bởi chánh niệm, cảm xúc có xu hướng áp đảo chúng ta. Cảm xúc chủ yếu được xây dựng trên những quan điểm bi quan về thực tại kết hợp với khuynh hướng xem trọng bản ngã, thí dụ như "kinh nghiệm của tôi ", "tôi bị thương ", v.v... 

Để duy trì chánh niệm càng nhiều càng tốt trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải có sự chọn lọc để bảo vệ mình chống lại những mối nguy hiểm này và phải kiên trì ghi nhận bất cứ khi nào chúng ta có thể. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thể tiếp xúc thường xuyên với những người mà bản thân họ cũng thực hành chánh niệm và có kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hành Vipassana. 

Chúng ta nên tránh tiếp xúc, gần gủi với những người không quan tâm đến việc thực hành hoặc không thấy sự lợi ích trong việc phát triển tâm mặc dù điều này không phải luôn luôn là một sự trở ngại đối với chúng ta. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải xem những người này như là những kẻ thù đầy tiềm năng cho việc thực hành của mình. Điều duy nhất chúng ta phải làm là bảo vệ tâm của chính mình hơn là xét đoán về người khác. Khi chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm tốt đẹp về lợi ích của sự phát triển chánh niệm cho cuộc sống của 

chúng ta với người khác, đây là điều mà chúng ta lúc nào cũng nên làm. 

Với sự kiên trì ghi nhận một cách liên tục, năng lực chánh niệm của chúng ta sẽ trở nên tự nhiên và dần dần sẽ trở thành một thói quen. 

Phát triển sự đơn thuần chú ý hay chánh niệm ( sati ) là một công cụ nhằm chấm dứt những xung đột nội tâm (dukkha) và bất hòa trong cuộc sống của chúng ta, phiền não không tự kết thúc trong chính nó. 

Trong việc thực hành này, sẽ hữu ích nếu chúng ta có thể nhận ra rằng mỗi khi có sự ghi nhận sắc bén, dukkha (khổ ) không thể phát sinh tại thời điểm mà chúng ta đang ghi nhận. Nếu sự ghi nhận của chúng ta sắc bén, sẽ không có khoảng hở giữa những khoảnh khắc ghi nhận các tiến trình thân và tâm (để phiền não có thể len vào tấn công). Kết quả của chánh niệm đem lại chính là sự yếu dần của dính mắc, chấp thủ - nguyên nhân của khổ . 

Người ta thường xem xét dính mắc, chấp thủ như là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội. Theo một cách nào đó thì họ đúng. Chính vì dính mắc, chấp thủ mà người ta xây dựng cuộc sống gia đình hay xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, vì dính mắc, chấp thủ mà nảy sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ xã hội giữa mọi người. Trên thực tế, chúng ta không chống lại sự dính mắc, chấp thủ, nhưng chúng ta nên nhận ra rằng nó có hậu quả của nó - đó là khổ (dukkha). 

Mặt khác , chánh niệm cũng giúp chúng ta phát triển một mối quan tâm chân chánh với nhau, đó là sư thân thiện vô tư, không vụ lợi (Metta ) và từ bi ( Karuna ) hoặc là chúng ta hoan hỷ với thành công và hạnh phúc của người khác (Mutida). Những phẩm chất cao thượng của tâm chỉ có thể đạt đến sự toàn hảo khi chúng không bị ngăn ngại bởi dính mắc, chấp thủ. Kết quả là tâm của chúng ta sẽ đạt đến một trạng thái yên tĩnh do không vướng vào sự ưa thích hơn. Dính mắc, chấp thủ làm cho chúng ta trở nên thành kiến và thiên vị. 

Áp dụng chánh niệm miên mật sẽ dẫn đến một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất vô thường của mọi hiện tượng (anicca ), cho chúng ta thấy đặc tính đối lập của nó với dính mắc, chấp thủ. Bởi vì dính mắc, chấp thủ có nghĩa là bám níu, nắm giữ, nên nó gây khổ (dukkha). Khi chúng ta buông bỏ tham ái, chấp thủ, kết cuộc là chúng ta sẽ thoát khổ. Điều đó không có nghĩa chúng ta chỉ biết an nhiên hưởng lạc. Tự biết được bản chất của khổ trong cuộc sống của chúng ta là như thế nào và dần dần thoát khỏi nó, chúng ta sẽ có lòng bi mẫn đối với chính bản thân mình cũng như với những người khác.

Khi tự biết những gì là khổ trong cuộc sống của mình và dần dần thoát khỏi nó, người ta sẽ có lòng từ bi đối với chính mình và người khác nhất là khi chúng ta nghĩ đến nỗi sợ của việc trôi lăn bất tận trong vòng sinh tử luân hồi. Một khi đã thanh lọc tâm khỏi mọi trạng thái phiền não, chúng ta có thể giúp đỡ người khác một cách hiệu quả hơn mà không dính mắc với lợi những ích cá nhân vì đây là cái có mối quan hệ chặt chẽ tham ái và chấp thủ. 

4. Hướng dẫn thực tiễn cho việc thực hành Vipassana 

Đối với hành giả, điều quan trọng là phải hiểu thấu đáo những lời giảng dạy, hướng dẫn về thiền Vipassana và áp dụng chúng một cách chính xác. Mặc dù có một số phương pháp thực hành Vipassana khác nhau, chúng đều nhằm mục đích là phát triển năng lực nội quán và trí tuệ bằng cách quan sát các tiến trình tâm và thân ( nama -rupa). Để leo lên một ngọn núi, chúng ta có thể sử dụng các khả năng và kỹ thuật khác nhau nhằm lên tới đỉnh. Tất cả những ai bắt đầu leo núi, đều muốn cách này hoặc cách khác để lên đến đỉnh. 

 Chúng ta hãy bắt đầu với một phương pháp và không nên kết hợp nó với các hướng dẫn khác hoặc kết hợp nó với những phương pháp khác. Việc này chắc chắn sẽ dẫn đến sự rối rắm, nhầm lẫn, và đi ngược lại với mục đích của Vipassana. Mục đích cụ thể của Vipassana là để đạt được sự rõ ràng, không nhầm lẫn hoặc trí tuệ. Trước khi bắt tay vào việc thực hành Vipassana hành giả nên xem xét kỹ lưỡng những điểm sau đây. Chúng ta nên biết mục đích của việc bắt đầu thực hành Vipassana của mình có phù hợp với mục đích của Vipassana hay không. 

Hành giả nên biết rõ rằng thực hành Vipassana đòi hỏi một " tinh thần chiến đấu" nhất định nào đó theo nghĩa là không bỏ cuộc quá dễ dàng. 

Hành giả có thể được so sánh với một chiến binh đang ra chiến trường để chinh phục phiền não, tức là đau khổ dưới mọi hình thức, hoặc biểu hiện ra ngoài hoặc được che đậy. Nó đòi hỏi chúng ta phải chân thực, rạch ròi đối với chính mình. Chúng ta phải can đảm và không quá tự hào để có thể thừa nhận những điều kém khả ái, không dễ thương trong chính mỗi chúng ta và phải sẵn sàng đối mặt để loại trừ chúng. 

Trong bất kỳ một trận chiến nào, người ta cũng cần nghỉ ngơi đôi chút để phục hồi sức mạnh. Chúng ta nên tránh sự căng thẳng quá mức. 

Việc thực hành của chúng ta sẽ có hiệu quả nếu chúng ta làm cho tâm an tịnh và phát triển dần dần định và niệm để làm vũ khí trang bị cho nó. Nếu không có sự kiên nhẫn và tự chấp nhận, việc thực hành sẽ trở nên mất quân bình. Tự chấp nhận có nghĩa vào thời điểm chúng ta khởi sự thực hành, bản thân chúng ta như thế nào cứ chấp nhận mình như thế ấy. Những ý tưởng về bản thân, những gì mà chúng ta muốn hoặc không muốn mình như vậy, sẽ là một trở ngại cho sự tiến bộ và chắc chắn không phải là kết quả của một sự nội quán sắc bén. 

Khi bắt đầu thực hành, chúng ta nên mặc quần áo rộng để che chở cơ thể. Trong một khóa tu, chúng ta nên bỏ mọi vật dụng của chúng ta trong cốc (kuti) hoặc trong phòng một cách trật tự và sắp xếp sao cho thuận tiện khi sử dụng. Như vậy, chúng ta sẽ không phải mất thời gian và năng lượng để tìm kiếm những thứ mà chúng ta cần . Chúng ta chỉ nên mang theo những thứ cần thiết nhất. Không nên đọc sách và viết lách. 

Ngay từ lúc bắt đầu khóa tu, chúng ta cố gắng để làm cho mọi hoạt động chậm lại và giữ im lặng nghiêm ngặt. Nói chuyện là một trở ngại đáng kể đối với một người đang thực hành Vipassana tích cực. 

Việc quan trọng là đầu tiên hết chúng ta phải lưu ý đến tư thế của chúng ta. Chúng ta nên ngồi xếp bằng trên một cái gối nhỏ đặt trên chiếu hoặc trên một tấm vải lót. Hai đầu gối phải chạm sàn , lưng thẳng, (phần trên của ) hai cánh tay buông thẳng xuống. Hai bàn tay đặt nhẹ nhàng trên đùi, tay phải đặt bên trên tay trái, lòng bàn tay ngữa lên trên, các ngón tay chạm nhẹ vào nhau. 

Mặt phải được giữ thư giãn, mắt nhắm và miệng khép lại. 

Để thư giãn thân, chúng ta có hít vào sâu và thở ra chầm chậm ba lần. Sau đó chúng ta từ từ hướng sự chú ý đến bộ phận cơ thể được gọi là bụng. 

Khi chúng ta có thể cảm nhận sự chuyển động của bụng một cách rõ ràng, chúng ta bắt đầu quan sát nó bằng cách dùng tâm ghi nhận theo những gì mà chúng ta phân biện. Khi hít vào thấy bụng phồng lên, chúng ta ghi nhận "phồng", tương tự khi thở ra bụng xẹp xuống chúng ta ghi nhận (xẹp). Chúng ta không nên hình dung thấy bụng của chúng ta ra sao hay nhìn nó. Nếu chuyển động của bụng không rõ ràng, chúng ta có thể đặt tay nhẹ nhàng lên bụng để cảm nhận sự phồng, xẹp của nó cho rõ ràng hơn và ghi nhận theo cách đã nói trên. 

Lúc đầu mới thực hành, không nên lưu ý đến các đối tượng khác trừ phi chúng trở nên quá nổi trội và chúng ta không thể phớt lờ chúng được. Ví dụ, khi có cảm giác đau, chúng ta ghi nhận "đau " một vài lần. Và rồi không quan tâm gì thêm đến cái đau nữa, chúng ta quay trở lại với đối tượng thiền ban đầu, đó là sự chuyển động của bụng. Nếu đau vẫn tiếp tục, chúng ta lại ghi nhận nó theo cách này. Chúng ta không nên thay đổi tư thế. Chỉ khi cái đau trở nên không còn chịu đựng nổi, chúng ta mới quyết định đổi oai nghi. Nếu chúng ta thực hành như vậy thật chánh niệm, chúng ta có thể quan sát mọi sự thay đổi diễn ra trong thân lẫn tâm. 

Không nên bắt đầu ghi nhận các hiện tượng khác trước chúng ta ghi nhận chuyển động phồng, xẹp của bụng được rõ ràng và có thể dán tâm lên đó để theo dõi nó trong một thời gian mà không có sự gián đoạn. Sau đó, khi chánh niệm trở nên sắc bén hơn, và khi các hiện tượng khác trong thân và tâm nổi trội hơn so với phồng, xẹp của bụng, chúng ta theo đó mà ghi nhận các hiện tượng nổi trội khác đó . Sau khi ghi nhận chúng xong, chúng ta lại quay về với đối tượng căn bản là phồng xẹp. 

Trong khi ghi nhận , điều quan trọng là phải biết cái gì đang được ghi nhận. Để có được kiến thức đó, hành giả "đặt tên hoặc dán nhãn" cho cái gì đang sinh khởi và được ghi nhận. Có nghĩa là hành giả dán nhãn hoặc đặt tên cho cái đối tượng đang được hay biết theo đúng bản chất của nó, chẳng hạn "suy nghĩ" trong khoảnh khắc hành giả nhận thấy có sự suy nghĩ. Tương tự như vậy, chúng ta có thể ghi nhận nghe, ngửi, nóng, đau, ngứa v.v... khi chúng là những đối tượng của sự hay biết của chúng ta. Chúng ta nên đặt tên thật ngắn gọn, không lưu ý đến đối tượng nhiều hơn mức cần thiết để hay biết nó. Trong trường hợp chúng ta không biết làm thế nào để phân loại một đối tượng, chúng ta bỏ qua nó và ghi nhận các đối tượng sinh khởi kế tiếp. 

6 . Thiền hành 

Mặc dù thiền hành trong việc thực hành không được chú ý nhiều như thiền tọa, song cả hai đều có tầm quan trọng như nhau. Chúng ta nên thực hành thiền hành và thiền tọa như nhau. Trong cả hai hình thức thực hành này, yếu tố chuyển động (yếu tố gió) là đối tượng của sự ghi nhận mặc dù chúng thuộc hai tư thế khác nhau. 

Khi hành giả quyết định đi thiền hành, hành giả thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng một cách chánh niệm bằng cách chống hai tay để đỡ thân đứng lên. Chúng ta nên lưu ý đến tư thế đứng cũng như mọi tư thế khác. Chúng ta phải dành thời gian để quan sát sự chuyển động của thân trong khi đứng. Chúng ta từ từ hướng tâm đến bộ phận của cơ thể mà chúng ta đang đứng trên đó, cụ thể hai hai bàn chân. Khi bắt đầu bước đi, chúng ta ghi nhận các chuyển động khác nhau như nhấc chân lên, đưa chân về phía trước, đặt chân xuống và nhấn bàn chân v.v... 

Khi mới bắt đầu thực hành thiền hành, chúng ta có thể bước chậm hơn một chút hơn so với tốc độ của người bình thường, ghi nhận các bước, phải, trái. Dần dần chúnng ta có thể di chuyển chậm hơn nữa và bước chậm chừng nào càng tốt chừng ấy. Việc này cho chúng ta cơ hội để quan sát một cách chánh niệm hơn các tiến trình khác nhau trong khi đi. 

Trong khi đi, chúng ta không nên đưa mắt nhìn xung quanh mà giữ cho đôi mắt khép hờ nhìn về phía trước hướng xuống sàn nhà. Đến cuối con đường thiền hành, chúng ta lại ghi nhận "đứng" trước khi bắt đầu xoay người lại. Chúng ta có thể xoay người thật chậm rãi trong ba bước chân, cẩn thận ghi nhận những gì mà chúng ta hay biết. Sau khi đã quan sát xong tư thế đứng, chúng ta lại bắt đầu đi. Khi có những suy nghĩ mất làm tập trung, chúng ta nên dừng lại cho dẫu là chúng ta đang ở tư thế nào khi đang đi, bàn chân đã nhấc lên hay chưa? Chúng ta đưa sự chú tâm trở về với thực tại và tiếp tục bước đi. Khi chúng ta muốn thực hành thiền tọa trở lại, chúng ta từ từ đi về chỗ ngồi của mình và ngồi xuống một cách chánh niệm, ghi nhận bất cứ điều gì được phân biện một cách rõ ràng. 

Trong tất cả các hoạt động khác như ăn, uống, nhai, nuốt, tắm, mặc quần áo, nằm xuống v.v... chúng ta phải duy trì ghi nhận một cách kiên định, không để tâm phóng đi lang thang hoặc rơi vào sự tưởng tượng v.v...

Khi chúng ta có được năng lực nội quán sâu sắc hơn một chút về các hoạt động của chính mình trong một khóa tu, chúng ta sẽ dễ dàng duy trì chánh niệm hơn trong các tình huống hàng ngày. Ghi nhận một cách chánh niệm và làm chậm lại các hoạt động của chúng ta là hai yếu tố không thể thiếu trong việc thực hành chánh niệm. 

7 . Một số điểm cần ghi nhớ

Cần nhớ rằng trong việc thực hành Vipassana, chúng ta chỉ đơn thuần ghi nhận mọi hiện tượng mà không đánh giá chúng tốt hay xấu do chúng ta thích hoặc không thích chúng. Chúng chỉ hiện hữu trong một khoảnh khắc ngắn ngủi và sau đó hoại diệt ngay tức khắc. Chúng ta phải cố gắng hay biết từng khoảnh khắc sinh khởi và hoại diệt của từng đối tượng. 

Những từ "nghiên cứu" hoặc "xem xét" được dùng để nói đến sự cởi mở, không thành kiến, dựa vào đó mà chúng ta có thể phân biện sự vật theo đúng bản chất thực sự của chúng và hiểu chúng một cách đúng đắn. Ví dụ, khi một hành giả nhận ra rằng mình đang phóng tâm, hành giả ấy, với sự tỉnh giác, có thể ghi nhận sự phóng tâm ấy ngay tức khắc cho dù suy nghĩ đó bắt nguồn từ tham, sân hoặc si. Khi chánh niệm là sắc bén và tỉnh giác có mặt, chúng ta không phải mất thời gian để có được sự hiểu biết đó. 

Hành giả phải luôn ghi nhớ rằng thực tế không có cái gì là " tốt " hoặc "xấu" trong thiền tập. Cái mà chúng ta cần chỉ là chánh tinh tấn để có thể thấy những gì xảy ra trong thân và tâm ngay trong khoảnh khắc hiện tại một cách chánh niệm. Bất kỳ ý tưởng nào về "việc thực hành của tôi" đều dựa trên tư duy khái niệm về tự ngã . 

Để đi đến một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất nội tại của sự vật, bao gồm cả cuộc sống của chính mình, chúng ta nên nỗ lực phát triển thiết lập chánh niệm. Thực sự hiểu biết về trách nhiệm của chúng ta trong cuộc sống giúp chúng ta thoát khỏi những xung đột bên trong, thoát khỏi những cuộc tranh cãi và rối ren. 

Bởi vì chúng ta sống chúng ta có trách nhiệm để làm một điều gì đó cho cuộc sống này. Điều mà chúng ta có thể làm đó là phát triển nội tâm của chính mình cũng như bối cảnh của xã hội . Mọi nỗ lực nghiêm túc để làm chấm dứt tất cả xung đột (dukkha) trong tự thân, trong thực tế, là một thái độ xã hội ( thái độ giữa con người và con người) tốt nhất mà chúng ta có thể có .

Một người khi đã đã vượt qua sự xung đột và bất hòa trong cuộc sống của chính mình, người ấy cũng sẽ không tạo ra bất kỳ rắc rối nào cho bất kỳ ai khác. Một người như vậy là một người hạnh phúc 

Theo: Practical guidelines for Vipassana 

Chuyển ngữ: Supanna Thiện Trí 

source: www.thienvienphuocson.net  

Hướng dẫn thực tiễn cho việc thực hành Vipassana (Phần 1)

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box