Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Thiền Quán Tâm

email add Xin email tới: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

LIÊN HỆ VỚI NGƯỜI KHÁC MỘT CÁCH THÔNG MINH

Chúng ta gặp vấn đề khi có sự dính mắc. Khi bạn hay người khác dính mắc với nhau hay dính mắc với một mối quan hệ, vấn đề sẽ gấp đôi! Ví dụ, suy nghĩ rằng bạn sẽ ổn chỉ khi nào con cái bạn ổn có nghĩa là tâm phụ thuộc vào một người nào đó khác cho những cung bậc

cảm xúc và điều đó lấy đi sự tự do của tâm. Đây là một sự si mê rất mạnh. Với sự dính mắc, giận dữ, sợ hãi, lo lắng và nghi ngờ sẽ đến nhưng khi có trí tuệ thì có thể từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, và xả tâm sẽ có mặt. Khi tâm không tin rằng những khổ đau của tâm đến từ người khác, tình huống hay nơi khác, thì nó sẽ được tự do.

Một cặp đôi lớn tuổi khi được hỏi làm thế nào mà mối quan hệ của họ có thể kéo dài suốt 50 năm. Thì một trong 2 người tả lời rằng, mỗi lần họ không liên lạc với nhau thì họ đều tự điều chỉnh. Điều này hữu ích vì chính sự điều chỉnh đó không phải được thực hiện bởi đam mê hay phiền não mà là với trí tuệ. Chúng ta thành người xa lạ với nhau trong một gia đình, nếu chúng ta không nói chuyện với nhau trong một thời gian dài. Cần rất nhiều trí tuệ để biết Khi nào thì nói và nên nói hay không. Cân nhắc về thời gian, nơi chốn và các yếu tố khác đều là một phần của khoảnh khắc đó, và tình hình trước khi chúng ta quyết định có phù hợp để nói điều gì đó hay không. Đôi khi cần phải diễn tả một cách hài hước để làm tình hình nhẹ nhàng hơn. Lời nói đùa và cách nói hài hước có thể rất hấp dẫn người ta.

Vì vậy, hãy yêu nhiều như bạn có thể nhưng đừng để bị dính mắc. Khi bạn nghĩ đến người bạn yêu thì những cảm xúc gì khởi sinh? Nếu như chỉ có tình yêu, thì sẽ chỉ có hạnh phúc. Nhưng tình yêu có thể bị trộn lẫn với một chút dính mắc, và điều đó sẽ đi kèm với sợ hãi. Mất mát là một phần tự nhiên của đời sống, vì vậy, chắc chắn là sẽ có mất mát. Chúng ta cần phải hiểu điều đó thay vì sợ hãi. Ngày nào chúng ta cũng mất thời gian, mất đối tượng, mất chánh niệm, trong mỗi khoảnh khắc

NÓI CHUYỆN TRONG CHÁNH NIỆM

Chúng ta phải chánh niệm về bản thân mỗi lúc chúng ta nói chuyện. Chúng ta sẽ biết được những giai đoạn làm việc của tâm thông qua việc nói chuyện. Nếu thiền sinh tạo thành thói quen ghi nhận bản thân, thì việc chánh niệm khi nói chuyện sẽ tự nhiên thành một phần của thói quen đó.

Có lúc, tôi đã yêu cầu thiền sinh không nói chuyện trong 2/3 thời gian khóa thiền, và sau đó, trong 1/3 thời gian còn lại, tôi giải thích cách nói chuyện trong chánh niệm và để cho họ thử nói chuyện trong chánh niệm vài ngày. Nếu lý tưởng thì thiền sinh có thể có đủ đà và tiếp tục chánh niệm khi nói chuyện. Nhưng thường thì có một số thiền sinh hiểu lầm hoặc họ không đủ năng lực làm thế nào để duy trì chánh niệm trong lúc nói chuyện, và sau đó, tôi để ý thấy thiền sinh nói chuyện mà không chút chánh niệm nào, và trớn chánh niệm của họ biến mất. Bây giờ tôi hạn chế chỉ cho thực hành trong một thời để họ biết được cách nói chuyện trong chánh niệm như thế nào thôi.

Tôi không tự phát minh ra ý tưởng bồi đắp chánh niệm khi nói chuyện. Điều đó không phải là điều gì đặc biệt cả. Trong Kinh Niệm xứ (Satipaṭṭhāna Sutta), Đức Phật Ngài dạy “Khi yên lặng, hãy yên lặng với chánh niệm và trí tuệ, khi nói chuyện hãy nói chuyện với chánh niệm và trí tuệ”, nhưng ít người thực hành điều đó. Khó để thực hành chánh niệm khi nói chuyện và khi nhìn. Lý do là họ không thực tập chánh niệm khi nói, khi nhìn, khi thấy và chúng ta cũng không có đủ chánh niệm trong sự thực hành của mình để thành trớn cho sự thực hành. Toàn bộ các khóa thiền của tôi là tôi dạy cho các bạn kỹ thuật để bạn có thể mang về nhà, áp dụng vào trong đời sống, như vậy thì chánh niệm có thể trở thành một cách sống. Đó là lý do tôi nghĩ đến việc biết cách và thực hành chánh niệm khi bạn nói chuyện, đặc biệt là khi bạn trở về nhà và làm việc.

Chánh niệm trong khi nói chuyện không phải là điều gì lạ lẫm hay là ghê gớm, đó chỉ là một điều rất đơn giản: Chánh niệm khi bạn nói chuyện. Một số người hỏi “Vậy thì con phải chánh niệm về cái gì?” và tôi nói “Biết mình đang nói gì, ghi nhận bất cứ phần nào trong trải nghiệm lúc nói chuyện rõ ràng nhất với bạn”. Trong khóa thiền, chúng tôi thực tập quan sát các cảm thọ của thân và các cảm xúc khởi sinh, và quan sát tâm. Tất cả những yếu tố này đều có mặt khi chúng ta nói chuyện và chúng ta muốn biết yếu tố nào sẽ được chúng ta chú ý đến trong khi nói chuyện.
Nguy hiểm lớn nhất khi nói chuyện là khao khát mãnh liệt được nói, và muốn nói nhiều. Khao khát mãnh liệt được nói là tham, và chánh niệm lúc đó đã bay qua cửa sổ mất rồi.

Chúng ta không thể thực tập chánh niệm khi nói một mình, chúng ta phải nói với ai đó. Chúng ta phải chú tâm vào đối tượng bên ngoài, không phải là vào thân và tâm mình, vì vậy chúng ta mất chánh niệm vì sự chú ý hoàn toàn chuyển hết ra ngoài và chúng ta không còn chút chú ý nào trong thân với nội dung chúng ta nói nữa. Chúng ta bắt đầu nghĩ về người khác, và nhìn người khác, rồi tất cả chú ý và chánh niệm của chúng ta cũng đi ra ngoài hết và mọi sự chú ý của chúng ta cũng không còn hướng về mình nữa. Mặt khác, thực hành thiền khi nói chuyện quá nghiêm túc, và chỉ khi chú ý vào bản thân thì cuộc nói chuyện trở nên rất cứng nhắc và không được tự nhiên.

Một thiền sinh nói trong khóa thiền ở Phần Lan là trong khi ở khóa thiền, thì chánh niệm khá tốt, có nhiều điều xảy ra đặc biệt là khi nói chuyện, khi nói chuyện với người khác, thiền sinh phải phản hồi, nhanh chóng và giống như họ đang làm hai việc cùng một lúc. Đúng vậy – cách làm việc là như vậy. Tất cả đều là kỹ năng, và kỹ năng sẽ có được nhờ sự thực hành liên tục. Khi chúng ta không thuần thục trong việc nào đó thì chúng ta sẽ phải làm từ tốn. Khi chúng ta làm đi làm lại việc đó, chúng ta sẽ có được trớn và quy trình trở nên dễ hơn. Có thể ban đầu sẽ cần phải nỗ lực nhiều, khi đã mọi việc vào guồng rồi sẽ tự tiến theo trớn, như đi xe vậy. Tôi thấy giống như tập võ, ban đầu, khi bạn mới tập một vài động tác sau một thời gian (bạn sẽ không biết đó là lúc nào), bạn sẽ có thể tự nhiên hoạt động. Cũng như vậy, có thể lúc mới bắt đầu tâm hơi chậm và có chút thận trọng, nhưng khi bạn thực hành không ngừng thì từ từ sẽ biến thành phản xạ tự nhiên.

Bạn có thể thử thực hành theo cách này: Rõ biết bạn muốn nói gì. Nghĩ về điều bạn muốn nói trước khi bạn nói. Khi bạn ghi nhận tự thân trước, rồi điều bạn nghĩ và cảm giác trước khi bạn nói, bạn sẽ dành thời gian để rõ biết bản thân trước khi bạn nói. Hãy thử điều này hết lần này đến lần khác. Bạn sẽ có thể chánh niệm về trải nghiệm của mình khi bạn nghe người khác và ghi nhận rằng bạn đang nghe, và họ đang nghe, rồi bạn sẽ ghi nhận được hành động nghe đang diễn ra và hành vi nói chuyện đang diễn ra.

Bạn cần phải thực hành điều này khá chủ động. Ban đầu sẽ khó, nhưng đó là khi bạn thực hành chưa đủ. Mỗi một điều mới bạn học được đều khó khi nó mới, vì bạn chưa có thời gian thực hành đủ. Nhưng khi bạn hoàn toàn chánh niệm tự nhiên và liên tục hơn, có đà thực hành rồi và bạn biết được tâm và ghi nhận biết khi tâm làm việc. Rồi việc chánh niệm khi nói chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn sẽ ghi nhận được khi nào tâm suy nghĩ, khi nào tâm lắng nghe, khi nào tâm nghe, nhìn, và tương tự như thế. Bạn sẽ cần phải chấp nhận rằng ban đầu bạn chắc chắn sẽ thất niệm khá nhiều. Miễn là bạn đừng từ bỏ.

Trước khi tôi học được cách thực hành ở những nơi giao tế, tôi đã dành tất cả thời gian có thể để thực hành tự thân và rèn luyện sự tập trung. Khi tâm trạng ổn định rồi nhưng tôi vẫn chưa tìm được sự bình yên vì tôi đã rất e ngại trước những tình huống giao tế. Tôi không rành nhưng tôi thử lại hết lần nọ đến lần kia. Khi tôi học được cách thực hành với người xung quanh, dần dần trong một khoảng thời gian dài, thói quen của tâm thay đổi. Sự chánh niệm của tôi đã tăng và từ từ trở nên tự nhiên. Khi tôi thấy sự e ngại của mình là do điều kiện, tôi đã chủ động thực tập ở những tình huống giao tế để vượt qua sự e ngại này.

Đến một lúc, tôi quyết định thực tập chánh ngữ, nghĩa là không nói dối, không nói lời thô ác, không nói lời vô nghĩa, không nói lời phù phiếm. Nói chuyện với tinh thần này thực sự giúp tôi trong khi thực hành thiền trong nói chuyện vì tôi phải kiểm tra xem liệu mình có đang phạm một trong bốn điều tà ngữ hay không. Điều đó giúp giảm đáng kể việc nói chuyện và sự thực hành của tôi mới được kích hoạt vì chúng tôi nói chuyện rất thường và tôi phải chánh niệm mọi lúc.

Tôi không nhớ mình đã thực hành bao lâu như vậy, nhưng sau một thời gian thực hành, tôi có thể giữ được sự bình tâm khi tôi ở cùng người khác. Sau khi tôi ổn định hơn, thì tôi chủ động tăng sự thực tập và tìm kiếm những nơi đã từng là nơi làm khó tôi vì tôi biết những nơi đó chính là điểm yếu của mình. Tôi đãđi đến những nơi đó và tiếp tục thử thực hành ở đó. Thỉnh thoảng, tôi đi đến quán bar để thực hành. Tôi muốn biết điều này sẽ tác động tới tâm mình như thế nào và tôi trở nên rất là háo hức. Mọi người xung quanh tôi uống và la hét ầm ĩ, nhưng tôi đã rất bình tâm. Đây là cách tôi phát triển sự tự tin trong thực hành của mình.

Điều đáng vui rút ra là Bạn có thể chánh niệm khi nói chuyện. Vì vậy, khi bạn sẵn lòng thử sức và đưa hạng mục này vào trong thực hành chánh niệm trong đời sống thường nhật, để thử thách bản thân, như là một phần của sự thực hành.

Phiền não rất dễ len vào trong lời nói của chúng ta khi chúng ta nói chuyện về mình, khi “Tôi” được gắn vào. Ở nhà, chúng ta thường nói mà không có chánh niệm, điều này trở thành một thói quen, chính nó đã bước vào trong cuộc nói chuyện chứ không phải chánh niệm. Khi chúng ta nói chuyện, có 3 thứ mà chúng ta cần phải chánh niệm: Tâm, lời nói, và thân. Nếu chúng ta biết được tâm mình thì chúng ta cũng có thể tự lọc để ghi nhận lời nói và tình trạng thân ta.

Sayadaw U Tejaniya
Trích “ Thu Nhặt Bụi Vàng”
Người dịch: Pháp Hỷ

Trang Nhà

Audio & Video

Thông Tin

Sách

Bài Viết

Sống Khỏe

English

Liên Lạc

Những Bài Được Nghe Nhiều Nhất

S5 Box